Bài viết đi sâu phân tích cách tiếp cận dựa trên quyền con người đối với sức khỏe cộng đồng, làm rõ mối quan hệ qua lại giữa sức khỏe và quyền con người; nguyên tắc cốt lõi của quyền con người và cốt lõi của cách tiếp cận dựa trên quyền con người đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt xem xét khía cạnh quyền con người qua thực tiễn phòng, chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới và ở Việt Nam.
1. Tiếp cận dựa trên quyền con người trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Kể từ khi Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948, và sau đó là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, quyền được chăm sóc sức khỏe đã trở thành một trong những quyền quan trọng trong hệ thống quyền con người, thuộc nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Quyền được chăm sóc sức khỏe được quy định tại Điều 25 của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948 và Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa với nội dung như sau1:
i) Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được.
ii) Các biện pháp mà một quốc gia thành viên Công ước cần thi hành để thực hiện đầy đủ quyền này, chính là nghĩa vụ mà mỗi quốc gia thành viên phải có trách nhiệm thực hiện bao gồm các biện pháp nhằm:
- Giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em, và nhằm đạt được sự phát triển lành mạnh của trẻ em;
- Cải thiện mọi mặt về vệ sinh môi trường và vệ sinh công nghiệp;
- Ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh khác;
- Tạo các điều kiện để bảo đảm mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi đau yếu.
Nhận thức tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa quyền con người và quyền đối với vấn đề sức khỏe, ngay trong Bản Hiến chương - cơ sở pháp lý thành lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1946 đã xác định “sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ đơn thuần là không có triệu chứng bệnh lý hay có bệnh và việc hưởng thụ tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người mà không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội. Tận hưởng quyền được chăm sóc sức khỏe là quan trọng đối với tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống của một người và đặc biệt quan trọng cho việc thụ hưởng các quyền con người khác2”. Việc xác lập mối liên kết, quan hệ biện chứng giữa quyền con người và sức khỏe con người, theo đó cần phải được hiểu sức khỏe chính là quyền con người - quyền được chăm sóc sức khỏe như đã được quy định trong Bộ luật quốc tế về quyền con người3.
Mối quan hệ chặt chẽ, qua lại và bổ sung giữa quyền con người và sức khỏe cộng đồng được thể hiện trên những khía cạnh chính sau đây:
Thứ nhất, muốn bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, thì việc quan trọng đầu tiên là chăm lo sức khỏe cho người dân cả ở cấp độ cá nhân/gia đình/cộng đồng; bởi mỗi cá nhân con người khi được chăm sóc tốt về sức khỏe, thì con người đó mới có thể thụ hưởng và thực hiện được các quyền cơ bản khác. Chẳng hạn, một người được chăm sóc sức khỏe tốt, kể từ khi lọt lòng, thì sẽ có sức khỏe, để lớn lên có khả năng học tập tốt, và có đủ sức khỏe để lao động và hoạt động sáng tạo. Và ngược lại, muốn thực hiện tốt quyền được chăm sóc sức khỏe, thì phải bảo đảm thực hiện tốt các quyền con người. Điều này cũng có nghĩa là nếu xảy ra các hành vi phạm quyền con người, hoặc thiếu hiểu biết trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, sẽ có tác động tiêu cực đến quyền được chăm sóc sức khỏe.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, sự vi phạm hoặc thiếu quan tâm đến quyền con người có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe như hành vi bạo lực, tra tấn, phân biệt đối xử hoặc phân biệt ngầm trong việc cung cấp dịch vụ y tế, thiếu thông tin cho người dân hoặc thông tin cung cấp không kịp thời, không chính xác trong lĩnh vực y tế công, đối xử bất công của nhân viên y tế với người sử dụng dịch vụ (người bệnh) là rào cản mạnh mẽ đối với việc bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe.
