Vào mùa hè năm 1787 các đại biểu từ 13 bang mới của Hoa Kỳ mà trước đó còn là thuộc địa của Anh quốc đã tập hợp tại Philadelphia để soạn thảo Hiến pháp cho một quốc gia mới thống nhất, đó là Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Bản Dự thảo Hiến pháp được hoàn thành vào tháng 9 năm đó và nó được gửi cho các cơ quan lập pháp của các bang để xem xét và thông qua. Ngày 17 tháng 9 năm 1787, tại Hội nghị Lập hiến Philadelphia, 38 trong số 41 đại biểu trên tổng số 55 đại biểu chính thức đến từ 13 bang đã ký vào văn bản “Dự thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ”, chính thức hoàn thiện một trong những văn kiện pháp luật quan trọng nhất trong lịch sử Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ nói riêng và lịch sử thế giới cận đại nói chung. Có thể nói rằng đây là bản hiến pháp lâu đời nhất còn tồn tại hiện nay với hơn 230 năm tuổi và cũng là bản hiến pháp ngắn nhất thế giới, chỉ có 7 điều cùng 27 điều sửa đổi (hay còn gọi là 27 tu chính án). Nhằm nhắc nhở người dân Mỹ luôn ghi nhớ về văn kiện pháp luật tối cao có tính chất định hình một nhà nước liên bang mới, năm 2004, Hoa Kỳ đã chọn ngày 17 tháng 9 hằng năm làm “Ngày Lập hiến”.

Mặc dù đã được soạn thảo công phu, nhưng trong bản Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ mới đề ra đường hướng cho cơ chế hoạt động của chính quyền Nhà nước Liên bang mà chưa có những quy định cụ thể nào về các quyền công dân. Vì vậy, trên khắp nước Mỹ đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề này. Những người ủng hộ Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ thì cho rằng không cần những sự đảm bảo về quyền tự do cá nhân, còn những người phản đối lại cho rằng cần phải có một số điều cụ thể quy định các quyền tự do cá nhân.

Khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm, Thomas Jefferson, tác giả của bản dự thảo “Tuyên ngôn độc lập”, người sau này trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1801 - 1809) đã viết một bức thư cho James Madison, một trong số các tác giả chính của Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Nội dung bức thư đề cập tới một dự luật về các quyền của con người. Ông viết: “Một dự luật về quyền con người là điều mà những người dân có quyền đòi hỏi bất cứ chính phủ nào trên thế giới, nói chung hay nói riêng, và là điều mà không một chính phủ nào nên từ chối hoặc ngần ngại”[1].

Quan điểm này của Thomas Jefferson nhận được sự ủng hộ của nhiều người và một thỏa hiệp sau đó đã được chấp nhận. Theo đó, các cơ quan lập pháp của các bang đồng ý thông qua Dự thảo Hiến pháp với thỏa thuận rằng, trong cuộc họp đầu tiên của cơ quan lập pháp liên bang theo quy định của Hiến pháp mới, các điều khoản sửa đổi đảm bảo các quyền tự do cá nhân sẽ được thông qua. Kết quả là, tại Hội nghị Lập hiến ngày 17 tháng 9 năm 1787, Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã được chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 6 năm 1788. Đến năm 1791, 10 Điều sửa đổi hay còn gọi là 10 tu chính án đầu tiên[2] với tên gọi là “Luật về các quyền” (The Bill of Rights), sau này quen gọi là “Tuyên ngôn nhân quyền”, đã được thông qua. Từ đây “Luật về các quyền” trở thành một phần không thể tách rời của Hiến pháp Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Có thể nói rằng, Luật về các quyền” hay “Tuyên ngôn nhân quyền” của Hoa Kỳ là một sản phẩm có tính lịch sử tại một không gian và thời gian cụ thể, đó là tại Hoa Kỳ vào thời điểm một bản hiến pháp mới ra đời có hiệu lực trong toàn liên bang. Bản tuyên ngôn này nảy sinh từ truyền thống lâu đời của nước Anh trong việc ghi nhận các quyền trong hệ thống pháp luật Anh quốc dùng để cai trị các thuộc địa của mình ở Bắc Mỹ[3]. Vì vậy, một số người cho rằng điều này có tác dụng đặc biệt đối với hoàn cảnh của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, một số người khác lại cho rằng, Tuyên ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ đã đi xa hơn nguồn gốc lịch sử của nó. Khái niệm quyền tự do cá nhân có thể được xem như một khái niệm cơ bản của bất cứ xã hội dân sự nào.

Trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ công bố ngày 4 tháng 7 năm 1776 “khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”[4]. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng, để đảm bảo những quyền này, người ta đã tạo nên chính phủ với những quyền hạn được trao bởi chính những người mà nó cai trị. Những dòng chữ nói trên trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ luôn có một ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Mỹ. Nó là một trong những hiến chương về tự do mà mọi người Mỹ đều nhắc đến vào mỗi dịp Quốc khánh ngày 4 tháng 7, được nhiều thế hệ học sinh Mỹ ghi nhớ, được các chính trị gia của mọi đảng phái tại Hoa Kỳ viện dẫn và được nhắc tới thường xuyên trong các phán quyết của tòa án.

Sau khi hoàn thành Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ vào giữa năm 1787, hội nghị ở Philadelphia tạm dừng để chờ ý kiến của các bang. Trong thời gian này James Madison đã gửi cho Thomas Jefferson một bản sao Dự thảo Hiến pháp. Sau khi nghiên cứu kỹ bản Dự thảo Hiến pháp, Thomas Jefferson đã nhận xét rằng, nhìn chung ông thích văn kiện này, nhưng theo ông, nó còn một thiếu sót lớn, đó là thiếu một luật về quyền con người. Nhận xét này làm các thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp mới ngạc nhiên. Theo họ, trong văn bản Hiến pháp mới đã hàm chứa một luật về quyền con người vì nó hạn chế một cách nghiêm ngặt quyền hạn của chính phủ mới. Nhưng Thomas Jefferson lại không tin như vậy vì trong quá khứ chính phủ thường xuyên can thiệp vào những lĩnh vực mà chính phủ không có quyền hành động và không có thẩm quyền để làm như thế. Hành động này của chính phủ làm giảm hoặc làm mất đi các quyền của cá nhân. Do vậy, Thomas Jefferson yêu cầu làm rõ những quyền của người dân để không một chính phủ nào có thể động chạm đến họ. Quan điểm này của ông được nhiều người đồng tình và vì vậy các bang đã đi đến một sự thỏa hiệp rằng, để Hiến pháp mới được thông qua cần bổ sung thêm luật về quyền con người. Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ, James Madison đã được trao quyền chủ trì việc soạn thảo luật về quyền con người và như đã nói ở phần đầu bài viết, đến năm 1791 “Luật về các quyền” (The Bill of Rights), đã được các bang thông qua với 10 điều sửa đổi bổ sung đầu tiên cho Hiến pháp Hoa Kỳ.

 Các quyền con người được nêu ra trong “Luật về các quyền” hay  “Tuyên ngôn nhân quyền” bao gồm: Quyền tự do ngôn luận; tự do báo chí; tự do tôn giáo; tự do hội họp; quyền sử dụng vũ khí; quyền về tài sản; quyền riêng tư; quyền không bị trừng phạt dã man và bất bình thường; quyền xét xử của bồi thẩm đoàn; quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật; v.v... “Tuyên ngôn nhân quyền” cũng hạn chế quyền của Quốc hội bằng cách cấm Quốc hội ban hành luật về thành lập tôn giáo và cấm Chính phủ liên bang tước quyền sống, quyền tự do hay tài sản của bất kỳ người nào mà không thông qua tố tụng pháp luật[5].

Trong số các điều sửa đổi, điều đầu tiên là quyền tự do ngôn luận. Quyền này được coi là nền tảng cơ bản cho chính quyền tự do. Theo Thẩm phán Benjamin Cardozocho, “nó là nền tảng, là điều kiện không thể thiếu cho gần như tất cả các hình thức tự do khác”[6]. Cùng với thời gian, định nghĩa về một số quyền con người đã thay đổi và những khái niệm mới, chẳng hạn như quyền bí mật riêng tư, được bổ sung vào các thuật ngữ sử dụng trong Hiến pháp.

