Từ năm 2008, theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì ngày 19/4 hàng năm chính thức trở thành Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Vào dịp này, cả nước sẽ diễn ra các hoạt động nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thông qua đó, tiếp tục thúc đẩy và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phụ nữ Dao Đỏ thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa thêu trang phục truyền thống. Nguồn ảnh: bvhttdl.gov.vn

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay có 22 dân tộc anh em cùng chung sống xen kẽ, trong đó dân tộc Kinh chiếm 48,21%; các cộng đồng dân tộc thiểu số khác chiếm 51,79% [1]. Các cộng đồng dân tộc khác là các dân tộc thiểu số, có số dân ít hơn... Đáng kể vẫn là dân tộc Tày chiếm 25,45%; dân tộc Dao chiếm 11,38%; dân tộc Sán Chay (8,0%); dân tộc Mông (2,16%, có 3 ngành); dân tộc Nùng (1,90%); dân tộc Sán Dìu (1,62%). Các dân tộc này thường sống xen kẽ với người Kinh trên toàn bộ đơn vị hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, cũng có một số cộng đồng dân tộc thiểu số thường tự tạo ra những thôn, ấp, khu nhà sàn để sinh sống tập trung nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa riêng. Đặc biệt, dân tộc Dao ở Tuyên Quang hội tụ đủ 9 ngành từ Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao quần trắng, Dao coóc mùn, Dao coóc ngáng đến Dao thanh y, Dao ô gang, Dao áo dài. Ở Tuyên Quang còn có những nhóm dân tộc ít người (chỉ có trên dưới 5000 người trên phạm vi cả nước) như Pà Thẻn, Lô Lô. Hoặc có cả một số nhóm dân tộc rất ít người (chỉ có trên dưới 2000 người trên phạm vi cả nước) của Việt Nam như: Bố Y; Pu Péo; Cờ Lao [ 2]. 
Người thuộc các dân tộc trong tỉnh cùng chung sống xen kẽ, có nền văn hóa, tín ngưỡng đa dạng và sử dụng ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt hoặc song ngữ khác nhau. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cùng nhau đoàn kết, gắn bó tạo thành một kết cấu thống nhất về mặt lãnh thổ, về mặt thể chế - hành chính, về mặt ý thức hệ quốc gia - dân tộc, trong sự đa dạng về văn hóa tộc người và có đóng góp quan trọng trong sự độc lập của quốc gia - dân tộc.
Thúc đẩy việc hưởng thụ và phát huy các quyền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các đề tài nghiên cứu khoa học quy mô và bài bản đã được thực hiện liên tiếp. Có thể kể đến là các Nghiên cứu văn hoá truyền thống dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện (12/2007- 6/2009). Nghiên cứu văn hoá truyền thống của dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang do Viện Dân tộc học chủ trì thực hiện (2009-2010). Nghiên cứu tìm hiểu những nét đặc sắc trong văn hoá truyền thống của dân tộc Dao ở tỉnh Tuyên Quang do Trường Đại học Tân trào chủ trì thực hiện (2011-2013). Văn hoá truyền thống người Thủy ở Tuyên Quang do Viện Dân tộc học chủ trì thực hiện (1/2012-12/2013). Nghiên cứu bảo tồn các làn điệu hát then, cọi tại thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, gắn với việc xây dựng "Làng văn hóa du lịch do Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chiêm Hóa chủ trì thực hiện (12/2012-11/2014). Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên sóng truyền hình của đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì thực hiện (10/2013-12/2014). Nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị  văn hóa của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang do Viện Dân tộc học chủ trì thực hiện (11/2013-10/2015). Đề tài: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện (11/2014-12/2015).
Năm 2018, nhóm nghiên cứu Sở Khoa học và Công nghệ đã công bố sản phẩm của nghiên cứu Một số giải pháp bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số nhằm tăng cường đại đoàn kết dân tộc tỉnh Tuyên Quang là cuốn sách chuyên khảo “Người dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang và vấn đề quyền con người hiện nay”. Trong đó đề cập chi tiết về lý thuyết và thực tiễn các quyền con người của người dân tộc thiểu số được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và Việt Nam hiện hành. Nổi bật nhất phải kể đến những nội dung liên quan đến quyền bảo tồn văn hóa, bản sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Có thể nói đây là công cụ pháp lý đầu tiên trên cả nước dưới góc độ quyền được thực hiện ở cấp độ địa bàn tỉnh. Qua đó đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thúc đẩy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đối với nội dung phát huy quyền văn hóa, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ quyền được bảo vệ sự tồn tại và phát huy nền văn hóa dân tộc thiểu số là một nội dung bao trùm hầu hết các vấn đề cơ bản nhất đối với quyền của người dân tộc thiểu số. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của vấn đề duy trì nền văn hóa đa dạng của các dân tộc [3]. Dưới góc độ pháp lý, tác giả khẳng định, quyền có đời sống văn hóa thiểu số và được hỗ trợ để bảo tồn nền văn hóa, bản sắc thiểu số của mình là quyền đặc thù của người dân tộc thiểu số trên lĩnh vực văn hóa, bởi bảo tồn các giá trị văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thành tựu mà tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong những năm qua còn thể hiện ở nhiều dự án về sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá tại Tuyên Quang đã được thực hiện. Quan trọng nhất là hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đối với 15/22 dân tộc, gồm: Dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông, Sán Chay, Nùng, Sán Dìu, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Ngái, Mường, Giáy, Pu Péo, Hoa và 01 nhóm người Thủy [4]. Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được tăng cường, công tác đào tạo đội ngũ những người làm công tác văn hoá ở cơ sở được chú trọng; một số di sản văn hoá của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn vinh, đến năm 2015 tỉnh Tuyên Quang có 07 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Kéo co truyền thống của dân tộc Kinh; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Năm 2019, hát then là thể loại dân ca tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng được ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Việc tăng cường giao lưu văn hoá mang tính chất vùng miền được chú trọng, Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức thành công Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Liên hoan nghệ thuật Hát Then - Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, định kỳ hai năm tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc toàn tỉnh… Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tỉnh đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của đồng bào người dân tộc thiểu số. Thông qua đó tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, đồng thời với việc làm cho nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tiếp tục được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.
Có thể nói, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân địa phương ở tỉnh Tuyên Quang luôn nhận thức rõ người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng, văn hóa các dân tộc nói chung là những nhân tố đóng vai trò góp phần xây dựng, phát triển, gìn giữ lãnh thổ và bảo toàn độc lập cho quốc gia - dân tộc Việt Nam. Với những bước đi chắc chắn trong từng giai đoạn cụ thể, các tổ chức và cá nhân đã, đang và sẽ sẵn sàng chung tay giải quyết các nhiệm vụ mới trên nhiều lĩnh vực tại vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống nhằm phát triển bền vững, bảo đảm các quyền con người và tiếp tục tăng cường đại đoàn kết dân tộc. 

Đỗ Hồng Thanh (Theo tuyenquang.dcs.vn)

(Nguồn: https://btg.tuyenquang.dcs.vn/DetailView/3368/31/Quan-tam-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-tren-dia-ban-tinh-Tuyen-Quang.html)