Vi phạm quyền con người trong sức khỏe cộng đồng, không chỉ góp phần làm trầm trọng thêm bệnh tật, mà đối với nhiều người, bao gồm người khuyết tật, người bản địa, phụ nữ nhiễm HIV, người bán dâm, người sử dụng ma túy, người chuyển giới, việc chăm sóc sức khỏe có nguy cơ dẫn đến các vi phạm quyền con người. Điều này có thể dễ nhận biết nhất, đó là tác động tiêu cực của các hành vi vi phạm quyền con người đối với sức khỏe cộng đồng. Ví dụ một người bị tra tấn sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, hay một người bị từ chối tiếp cập thông tin chính xác về HIV/AIDS, về bệnh tình của mình là một ví dụ về vi phạm quyền con người. Hay việc đối xử thiếu công bằng, kỳ thị phân biệt đối xử sẽ giảm đi sức mạnh của phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí nếu các hành vi vi phạm đó tiếp tục xảy ra trên diện rộng, thì dịch bệnh có thể bùng phát, lây lan trong cộng đồng.
Từ mối liên hệ này, đòi hỏi các chương trình và chính sách y tế công được tạo ra với mục đích chính là phải nhằm cải thiện sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế nếu không nhận thức đẩy đủ về mối quan hệ/liên hệ giữa quyền con người với sức khỏe, thì dễ ban hành các quyết định không công bằng, dễ phân biệt đối xử trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng/y tế công cộng, chẳng hạn lĩnh vực nào, đối tượng nào cần phải được ưu tiên, sẽ không dễ nhận ra và giải quyết thấu đáo, và như vậy, các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người tỵ nạn... sẽ là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe cộng đồng đòi hỏi những nỗ lực rõ ràng và cụ thể để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và nhân phẩm của con người nói chung. Mối liên hệ này liên quan đến các tác động đan xen cả tích cực và tiêu cực của các chính sách y tế, pháp luật, chương trình và thực tiễn thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thách thức chính là ở chỗ làm thế nào để bảo đảm sự cân bằng tối ưu giữa thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chính phủ các nước cần phải có đầy đủ các chính sách, pháp luật, chương trình dựa trên cơ sở cách tiếp cận quyền con người, hay nói cách khác chính là lồng ghép các nguyên tắc, tiêu chuẩn và nội dung quyền con người vào chương trình và các chính sách y tế quốc gia.
Thứ ba, sự tương xứng giữa hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân, trong mối tương quan với lợi ích quốc gia, cộng đồng xã hội. Luật quốc tế về quyền con người quy định, trong khi thực hiện/thụ hưởng các quyền và tự do cá nhân, mỗi cá nhân con người phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội xung quanh. Do đó, chuẩn mực quốc tế về quyền con người cho phép, trong trường hợp cần thiết vì lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và tự do của người khác, quốc gia có thể ra các hạn chế trong việc thực hiện quyền con người4. Với quy định này, thực hiện cách ly bệnh nhân, nhóm người bị nhiễm, hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh là cần thiết. Đó là biện pháp hiệu quả để bảo vệ cá nhân người bệnh, gia đình họ và cả cộng đồng xã hội (vì lợi ích chung của xã hội, quyền và tự do của người khác).
Từ cách tiếp cận sức khỏe là quyền con người của mỗi cá nhân, sau này đã trở thành chuẩn mực quốc tế về quyền con người, tạo hành lang pháp lý mà mỗi quốc gia thành viên phải có trách nhiệm thực hiện, nhằm đảm bảo tiếp cận chăm sóc sức khỏe kịp thời, có thể chấp nhận được và giá cả phải chăng với chất lượng phù hợp cũng như trách nhiệm của quốc gia cung cấp các yếu tố quyết định cơ bản để bảo đảm sức khỏe con người, như nước an toàn và uống được, vệ sinh, thực phẩm, nhà ở, thông tin và giáo dục liên quan đến sức khỏe, và bình đẳng giới.
Để bảo đảm thực hiện được quyền chăm sóc sức khỏe, đòi hỏi việc phân bổ các nguồn lực tối đa có thể có được, trong đó thông qua các cơ chế quốc tế như cơ chế đánh giá định kỳ phổ quát (UPR), hoặc thông qua Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước tại Ủy ban kinh tế, xã hội và văn hóa. Ở nhiều nước, quyền được chăm sóc sức khỏe đã được quy định trong Hiến pháp hoặc đạo luật riêng về chăm sóc sức khỏe5.
