Có khoảng 1/3 số người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động và dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Số liệu này cho thấy, việc tạo sinh kế cho người cao tuổi đang là một vấn đề rất cần được quan tâm.
Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội, tạo việc làm cho người cao tuổi cũng như tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Dù đã ở tuổi 70 nhưng bà Trần Diễm Thu, ở quận Ba Đình, Hà Nội vẫn không muốn phụ thuộc vào con cháu. Ngoài khoản lương hưu hàng tháng, bà Thu phát huy kinh nghiệm nghề dược của mình, mở hiệu thuốc để tăng thu nhập, có thể tự chăm lo sức khỏe bản thân, tham gia hoạt động văn nghệ ở địa phương và đi du lịch nhiều nơi bằng chính khoản tiền tăng thêm từ việc kinh doanh của mình.
“Bởi vì chúng tôi là những trí thức, ngay từ khi chúng tôi còn sức lao động thì chúng tôi không hoang phí, chúng tôi cống hiến và tạo thêm nguồn thu nhập. Như tôi làm bên y tế thì tôi làm thêm, dành dụm, trong đó tôi chia thành những mảnh quỹ nhỏ, quỹ cho con, quỹ cho mình. Để có một cuộc sống an yên thì phải có tiền và có sức khỏe”, bà Thu chia sẻ.
Cũng như bà Trần Diễm Thu, ông Thái Sinh, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, khi sức khỏe còn tốt, còn có thể cống hiến cho xã hội, người cao tuổi vẫn muốn làm việc: “Chúng tôi đề nghị đưa người cao tuổi vào thành vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế chung. Xây dựng hệ thống hạ tầng để thực hiện chăm sóc người cao tuổi và nhịn nhận người cao tuổi tích cực, chủ động hơn để vừa chăm sóc, vừa phát huy bởi họ là lực lượng rất lớn có kinh nghiệm sống, có bản lĩnh và trí tuệ. Ở góc nhìn nào thì người cao tuổi cũng rất quan trọng. Có những vấn đề cần phải thay đổi như Luật trước đây chủ yếu nhấn mạnh chăm sóc nhưng bây giờ phải đề cao phát huy”.
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 12 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 1/3 trong số họ tiếp tục lao động sau khi đến tuổi nghỉ hưu. Hiện cả nước có hơn 400 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi, là chủ các doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Đặng Tài Tính, nguyên Chánh Văn phòng Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, thì việc hỗ trợ sinh kế lại rất quan trọng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu.
“Tại sao hiện nay ở các địa bàn dân cư, ở các tổ dân phố, ở các công ty vẫn có những người cao tuổi làm việc bởi vì người ta nhận thức đúng và hiện nay ở hầu hết các vị trí quan trọng, cán bộ chủ chốt ở địa bàn dân cư, phường, xã, thị trấn là người cao tuổi. Tiếng nói của người cao tuổi rất quan trọng, nhiều khi có việc chính quyền, các ngành không giải quyết được nhưng người cao tuổi bằng tiếng nói của mình, bằng uy tín của mình có thể giải quyết được. Phát huy vai trò người cao tuổi chính là chăm sóc người cao tuổi”, ông Tính nói.
Nhằm giúp người cao tuổi tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, hội người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời đưa ra phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp với người cao tuổi.
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Trương Xuân Cừ cho biết, với vị thế và đóng góp của mình cho gia đình và xã hội, người cao tuổi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, gia đình, xã hội, đời sống người cao tuổi đã tốt lên rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.Tuy nhiên, để chủ động thích ứng với tình hình già hóa dân số, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về già hóa dân số, những vấn đề đặt ra như nguồn lực dành cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, nguồn nhân lực cho nền kinh tế… Từ đó, nâng cao trách nhiệm của xã hội, của mỗi tổ chức, cá nhân và các cơ quan hoạch định chính sách.
“Hiện nay khi tuổi thọ càng cao thì sức khỏe cũng tốt. Ở các quốc gia già hóa dân số như Nhật Bản thì những người độ tuổi 70-75 vẫn là lao động chính. Trước đây người cao tuổi nghĩ là được chăm sóc thì người cao tuổi bây giờ cần nghĩ khác là phải được phát huy, với kinh nghiệm, với trí tuệ, bản lĩnh, phát huy trong cộng đồng, phát huy trong gia đình và phát huy để tham gia và xây dựng, phát triển đất nước”, ông Cừ nói.
Trước tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách của nhà nước cũng cần tính đến vấn đề “khởi nghiệp” cho người lao động là người cao tuổi, có chính sách sử dụng lao động là người cao tuổi thế nào cho phù hợp với sức khỏe, kinh nghiệm của họ; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp giới thiệu, đào tạo lại nghề cho người cao tuổi…; đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng, tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, để người cao tuổi có thể tiếp tục lao động, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình./.
Kim Thanh/VOV1
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/phat-huy-sinh-ke-va-khoi-nghiep-cho-nguoi-cao-tuoi-post948663.vov