Truyền thống xây dựng quyền con người ở Hoa Kỳ phản ánh rất nhiều kinh nghiệm của nước này. Các nước khác xác định bản sắc của đất nước mình, những gì tạo nên một công dân của nhà nước mình, chủ yếu bằng những đặc điểm chung như: nguồn gốc tổ tiên, dân tộc, tôn giáo, thậm chí bằng cả lịch sử. Và nếu theo những tiêu chuẩn này thì giữa những người dân Hoa Kỳ có rất ít điểm chung, bởi vì, đây là một đất nước có tính đa dạng nhất trong lịch sử thế giới cận - hiện đại. Ngoài người dân bản xứ, thường được gọi là các thổ dân da đỏ, những người dân Hoa Kỳ gồm đủ mọi chủng tộc, dân tộc khác nhau đến từ hầu khắp các nước của tất cả các châu lục; tín ngưỡng, tôn giáo của họ cũng vô cùng đa dạng từ các tín ngưỡng bản địa đến hầu như tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới như: Tin Lành giáo, Công giáo, Islam giáo, Do Thái giáo, Chính Thống giáo, Hindu giáo, Phật giáo, v.v…cùng các phong trào tôn giáo mới; lịch sử của Hoa Kỳ không chỉ là lịch sử của một đất nước nằm ở khu vực Bắc Mỹ, mà nó còn là lịch sử của hàng triệu người nhập cư được họ mang theo đến nơi đây. Những con người rất khác nhau này đã gắn bó với nhau bằng một khái niệm “công dân Hoa Kỳ” với một niềm tin chung rằng, quyền tự do cá nhân chính là bản chất cơ bản của chính phủ tự do. Ngay vào giữa thời điểm cuộc nội chiến đang diễn ra một cách đẫm máu ở Hoa Kỳ, Abraham Lincoln, người sau đó trở thành vị Tổng thống thứ 16 của nước này (1861 - 1865), đã gọi Hoa Kỳ là “niềm hy vọng cuối cùng và tốt đẹp nhất trên thế giới”[7]. Nói như vậy nhưng Abraham Lincoln không có hàm ý cho rằng Hoa Kỳ hay công dân của đất nước này ưu việt hơn về mặt tinh thần so với công dân của các nước khác.

Tuy các công dân Hoa Kỳ có sự nhất trí cao về ý nghĩa quan trọng của quyền con người nhưng vẫn tồn tại sự bất đồng về nội dung chính xác của những quyền này trong thực tế. Thí dụ, quyền tự do ngôn luận có bảo vệ hành động đốt cờ Hoa Kỳ không? Hoặc việc cấm xây dựng nhà thờ có phải vì Chính phủ Hoa Kỳ không ủng hộ tín ngưỡng, tôn giáo hay vì việc này buộc phải thực hiện trên cơ sở những quy định của pháp luật? Án phạt tử hình có phải là biện pháp nhằm ngăn chặn những hành động tàn bạo và bất nhân không? v.v… Những câu hỏi này, đối với người dân Hoa Kỳ, luôn là đề tài tranh luận về chính sách công để thấy được giá trị của những quyền này đối với người dân. Trong một xã hội đa dạng văn hóa, đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng như xã hội Hoa Kỳ, người ta luôn có nhiều cách lý giải khác nhau về quyền con người. Để hiểu ý nghĩa của những quyền này và lý giải vì sao các cuộc tranh luận về chúng vẫn luôn diễn ra, chỉ có một cách là công nhận khái niệm về quyền tự do đúng như thực tiễn phát triển của nó ở Hoa Kỳ.

