Năm 2011, Liên hợp quốc chính thức công nhận thế giới đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là số người cao tuổi (trên 60 tuổi) chiếm 10% trở lên so với tổng số dân cư toàn thế giới. Già hóa dân số là xu thế tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu với tốc độ ngày càng nhanh và tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới
Năm 2011, Liên hợp quốc chính thức công nhận thế giới đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là số người cao tuổi (trên 60 tuổi) chiếm 10% trở lên so với tổng số dân cư toàn thế giới. Già hóa dân số là xu thế tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu với tốc độ ngày càng nhanh và tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, cho đến nay, quyền của người cao tuổi chưa được đề cập trong một công ước riêng mà được các văn kiện nhân quyền quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp ghi nhận và bảo vệ như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Bình luận chung số 6 năm 1995 về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của người cao tuổi, Kế hoạch hành động quốc tế Viện về người cao tuổi năm 1982, Bộ nguyên tắc của Liên hợp quốc về người cao tuổi năm 1991, Tuyên bố về người cao tuổi năm 1992, Tuyên ngôn chính trị và Chương trình hành động Madrid về người cao tuổi năm 2002...
Ở Việt Nam, vấn đề người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhìn chung, quyền của người cao tuổi được quy định khá đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017... Theo đó, người cao tuổi không bị phân biệt đối xử; được chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần; được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí phù hợp với sức khỏe và tâm lý; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, người hướng dẫn để người cao tuổi tham gia học tập, nghiên cứu; quyền về việc làm là một trong những quyền quan trọng đối với người cao tuổi để bảo đảm có thu nhập, có cơ hội sống độc lập, không phụ thuộc; người cao tuổi được tạo điều kiện phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần xây dựng đất nước...