Chiều 4/11, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2027.

Hình ảnh tại lễ ký kết.
Hình ảnh tại lễ ký kết.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Ngày 9/6/2017, hai tổ chức đã ký chương trình phối hợp về tổ chức các hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động giai đoạn 2017-2022.

Lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2027 đánh dấu bước khởi đầu mới cho sự phối hợp chặt chẽ của hai tổ chức trong giai đoạn tới, tạo môi trường phát huy được vai trò nòng cốt của lực lượng lao động nữ trong phong trào phụ nữ cả nước. Đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Đồng thời, phát hiện và đề xuất chính sách, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách đặt ra đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Nhất là lao động nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện trong xây dựng chính sách lao động nữ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá: Cùng là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ nhiều nhiệm kỳ qua, hai tổ chức đã luôn tích cực phối hợp thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ và vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, các hoạt động của hai tổ chức.

Việc tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là việc làm cần thiết, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, thế mạnh của từng tổ chức trong công tác vận động, tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ phụ nữ, hội viên, công đoàn viên với thông điệp “ở đâu có công chức, viên chức, người lao động, ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động của tổ chức Công đoàn, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, không để công chức, viên chức, người lao động, phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau”.

Theo đó, giai đoạn tới, hai bên phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong kinh tế, lao động, việc làm, xây dựng và vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, phòng chống bạo lực gia đình, hướng dẫn bảo vệ, chăm lo phụ nữ, trẻ em.

Vận động hội viên là nữ đoàn viên công đoàn gương mẫu chấp hành Nghị quyết và Điều lệ Hội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua hoạt động nữ công Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phối hợp nắm tư tưởng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, người lao động. Phối hợp tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Đề xuất các chính sách liên quan đến nữ công nhân lao động, nhất là vấn đề nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ lao động nữ di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ; quyền lợi bảo hiểm xã hội, y tế cho lao động nữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động các khu công nghiệp.

Phối hợp trong công tác bảo vệ quyền lợi của lao động nữ bị xâm hại, quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Tổ chức hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam hoặc các hoạt động dân vũ, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; thành lập mô hình câu lạc bộ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe nữ công nhân lao động; tổ chức diễn đàn tìm hiểu, trao đổi kiến thức, pháp luật trong nữ công nhân lao động.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động.

Thanh Hà

Nguồn: https://nhandan.vn/phoi-hop-bao-ve-quyen-loi-ich-cua-nu-cong-nhan-vien-chuc-nguoi-lao-dong-post723298.html