Vậy thực tiễn phát triển đó cụ thể là như thế nào? Thứ nhất, trong xã hội Hoa Kỳ luôn có sự cân bằng giữa quyền tự do và trách nhiệm. Mỗi quyền đi liền với một nghĩa vụ tương ứng và đôi khi nghĩa vụ lại rơi chính vào người thực hiện quyền. Thí dụ, quyền được an toàn tại nơi cư trú của một người dân có nghĩa là cảnh sát không được thâm nhập vào nơi cư trú của người dân đó nếu không có lệnh hợp pháp. Thứ hai, trong việc thực hiện các quyền nhiều khi người ta không hiểu rõ quyền đó mang lại kết quả gì. Thí dụ, luật pháp Hoa Kỳ quy định Quốc hội có quyền kiểm soát thương mại giữa các bang, nhưng đã hơn 230 năm qua kể từ ngày lập quốc, người Mỹ vẫn tranh cãi về nội dung chính xác của khái niệm “thương mại giữa các bang”. Thứ ba, quá trình thực thi quyền con người trong thực tiễn cuộc sống luôn có sự điều chỉnh ngày một nhiều hơn trong xã hội, Thí dụ, đã từng có thời kỳ quyền bầu cử ở Hoa Kỳ chỉ dành cho những người đàn ông da trắng có tài sản và trên 21 tuổi. Cùng với thời gian quyền này được áp dụng mở rộng cho gần như tất cả công dân Hoa Kỳ trên 18 tuổi, nam giới cũng như nữ giới, da trắng cũng như da màu, có tài sản cũng như không có tài sản. Thậm chí quyền tự do tôn giáo đã được quy định khá rõ ràng rồi nhưng vẫn đặt ra vấn đề về phạm vi điều chỉnh. Điều luật này không chỉ áp dụng đối với những người có tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đảm bảo quyền làm theo ý mình cho những người bất đồng chính kiến và cả những người không có đức tin tôn giáo, tín ngưỡng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong tiến trình lịch sử Hoa Kỳ đã có những thiếu sót trong việc bảo vệ các quyền của người dân. Thí dụ, những người theo đạo Mặc Môn (Mormon) đã từng bị xua đuổi ra khỏi các bang miền Đông và bị đối xử thô bạo ở các bang miền Tây Hoa Kỳ cho tới khi họ từ bỏ quan hệ quần hôn. Những người nô lệ da đen vừa được giải phóng trong cuộc Nội chiến đẫm máu ở Hoa Kỳ, ngay sau đó lại rơi vào tình trạng bị phân biệt chủng tộc do pháp luật ở các bang miền Nam quy định. Do sự lo sợ tư tưởng của những phần tử cấp tiến dẫn đến sự sợ hãi làn sóng Đỏ đã làm giảm nghiêm trọng các quyền được quy định trong Điều sửa đổi thứ nhất của Tuyên ngôn nhân quyền sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới I và Chiến tranh Thế giới II. Trong Chiến tranh Thế giới II những người Mỹ gốc Nhật đã bị cô lập và giam giữ. Hay mới đây nhất, Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng gây nhiều tranh cãi trong chính giới Hoa Kỳ và sự ủng hộ hay phản đối của tín đồ một số tôn giáo[8].

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến mức độ ảnh hưởng của các quyền con người không được nhắc đến cụ thể trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Mọi người dân Hoa Kỳ đều thừa nhận rằng, những quyền được đề cập rõ ràng trong 10 điều sửa đổi và trong Hiến pháp là rất quan trọng và được Hiến pháp bảo vệ. Ở đây có 2 câu hỏi được đặt ra: Một là, đối với những quyền không được nêu cụ thể trong 10 điều sửa đổi và trong Hiến pháp thì sẽ thế nào? Hai là, những quyền này có tồn tại hay không? Câu trả lời cho các câu hỏi này phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi người về Hiến pháp Hoa Kỳ.

Một số người cho rằng, Hiến pháp Hoa Kỳ chính là những gì mà nó hàm chứa và chỉ có thế. Quyền con người đã được liệt kê trong Hiến pháp Hoa Kỳ cần phải được bảo vệ nhưng Hiến pháp này cũng cần có những sửa đổi để tạo ra các quyền mới. Thí dụ, Điều sửa đổi thứ 9 trong “Luật về các quyền” được thông qua vào năm 1791 viết: “Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không nên được diễn giải là để phủ nhận hay giảm bớt những quyền khác của người dân”[9]. Theo sự diễn giải của một số học giả và thẩm phán Hoa Kỳ, Điều sửa đổi này chỉ đề cập tới các quyền được quy định tại thời điểm mà chúng được thông qua, và nếu không có bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của quyền đó vào thời điểm đó thì quyền đó không thể được đưa vào Hiến pháp nếu không có sự sửa đổi cần thiết.

