1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp” (bao gồm hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án) được biên soạn bởi PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên chuyên trách - Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, hiện là Trưởng Bộ môn Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn
Nhà xuất bản Tư Pháp
3. Tổng quan nội dung sách
Quyền con người là vấn đề được nhiều quốc gia và Liên hợp quốc quan tâm đặc biệt. Từ khi thành lập (năm 1945) đến nay, Liên hợp quốc đã ban hành hàng trăm văn kiện pháp lý về quyền con người. Qua các văn kiện đó cho thấy quyền con người đã trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý phổ biến mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia cam kết tôn trọng và thực hiện. Quyền con người hiện hữu trong nhiều lĩnh vực của đời sống nhà nước và xã hội, trong đó có lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Với lĩnh vực tư pháp, một lĩnh vực có nhiệm vụ bảo đảm công lý nên vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay, có nhiều định nghĩa về quyền con người. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc cho rằng: Quyền con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, sự được phép (entitlement) và tự do cơ bản của con người. Bên cạnh đó, quyền con người còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người. Ở Việt Nam, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
Trong lĩnh vực pháp luật, quyền con người, quyền công dân là hai phạm trù được hiểu khác nhau. Phạm trù quyền con người rộng hơn phạm trù quyền công dân, nó không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước mà thể hiện mối quan hệ cá nhân với cộng đồng nhân loại. Còn phạm trù quyền công dân xuất hiện trong cách mạng tư sản, khi con người từ địa vị “thần dân” đã trở thành công dân có địa vị bình đẳng trong xã hội. Như vậy, quyền công dân chính là quyền con người được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật, chủ yếu dành cho những người mang quốc tịch của quốc gia đó. Quyền công dân bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, thông qua chế định pháp lý đặc biệt là quốc tịch. Phát triển quyền con người là một xu hướng phổ biến nhằm thúc đẩy cuộc sống và chất lượng sống của con người, hiện thực hóa tự do chính đáng thông qua việc tăng cường cơ hội và năng lực của mỗi con người. Tự do của con người là khả năng có thể và khả năng hiện thực hành động theo ý chí, nguyện vọng của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội trong một xã hội dân chủ, với các nguyên tắc pháp quyền mà không bị cản trở.
Trong Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu (Chương II). Điều đó thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Nhà nước ta khẳng định nguyên tắc “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; và “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là những nguyên tắc căn bản đề cao trách nhiệm của Nhà nước trước công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong lĩnh vực tư pháp, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là lĩnh vực trực tiếp liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm... của con người, nơi công lý cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất. Ở mỗi loại hình tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính), có các biện pháp chung mang tính nguyên tắc, nhưng cũng có những biện pháp đặc thù nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Nhằm giới thiệu với bạn đọc những tiến bộ về xây dựng và hoàn thiện thể chế tư pháp trong tiến trình cải cách tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành cuốn: “Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp” (bao gồm hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án) của PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên chuyên trách - Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, hiện là Trưởng Bộ môn Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.