2. Nội dung và nguyên tắc cốt lõi của quyền con người và tiếp cận dựa trên quyền con người đối với sức khỏe cộng đồng
Cách tiếp cận dựa trên quyền con người đối với sức khỏe cung cấp hệ thống các nguyên tắc, tiêu chuẩn rõ ràng để thiết lập và đánh giá chính sách y tế và cung cấp dịch vụ hiện hành, mục tiêu nhắm tới là tình trạng phân biệt đối xử trên thực tế và các quan hệ quyền lực bất công được xem là trung tâm của những kết quả đầu ra của dịch vụ chăm sóc sức khỏe không công bằng6.
Theo đuổi cách tiếp cận dựa trên quyền trong chính sách, chiến lược và chương trình y tế ở mỗi quốc gia đòi hỏi cần được thiết kế rõ ràng vì mục tiêu nhằm nâng cao cải thiện sự hưởng thụ của mọi người đối với quyền được chăm sóc sức khỏe, tập trung và ưu tiên các mục tiêu cần đạt được, trong đó bảo đảm thực hiện cao nhất các nguyên tắc và tiêu chuẩn cốt lõi của quyền con người và nguyên tắc cốt lõi của cách tiếp cận dựa trên quyền được trình bày chi tiết trong bảng dưới đây7.
Các nguyên tắc cốt lõi của quyền con người |
Nguyên tắc cốt lõi của tiếp cận dựa trên quyền con người đối với sức khỏe cộng đồng |
1. Bình đẳng và không phân biệt đối xử Nguyên tắc không phân biệt đối xử bảo đảm rằng quyền con người được thực thi mà không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc ý kiến khác, nguồn gốc xuất thân hoặc địa vị xã hội, tài sản, hoặc tình trạng khác chẳng hạn như khuyết tật, tuổi tác, hôn nhân và gia đình, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới, tình trạng sức khỏe, nơi cư trú, tình hình kinh tế và xã hội... Bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, ví dụ như trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, cũng như các phương tiện và quyền lợi để đạt được sự tiếp cận các quyền này đều bị cấm trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, nơi sinh, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, tình trạng sức khỏe (bao gồm cả HIV/AIDS), khuynh hướng tình dục, và tình trạng trên lĩnh vực dân sự, chính trị, xã hội hoặc khác, có ý định hoặc ảnh hưởng làm giảm sự hưởng thụ hoặc thực hiện quyền đối với sức khỏe. |
1. Khả năng sẵn có (Availability) Liên quan tới nhu cầu cấp thiết phải có đủ số lượng cho hoạt động của các cơ sở y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe, hàng hóa và dịch vụ, cũng như các chương trình y tế cho tất cả mọi người. Tính sẵn có có thể được đo lường thông qua phân tích dữ liệu phân tách thành các phân tầng khác nhau và đa dạng bao gồm căn cứ theo độ tuổi, giới tính, nơi cư trú và tình trạng về kinh tế, xã hội thông qua khảo sát định tính để nắm được mức độ bao phủ về bảo hiểm và lực lượng nguồn nhân lực trong ngành. |
2 . Phổ quát, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ lẫn nhau của các quyền Đặc tính cơ bản và quan trọng của quyền con người là mang giá trị phổ quát và không thể tước đoạt. Các quyền được áp dụng bình đẳng như nhau và cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, không phân biệt. Các tiêu chuẩn quyền con người đối với thực phẩm, sức khỏe, giáo dục, không bị tra tấn, đối xử vô nhân đạo hay hạ thấp con người… đều có liên quan đến nhau, đều có liên quan đến nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Do đó sự cải thiện, nâng cao hưởng thụ một quyền nào đó sẽ tạo điều kiện cho sự tiến bộ, hưởng thụ các quyền khác của con người. Tương tự như vậy, việc tước đi một quyền cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến những quyền khác. |
2. Khả năng tiếp cận (Accessibility) Yêu cầu các cơ sở y tế, hàng hóa và dịch vụ công ở mỗi quốc gia phải bảo đảm rằng người dân có thể dễ dàng tiếp cập được. Khả năng tiếp cập có bốn khía cạnh liên quan như sau: • không phân biệt đối xử • khả năng tiếp cận thể chất • khả năng tiếp cận kinh tế (khả năng chi trả) • tiếp cận thông tin. |