Một số người khác theo quan điểm “Hiến pháp đi vào cuộc sống”, nghĩa là Hiến pháp Hoa Kỳ phải thay đổi và thích nghi với các điều kiện mới về chính trị, xã hội, kinh tế ở trong nước, mặc dù khi giải thích “Luật về các quyền” vẫn phải bám sát các từ ngữ trong văn bản nhưng sự nhấn mạnh lại tập trung vào tư tưởng nhiều hơn là ý nghĩa của từ ngữ. Họ dẫn ra thí dụ về vụ án nghe trộm điện thoại vào những năm 20 thế kỷ XX mà Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã xét xử. Ban đầu đa số các thẩm phán đều nhất trí rằng, hành vi nghe trộm điện thoại xảy ra bên ngoài tòa nhà nên đã không có “điều tra” về ý nghĩa của từ đó như được nêu trong Điều sửa đổi thứ 4 của “Luật về các quyền” và do vậy không cần có lệnh[10]. Nhưng sau đó, Tòa án đã phủ nhận kết quả ban đầu của mình và tuyên bố việc nghe trộm điện thoại cần được điều tra và phải có lệnh. Nguyên nhân của sự thay đổi này là vì sau khi trao đổi, thảo luận Tòa án đã thừa nhận rằng công nghệ mới có thể tiếp tay cho việc can thiệp vào sinh hoạt riêng tư của một gia đình mà không nhất thiết phải vào trong ngôi nhà đó. Theo thẩm phán William O. Douglas, vào thời điểm soạn thảo và thông qua “Luật về các quyền” những người làm luật chưa thể hình dung ra việc nghe trộm điện thoại vì lúc đó họ không biết gì về điện thoại. Một “Hiến pháp đi vào cuộc sống” phải tính đến những sự phát triển như vậy và thấy rằng việc nghe trộm điện thoại trên thực tế là vi phạm quyền riêng tư cá nhân[11].

Thẩm phán Robert H. Jackson cho rằng, mục đích của “Luật về các quyền” là rút bớt một số chủ đề nhất định ra khỏi cuộc tranh cãi chính trị, đặt chúng ra ngoài những đòi hỏi của các nhóm người và quan chức nhà nước, coi chúng là những nguyên tắc pháp lý do tòa án áp dụng. Quyền của con người được sống, quyền tự do, quyền sở hữu, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do hội họp và các quyền cơ bản khác không thể là kết quả của việc bỏ phiếu và các quyền này không phụ thuộc vào bất kỳ cuộc bầu cử nào[12].

Thomas Jefferson cũng như nhiều nhà lập quốc của Hoa Kỳ lo ngại về quyền lực của Chính phủ Liên bang nên đã đòi hỏi phải có một luật về các quyền con người để hạn chế quyền lực của Chính phủ. Trong bức thư mà James Madison gửi cho Thomas Jefferson vào năm 1788 viết: “Bất cứ nơi đâu có quyền lực thật sự của Chính phủ, nơi đó có nguy cơ của sự đàn áp. Trong Chính phủ của chúng ta, quyền lực thật sự nằm trong tay của đa số và sự xâm phạm các quyền cá nhân chủ yếu không phải là do các hành vi của Chính phủ đi ngược lại ý muốn của người dân mà là do các hành vi trong đó Chính phủ là công cụ duy nhất của đa số người dân”[13].

