Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nội dung này tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng khẳng định với nhiều điểm mới. Vì vậy, quán triệt, thống nhất nhận thức, triển khai đồng bộ giải pháp để thực hiện là nội dung hết sức cần thiết.

Quyền con người là giá trị phổ quát mà tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm; quyền này được nêu trong hầu hết các điều ước quốc tế. Ở Việt Nam, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, mà trước hết là quyền dân tộc tự quyết - quyền được ghi nhận tại Điều 1 của Công ước về các quyền dân sự chính trị (ICCPR), chính là mục tiêu và thành quả quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà Việt Nam tiến hành suốt 35 năm qua, con người (nhân dân) luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nguồn: dangcongsan.vn.. 

Chỉ tính từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao về Chỉ số phát triển con người (xếp hạng 116/189 quốc gia); Chỉ số bình đẳng giới (xếp hạng 67/160 quốc gia). Đảng và Nhà nước Việt Nam có rất nhiều biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Người dân tham gia trực tiếp và thụ hưởng quyền qua các hình thức, như: tham gia qua Quốc hội, qua các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, v.v. Điều đó thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam là nhất quán, rõ ràng, ngày càng được hoàn thiện, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, mang lại kết quả cụ thể, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, trở thành đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thì việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người bị tác động mạnh, nhất là quyền được sống, bảo đảm sức khỏe, v.v. Song với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân. Nhờ đó, tránh được sự tàn phá khủng khiếp do dịch bệnh gây ra, Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới trong phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhất quán quan điểm về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đã được Đảng ta đề ra tại các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”1. Đây là cách tiếp cận mới của Đảng ta trong bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Do đó, cần phải được quán triệt, thực hiện nghiêm ở các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị; trong đó, tập trung vào một số điểm mới sau:

1. Nhân dân là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước. Trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”2. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”3. Như vậy, Đảng ta đã phát triển thêm một bước tiếp cận mới không chỉ về lý luận mà còn dựa trên tổng kết từ thực tiễn của 35 năm đổi mới và cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”4. Quan điểm nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển, đã làm rõ hơn về chủ thể thụ hưởng quyền con người đó chính là nhân dân. Từ cách tiếp cận này, Đảng ta yêu cầu: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”5. Đây là cách tiếp cận mới về quyền con người, hướng tiếp cận này chính là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách phát triển; đây là phương pháp tiếp cận đã và đang được Liên hợp quốc cùng nhiều nước phát triển sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển. Theo đó, trong các chương trình, chính sách phát triển của Đảng ta đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân - nhân dân; lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

2. Nhấn mạnh vai trò lập pháp của Quốc hội. Từ cách tiếp cận nhân dân là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”6. Với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trước hết, ưu tiên xây dựng các đạo luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tiếp tục thể chế hóa các nguyên tắc, quy định, chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn. Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quán triệt quan điểm lấy nhân dân là trung tâm và là chủ thể hưởng quyền trong toàn bộ quá trình thiết kế xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, cũng như trong tổ chức thực hiện pháp luật.

3. Đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”7. Thực tiễn cho thấy, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, tự do, dân chủ của người dân, theo nghĩa cả hai mặt, có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm quyền con người, nhưng đồng thời cũng rất dễ vi phạm quyền con người trong quá trình thực thi công vụ. Hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát là hai cơ quan có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người nhưng nếu không đủ “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” rất dễ vi phạm quyền con người và có thể dẫn tới oan, sai. Yêu cầu rất cao được Đảng ta nhấn mạnh là hoạt động tư pháp phải có “trọng trách” bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do đó, nguyên tắc tính công bằng, công khai, khách quan, vô tư trong hoạt động xét xử phải đặc biệt được đề cao để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, đồng thời cũng không được bỏ lọt tội phạm.

4. Đối với các thiết chế xã hội, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát và phản biện xã hội. “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên”8.

5. Quan tâm và nhấn mạnh các nhóm yếu thế trong xã hội. Trên cơ sở đề cao vai trò của các thiết chế nhà nước và xã hội trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới các nhóm, như: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài, v.v. Đối với trẻ em: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”9. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta coi người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh: “Tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài”; “hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội ở nước sở tại”10.

Quán triệt, thực hiện tốt các nội dung trên sẽ góp phần đưa quan điểm của Đảng ta về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người vào thực tiễn, trực tiếp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam, cũng như đẩy mạnh hơn nữa công cuộc hội nhập quốc tế, đóng góp vào bảo đảm, thúc đẩy quyền con người chung của toàn cầu.

Nguyễn Đình Bằng và TS. Bùi Thị Hoàn,

 Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

(Nguồn: https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/10750-quan-diem-dai-hoi-xiii-cua-dang-ve-bao-dam-va-thuc-day-quyen-con-nguoi.html)