3. Sự tham gia: Việc tham gia đòi hỏi phải đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách công, trong đó không chỉ là trách nhiệm của của cơ quan nhà nước mà còn là quyền của chủ thể phi nhà nước (non-state actors) có quyền sở hữu và kiểm soát các quá trình xây dựng chương trình phát triển trong tất cả các giai đoạn từ lập chương trình, kế hoạch, phân tích, thực hiện, giám sát và đánh giá. Sự tham gia của các chủ thể phi nhà nước phải vượt lên xa hơn cả sự tư vấn hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho thiết kế dự án; cần bao gồm các chiến lược rõ ràng để trao quyền cho công dân, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất, để kỳ vọng của họ được nhà nước công nhận, theo mục tiêu cần đạt được là không ai bị ỏ lại phía sau. Sự tham gia rất quan trọng đối với trách nhiệm giải trình vì nó cung cấp các kiểm tra và cân bằng, không cho phép lãnh đạo đơn nhất thực hiện quyền lực theo cách tùy tiện. |
3. Khả năng chấp nhận được (Acceptability) Liên quan đến vấn đề tôn trọng đạo đức ngành y, phù hợp với yếu tố văn hóa và nhạy cảm giới. Khả năng chấp nhận được đòi hỏi các cơ sở y tế, hàng hóa, dịch vụ và chương trình chăm sóc sức khỏe phải lấy con người làm trung tâm và phục vụ cho nhu cầu cụ thể của các nhóm dân cư khác nhau và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về y đức để vì niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. |
4. Trách nhiệm giải trình Các quốc gia và những chủ thể có nghĩa vụ khác (States and other duty-bearers) phải chịu trách nhiệm cho việc tuân thủ các các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Hiện nay, cũng có một phong trào đang lên đó là công nhận tầm quan trọng của các chủ thể phi nhà nước khác như các doanh nghiệp trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. (Xem bình luận chung số 20, Ủy ban Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa). |
4. Chất lượng (Quality) Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, hàng hóa và dịch vụ phải được phê duyệt một cách khoa học dựa trên các tiêu chuẩn về y tế. Chất lượng là một thành phần chính của tiêu chuẩn y tế quốc tế, gồm cả về kinh nghiệm cũng như nhận thức về chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ y tế chất lượng phải gồm các tiêu chuẩn sau đây: - An toàn (safety) - tránh gây thương tích cho những người có ý định cần được sự chăm sóc sức khỏe; - Hiệu quả (Effective) - cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên bằng chứng cho những người có nhu cầu; - Lấy người dân làm trung tâm (People-centred) - cung cấp dịch vụ chăm sóc đáp ứng sở thích, nhu cầu và giá trị cá nhân; - Kịp thời (Timely) - giảm thời gian chờ đợi và đôi khi chậm trễ có thể gây hại. - Công bằng (Equitable) - cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không thay đổi về chất lượng dựa trên giới tính, dân tộc, vị trí địa lý và tình trạng kinh tế, xã hội của người bệnh; - Tích hợp (Integrated) - cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo đảm có sẵn đầy đủ các dịch vụ y tế trong suốt đời người; - Tiết kiệm (Efficient) - tối đa hóa lợi ích của các nguồn lực có sẵn và tránh lãng phí. |
3. Phòng, chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp cận dựa trên quyền con người nhìn từ thực tiễn thế giới và Việt Nam
3.1 Tính đến ngày 17/3/2020, đại dịch viêm đường hô hấp cấp tính COVID – 19 đã lan ra 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 180,000 người mắc bệnh; trên 7000 người tử vong8. Trước đó, theo truyền thông quốc tế và hệ thống thông tin đại chúng ở Việt Nam, dịch viêm đường hô hấp cấp bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 12-2019, tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Khi đó bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong tám bác sĩ đầu tiên cảnh báo vi rút Corona ở Vũ Hán. Dựa trên bằng chứng theo dõi một số bệnh nhân nhiễm vi rút giống SARS gây bệnh viêm phổi, anh đã cảnh báo về loại vi rút mới này trên nhóm WeChat của các cựu sinh viên Vũ Hán. Một tuần sau đó, bác sĩ Lý điều trị cho một phụ nữ bị tăng nhãn áp, người này bị nhiễm vi rút Corona chủng mới. Bác sĩ Lý lúc này không mặc đồ bảo hộ vì không cần thiết theo quy trình khám bệnh thông thường. Bệnh nhân nữ lúc đó cũng không có biểu hiện sốt. Ngày 10/01/2020, bác sĩ Lý xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và phải nằm viện. Trên giường bệnh, bác sĩ Lý kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội Weibo. 10 ngày sau, Trung Quốc công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp do vi rút Corona9. Và bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vào ngày 07/02/202010.