Trong xã hội Hoa Kỳ, Tòa án Tối cao đóng một vai trò đặc biệt trong việc mở rộng và bảo vệ các quyền tự do cá nhân. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ chính là người thi hành Hiến pháp và Luật về các quyền. Chánh án Charles Evans Hughes từng nói: “Hiến pháp là những gì mà Tòa án Tối cao nói”[14]. Tuy nhiên, theo nhận xét của Melvin Urofsky, “Tòa án Tối cao không phải lúc nào cũng đúng và các thẩm phán đã từng phục vụ cho Tòa án Tối cao trong hai thế kỷ qua không phải là không có sai lầm. Một số quyết định của họ đã chứng minh sự đúng đắn qua thời gian; các quyết định khác đã tạo điều kiện cho những sự phát triển mới…Nền dân chủ cũng như các quyền của con người không thể tồn tại nếu thiếu đi sự tôn trọng sâu sắc của chính người dân đối với những nguyên tắc cơ bản đó”[15].

TS. Nguyễn Văn Dũng

Tài liệu tham khảo:

1. Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776https://trithucvn.net/the-gioi/toan-van-tuyen-ngon-doc-lap-hoa-ky-471776.html

2. Tuyên ngôn nhân quyềnhttps://photos.state.gov/libraries/amgov/30145/publications-other-lang/VIETNAMESE.pdf

3. Hiến pháp của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và chú thích. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8621/tránlations/us-constitution.pdf

4. Toàn văn Tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ 4/7/1776. https://trithucvn.net/the-gioi/toan-van-tuyen-ngon-doc-lap-hoa-ky-471776.html

5. Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền.https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etxts/gov/peoplerights.pdf

6. Hoa Nhân quyền tại Kỳhttps://wikipedia.org/wiki/nhan_quyen_tai_hoa_ky

7. 10 điều thú vị về Hiến pháp Hoa Kỳ và Hội nghị lập hiến 1787. Nghiencuuquocte.org/2015/09/18/10-dieu-thu-vi-hien-phap-hoa-ky/  

8. TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012 

9.  Nguyễn Văn Dũng. Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump và thái độ của các tín đồ Kitô giáo. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 9/2017.

10. Hiến pháp của các quốc gia Châu Mỹ. Moskva, 1959 (tiếng Nga).

 Chú thích:

[1] Trích theo: Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.3. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etexts/gov/PeopleRights.pdf

[2]  Chính xác là ban đầu có 12 điều được đưa ra cho Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, nhưng Điều 1 không bao giờ được thông qua, còn Điều 2 mãi đến ngày 5 tháng 2 năm 1992 mới được phê chuẩn.

[3]  Luật về quyền con người hay Tuyên ngôn nhân quyền của Anh quốc được ban hành vào năm 1689 còn ở Châu Mỹ thuộc địa Pennsylvania thông qua Hiến chương về các quyền tự do vào năm 1701.

[4]  Trích theo:  Toàn văn Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776https://trithucvn.net/the-gioi/toan-van-tuyen-ngon-doc-lap-hoa-ky-471776.html.

[5]  Xem toàn văn: Tuyên ngôn nhân quyềnhttps://photos.state.gov/libraries/amgov/30145/publications-other-lang/VIETNAMESE.pdf

[6] Trích theo: Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.6. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etexts/gov/PeopleRights.pdf

                             

[7]  Trích theo: Melvin Urofsky. Bài và địa chỉ trang mạng  đã dẫn, tr. 7 

[8]  Xem: Nguyễn Văn Dũng. Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump và thái độ của các tín đồ Kitô giáo. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 9/2017, tr.56-59.

[9]  Tuyên ngôn nhân quyềnhttps://  photos.state.gov/libraries/amgov/30145/publications-other-lang/VIETNAMESE.pdf

[10]  Xem cụ thể: Tu chính án IV trong:  Tuyên ngôn nhân quyềnhttps://  photos.state.gov/libraries/amgov/30145/publications-other-lang/VIETNAMESE.pdf

[11] Xem:  Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.11. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etxts/gov/peoplerights.pdf

[12]  Xem: Melvin Urofsky. Bài và địa chỉ trang mạng  đã dẫn, tr.11

[13]  Trích theo: Melvin Urofsky. Bài và địa chỉ trang mạng  đã dẫn, tr.12

[14]  Trích theo: Melvin Urofsky. Bài và địa chỉ trang mạng  đã dẫn, tr.12

[15]  Melvin Urofsky. Bài và Website đã dẫn, tr.13