Chính phủ đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình). Đắk Lắk là một trong những tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, do đó chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi được đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí H’Yâo Knul, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk xung quanh việc triển khai Chương trình tại địa phương.

Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Đắk Lắk thời gian qua?

Đồng chí H’Yâo Knul: Công tác dân tộc của tỉnh Đắk Lắk luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, cùng với đó là sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương mà kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS đang từng bước ổn định và phát triển. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.

 Đồng chí H’Yâo Knul.
 Đồng chí H’Yâo Knul.

Mặc dù cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, phát triển kinh tế giữa các vùng chưa đồng đều, chưa tương xứng với thế mạnh của từng địa phương. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả chưa được nhân rộng trong tỉnh; tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp; việc hỗ trợ nguồn vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; an ninh trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị và địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất.

PV: Tỉnh đã triển khai Chương trình giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí H’Yâo Knul: Tỉnh Đắk Lắk xác định việc triển khai Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Do vậy, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 25-11-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11768/KH-UBND ngày 30-11-2021 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 5 năm và năm 2022 theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 của Chính phủ. Tỉnh đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp để thực hiện Chương trình theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công khai, minh bạch, tập trung giải quyết vấn đề cấp bách cho các xã, thôn nghèo, nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn đặc thù. Tỉnh cũng bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cho Chương trình giai đoạn 2021-2025; kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thường xuyên tuyên truyền, truyền thông nâng cao ý thức tự lực, tự cường của người dân và vận động sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện Chương trình.

PV: Tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp nào để triển khai Chương trình hiệu quả trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí H’Yâo Knul: Tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn của Chương trình để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho những địa phương khó khăn nhất. Đồng thời, quá trình triển khai Chương trình phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, ưu tiên các công trình dùng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ nhằm tạo thêm sinh kế cho người dân.

Các địa phương trong tỉnh cũng sẽ được đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Trong đó, bảo đảm hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình bảo đảm nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk trao giấy khen tặng người có uy tín tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk 
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk trao giấy khen tặng người có uy tín tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk 

Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; đẩy mạnh phòng, chống, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.

 PV: Đồng chí có đề xuất, kiến nghị gì để Chương trình nhanh chóng đi vào cuộc sống?

 Đồng chí H’Yâo Knul: Để Chương trình sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban Dân tộc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng phạm vi thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4 là “các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg” để các thôn vùng đồng bào DTTS có đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn được đầu tư cơ sở hạ tầng; tham mưu Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành định mức hỗ trợ đầu tư sử dụng ngân sách Trung ương đối với một số nội dung như: Định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; hỗ trợ công trình nước sinh hoạt tập trung... để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

Ủy ban Dân tộc sớm ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên để tỉnh có cơ sở áp dụng, triển khai thực hiện Chương trình. Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LÊ HIẾU (thực hiện)

Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/phat-huy-quyen-lam-chu-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-715440