Sau thời gian trông đợi, theo dõi và quan sát, ngày 11/3/2020 tại Giơ ne vơ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã chính thức công bố dịch COVID-19 do vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu11. Sau đó, nhiều nước khu vực Châu Âu và Mỹ cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch.
Từ tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, và các nước trên thế giới hiện nay cho thấy khía cạnh quyền con người, hay cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong ứng phó với đại dịch, nổi lên một số khía cạnh sau đây:
Một là, quyền tiếp cận thông tin của người dân về tình hình dịch bệnh12.
Tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của người dân; người dân cần phải được biết về tất cả những gì có ảnh hưởng tới sinh mệnh, đến cuộc sống, để có biện pháp phòng, tránh và tham gia cùng các cấp chính quyền, các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại. Việc chậm cung cấp thông tin chính thống hay thông tin không kịp thời chẳng những làm người dân hoang mang, lo sợ mà còn có tác động tiêu cực trong đấu tranh phòng, chống các đại dịch.
Từ câu chuyện đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, các quan chức Vũ Hán bị chỉ trích do che đậy thông tin cho đến cuối tháng 12/2019 mới chịu công bố dù biết rõ những ca nhiễm đầu tiên từ nhiều tuần trước đó13.
Hai là, quyền không bị phân biệt đối xử
Không phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị bệnh, chẳng những không phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh, mà còn có thể làm trầm trọng thêm bệnh, nhất là nguy cơ có thể lây lan ra cộng đồng, vì sự giấu bệnh của người mắc bệnh, do lo tiết lộ thông tin cá nhân của người nhiễm bệnh sẽ bị cộng đồng xa lánh, kỳ thị và bị phân đối xử.
Trong đại dịch COVID-19 đã xuất hiện sự nghi ngờ, xa lánh và các biểu hiện phân biệt đối xử đối với người Vũ Hán, người Trung Quốc và người gốc Đông Á ở nhiều nước ở Châu Âu14.
Ba là, quyền sống và quyền được chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời
- đảm quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mỗi nước đối với người dân ở nước mình. Chăm sóc sức khỏe cho người bệnh là trách nhiệm của nhà nước, cơ quan nhà nước vì đó là quyền con người, quyền được chăm sóc sức khỏe, được hưởng các điều kiện chăm sóc tốt nhất, mà quốc gia có thể, để giúp người bệnh mau chóng vượt qua hiểm nghèo.
Trong cuộc họp ngày 03/02/2020, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thừa nhận “thiếu sót và gặp khó khăn” trong cuộc chiến chống lại vi rút Corona mới. Các quan chức Trung Quốc ngày 06/02/2020 thừa nhận tình trạng thiếu thốn giường bệnh và thiết bị y tế “trầm trọng” tại tâm dịch Vũ Hán do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng vì vi rút Corona mới15. Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều nước ở Châu Âu như Ý, Tây Ban Nha cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn khi đối mặt với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng cao16.
Bốn là, thực hiện việc hạn chế quyền tự do cá nhân vì lợi ích của cộng đồng
Chuẩn mực quốc tế về quyền con người cho phép, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác, mỗi cá nhân trong khi thụ hưởng và thực hiện các quyền và tự do của mình, có thể phải chịu những hạn chế nhất định do pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Vì vậy, trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính COVID-19, chính phủ ở mỗi quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện việc cách ly người phơi nhiễm hoặc có nguy cơ phơi nhiễm trong một khoảng thời gian cho phép theo luật định/hoặc theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Việc cách ly nhằm bảo vệ sức khỏe của chính người đó, gia đình và cộng đồng xung quanh là phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Thực tiễn ở Trung Quốc cho thấy, chính phủ nước này đã có hành động quyết liệt ngay từ ngày 23/01/2020, trong đó thực hiện cách ly hơn 60 triệu người tại tâm dịch là thành phố Vũ Hán cùng các thành phố lân cận ở tỉnh Hồ Bắc; Đồng thời áp dụng một số biện pháp khác bao gồm kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cắt các tuyến xe buýt và xe lửa, và thắt chặt kiểm tra sức khỏe, thân nhiệt trên toàn quốc17. Từ ngày 14/02/2020, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) chính thức áp dụng luật cách ly 14 ngày đối với tất cả người đến, ai từ chối sẽ bị trừng phạt18. Việc thực hiện cách ly, phong tỏa thành phố, và thậm chí phong tỏa cả quốc gia cũng đã được nhiều nước ở Châu Âu thực hiện như Ý, Tây Ban Nha...
3.2 Đối với Việt Nam, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch viêm đường hô hấp cấp, các cơ quan của Đảng và Chính phủ từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:
- Ra các văn bản chỉ đạo: Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCov) gây ra; Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 716/VPCP-KGVX ngày 02/02/2020 về việc xin ý kiến chỉ đạo cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch nCoV. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ/ngành và các địa phương trên cả nước đều có văn bản chỉ đạo thực hiện.
- Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia (Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30/01/2020), phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, do đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban với thành viên các Bộ/ngành có liên quan;
- Công bố dịch truyền nhiễm theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).
- Triển khai một loạt các biện pháp phòng, chống dịch
+ Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh: Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện. Bệnh viện dã chiến sẵn sàng, khi được huy động.
+ Đối với bệnh nhân bị nhiễm bệnh, các cơ sở y tế tận tình chăm sóc, cứu chữa (không chỉ công dân Việt Nam mà cả người nước ngoài); những người có nguy cơ phơi nhiễm được tổ chức cách ly và chăm sóc chu đáo;
+ Các phương tiện truyền thông tổ chức việc thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng, tránh. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không giấu thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, mà thường xuyên “thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch tại Việt Nam, về các trường hợp thuộc đối tượng cách ly tập trung hoặc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng theo đúng quy định19”; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly và hành vi phát tán thông tin không kiểm chứng, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự khi đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật20.
+ Người bệnh là công dân Việt Nam được miễn phí xét nghiệm và điều trị bệnh21. Đối với khu vực bị cách ly, phong tỏa được chính quyền cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm miễn phí22.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các cơ sở giáo dục trong cả nước đều cho phép học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học, không đến trường; thực hiện vệ sinh phòng học; một số cơ sở có điều kiện, tổ chức học trực tuyến.
- Huy động toàn dân tham gia chống dịch với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” và thực hiện nhất quán chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Kinh tế có khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân23”.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp và toàn hệ thống chính trị đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Tính ngày 17/3/2020 trong khi cả thế giới đang gồng mình chống trị dịch bệnh, đã có trên 7000 người chết, trong khi đó Việt Nam là một nước núi liền núi, sông liền sông với Trung Quốc, đa số nhận định sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với dịch cúm, do lây nhiễm từ Trung Quốc, nhưng cả nước số bệnh nhân mắc bệnh đến nay mới 61 trường hợp24, đều đang được điều trị kịp thời. Trong tổng số 61 ca nhiễm bệnh được phát hiện, đã cứu chữa được 16 trường hợp và họ đã xuất viện, sức khỏe trở lại bình thường. Đây là thành công rất lớn, thể hiện rõ quan điểm chăm lo cho con người, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người là mục tiêu lớn nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
----------------------
(1) Thư viện pháp luật. Tại trang [https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Cong-uoc-quoc-te-cac-quyen-kinh-te-xa-hoi-va-van-hoa-1966-269761.aspx]. Truy cập ngày 15/3/2020.
(2) Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1946.
(3) Gồm: Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và hai công ước năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị).
(4) Điều 28, Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948.
(5) Ở Việt Nam, quyền chăm sóc sức khỏe được quy định trong Hiến pháp, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Điều 38, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
(6) Nguồn: Quyền con người và sức khỏe. Tại trang [ https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-rights-and-health]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(7) Nguồn: Tham khảo tài liệu “Quyền con người và sức khỏe”. Tại trang [ https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-rights-and-health]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(8) Theo Vnexpress. Tại trang [https://vnexpress.net/the-gioi/hon-180-000-nguoi-nhiem-ncov-toan-cau-4070331.html]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(9)(10) Theo Tuổi trẻ. Tại trang [ https://tuoitre.vn/1-trong-8-bac-si-dau-tien-canh-bao-virus-corona-o-vu-han-da-qua-doi-vi-corona-20200206224435366.htm]. Truy cập ngày 15/3/2020.
(11) Nguồn: Thanhnien. Tại trang [https://thanhnien.vn/the-gioi/to-chuc-y-te-the-gioi-chinh-thuc-cong-bo-covid-19-la-dai-dich-1194559.html]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(12) Người đọc cũng có thể nhớ lại chuyện thông tin về đại dịch Sars 2003, cũng bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc, gây thiệt hại về người theo số liệu của WHO, dịch SARS đã cướp đi 774 sinh mạng trên toàn thế giới. Trung Quốc đại lục và Hong Kong trả giá nặng nhất với lần lượt 349 người và 299 người tử vong. Nguồn; tuoitre. Tại trang [https://tuoitre.vn/trung-quoc-tung-tra-gia-vi-che-giau-dai-dich-sars-20200124102336266.htm]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(13) Theo Thanh niên. Tại trang [https://thanhnien.vn/the-gioi/bac-si-trung-quoc-co-canh-bao-som-ve-vi-rut-corona-da-tu-vong-1179660.html]. Truy cập ngày 15/3/2020.
(14) Nguồn: Thế giới và Việt Nam, tại trang [https://baoquocte.vn/than-trong-chu-dung-phan-biet-doi-xu-virus-corona-khong-can-thi-thuc-de-nhap-canh-108831.html]. Truy cập ngày 15/3/2020.
(15) Theo Thanh niên. Tại trang [https://thanhnien.vn/the-gioi/bac-si-trung-quoc-co-canh-bao-som-ve-vi-rut-corona-da-tu-vong-1179660.html]. Truy cập ngày 15/3/2020.
(16) Nguồn: Hanoimoi. Tại trang [ http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/961226/italia-gong-minh-trong-con-song-than-covid-19]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(17) Theo Thanh niên. Tại trang [https://thanhnien.vn/the-gioi/bac-si-trung-quoc-co-canh-bao-som-ve-vi-rut-corona-da-tu-vong-1179660.html]. Truy cập ngày 15/3/2020.
(18) Nguồn: tuoitreonline. Tại trang [ https://www.msn.com/vi-vn/news/other/ai-%C4%91%E1%BA%BFn-b%E1%BA%AFc-kinh-bu%E1%BB%99c-ph%E1%BA%A3i-c%C3%A1ch-ly-14-ng%C3%A0y-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i-s%E1%BA%BD-nh%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t/ar-BB100vHb]. Truy cập ngày 17/3/2020.
(19) Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Nguồn tại trang: https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/thu-tuong-chi-thi-ay-manh-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi.
(20) Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
(21) Nguồn: tuoitre. Tại trang [ https://tuoitre.vn/viet-nam-mien-phi-dieu-tri-covid-19-cac-nuoc-ra-sao-20200311075720642.htm]. Truy cập ngày 16/3/2020.
(22) Tiếp tế lương thực cho người dân bị cách ly. Nguồn: Vnexpress.net tại trang [http://laodongthudo.vn/chap-nhan-hy-sinh-mot-so-loi-ich-kinh-te-de-bao-ve-suc-khoe-cho-nguoi-dan-104190.html]. Truy cập ngày 16/3/2020.
(23) Nguồn:Laodongthudo.vn. Tại trang [http://laodongthudo.vn/chap-nhan-hy-sinh-mot-so-loi-ich-kinh-te-de-bao-ve-suc-khoe-cho-nguoi-dan-104190.html]. Truy cập ngày 16/3/2020.
(24) Đa số các ca nhiễm lại không phải từ Trung Quốc, mà là từ các chuyến bay thương mại Việt nam – Châu Âu.
PGS.TS. Tường Duy Kiên
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh