Pháp luật Việt Nam quy định tương đối toàn diện về thể chế, thiết chế và các nguồn lực chính yếu, nhằm bảo đảm cho quyền được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, thực tiễn việc đảm bảo quyền này cho cá nhân, công dân theo pháp luật ở nước ta còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích thực trạng, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao mức bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật ở Việt Nam.
1. Chính sách và pháp luật về môi trường ở Việt Nam
Không khí, nước, đất đai và các yếu tố tự nhiên là những thành phần môi trường thiết yếu để con người có thể tồn tại và phát triển. Vì vậy, bảo đảm môi trường trong lành là một trong những vấn đề cấp bách ở cấp độ toàn cầu, cũng như cấp độ quốc gia. Để ngăn chặn kịp thời những chuyển biến xấu của môi trường sống, các thiết chế toàn cầu đã đưa ra nhiều phương thức, biện pháp. Một trong những phương thức được sử dụng là luật hoá các tiêu chuẩn về môi trường, coi môi trường là khách thể quan trọng của quyền con người trong các văn kiện pháp lý quốc tế.
Quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền tự nhiên của con người, cần được luật nhân quyền quốc tế, pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực thi. Pháp luật phải tạo ra cơ chế pháp lý hữu hiệu cho con người được sống trong môi trường chất lượng, bảo đảm về mặt vệ sinh môi trường.
Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người (Stốckhôm - năm 1972) khẳng định, con người được sống trong một môi trường trong lành là một trong những nguyên tắc trọng tâm của quan hệ giữa các quốc gia. Nguyên tắc 1 nêu rõ: “Con người có quyền cơ bản được tự do, bình đẳng và đầy đủ các điều kiện sống, trong một môi trường chất lượng cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm trong bảo vệ và cải thiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau”. Nguyên tắc 1 trong Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển (Rio de Janeiro - 1992) cũng khẳng định: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên”.
Việc khẳng định “con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài” và “con người được sống trong môi trường trong lành là một trong những nguyên tắc trọng tâm của các quan hệ giữa các quốc gia” cho thấy, cộng đồng quốc tế mong muốn các quốc gia phải đặt vấn đề “bảo đảm cho con người được sống trong môi trường trong lành” trong chính sách đối nội, cũng như đối ngoại của mình và nó cũng cần phải được lồng ghép trong quá trình quản trị quốc gia, quản trị toàn cầu.
Các nhà lập pháp và cộng đồng quốc tế xem quyền được sống trong môi trường trong lành, hay quyền môi trường, là quyền con người cơ bản thuộc nhóm thế hệ quyền mới; vừa là quyền cá nhân vừa là quyền của tập thể (collective right) (Boyle, 2010). Quyền môi trường có nội hàm rộng, bao gồm: quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị ô nhiễm; quyền được tiếp cận với thông tin về môi trường và quyền được có tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể về môi trường sống; quyền được sử dụng các biện pháp để khắc phục, bồi thường trong những trường hợp quyền này bị vi phạm. Đồng thời, quyền này không chỉ là các quyền nội dung mà còn bao hàm cả các quyền thủ tục thực thi quyền nội dung.
Không như các quyền con người khác, quyền môi trường có chủ thể, không chỉ là các cá nhân mà còn bao gồm các nhóm xã hội, cộng đồng, quốc gia, và cả toàn thể nhân loại. Sự đa dạng và đặc thù của chủ thể quyền khiến cho việc xác định nghĩa vụ cũng như bảo đảm quyền tương đối phức tạp. Chủ thể quyền đồng thời là chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền dẫn đến việc truy phân định trách nhiệm trở nên thiếu rõ ràng.
Ở phương diện pháp luật quốc tế, chủ thể nghĩa vụ thực thi quyền môi trường - hay chủ thể chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm quyền môi trường, là Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ chính trong tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền môi trường. Trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là quốc gia thành viên của các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bao gồm: Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị; Công ước quốc tế về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa năm 1966,…
Trong trường hợp xảy ra các sai phạm, vi phạm hay xâm phạm quyền về môi trường của người dân, các cơ quan nhà nước (đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm liên đới) cần thực thi tất cả các biện pháp - bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác (như giáo dục, phổ biến, tuyên truyền…) - để bảo đảm quyền về môi trường cho tất cả mọi cá nhân và nhóm xã hội.
Trong pháp luật Việt Nam, quyền môi trường được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, tại Điều 43 “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Cũng như pháp luật quốc tế, quyền môi trường, trong pháp luật Việt Nam, có mối liên hệ mật thiết với các quyền con người cơ bản khác, như: Quyền sống (được quy định tại điều 19 của Hiến pháp 2013), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25, Hiến pháp 2013), quyền về sức khỏe (Điều 20, 38; Hiến pháp 2013), quyền an sinh xã hội (Điều 34, Hiến pháp 2013)…
Cụ thể hoá Điều 43 của Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về: hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn, đánh giá tác động, bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Bảo vệ môi trường biển, nước sông và các nguồn nước; Quản lý chất thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường… và các quyền con người liên quan tới tiếp cận thông tin về môi trường - như quyền khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại về môi trường - cũng đã được quy định trong Luật này.
Tuy nhiên, hiện các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để thực thi quyền môi trường, cũng như còn thiếu các quy định cụ thể liên quan đến các quyền thủ tục. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật hình sự hiện chưa quy định chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm môi trường, đồng thời thiếu các quy định chi tiết về các quyền khiếu kiện của cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Việc chưa có Tòa án môi trường cũng làm hạn chế khả năng thực hiện quyền môi trường của người dân và bảo vệ môi trường hiệu quả.
2. Thực trạng pháp luật bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam
Pháp luật bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành không chỉ phụ thuộc vào “hệ thống quy phạm” mà còn phụ thuộc vào quá trình thực hiện cũng như các yếu tố bảo đảm cho các quy phạm được vận dụng tối ưu trong đời sống - xã hội. Các phương thức pháp lý này được tạo ra bởi các quy phạm pháp luật và được thực hiện bởi các chủ thể pháp luật mà trước tiên là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia quan hệ pháp luật.
Các chủ thể thực hiện các phương thức bảo đảm quyền như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố tâm lý bên trong và môi trường bên ngoài chi phối đến ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý của chủ thể, như: Ý thức tôn trọng pháp luật của cá nhân, cộng đồng; Cơ chế kiểm soát quyền lực công; Sự giám sát của cộng đồng; Tính xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện; Hiểu biết và trình độ pháp luật của các chủ thể cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.
Ở Việt Nam, pháp luật và các yếu tố tác động đến hiệu quả của pháp luật bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và có không ít tình huống mâu thuẫn, chồng chéo. Những năm qua, nhiều hành vi xâm hại môi trường gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền này của cộng đồng dân cư ở hầu khắp các địa phương Việt Nam vẫn diễn ra, điển hình như:
Công ty Vedan "giết" sông Thị Vải: "Thành công" suốt 14 năm[1]. Việc Công ty Vedan xả chất độc hại với khối lượng lớn xuống sông Thị Vải trong một thời gian dài, gây ô nhiễm nghiêm trọng dòng sông nhưng không được phát hiện kịp thời và xử lý dứt điểm dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra do chưa có chế tài nghiêm khắc để răn đe chủ thể kinh doanh, cơ quan thực thi chưa đồng bộ,. Ngoài ra, chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng tác động không nhỏ đến việc coi thường trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Vụ gây ô nhiễm đất dẫn đến bệnh lý ung thư ở Thanh Hóa[2]; Vụ Nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng[3]; Tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long;
Vụ xả thải gây ô nhiêm môi trường biển của FORMOSA. FORMOSA xả thải trực tiếp ra biển gây ra thảm hoạ môi trường biển các tỉnh miền Trung, Việt Nam là sự kiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, gây hậu quả về kinh tế, chính trị và sức khỏe của cộng đồng dân cư ở phạm vi lớn nhất. Ở phương diện pháp lý và thời gian xử lý hành vi vi phạm, sự cố gây ô nhiễm biển của Công ty FORMOSA được xử lý kịp thời và hành vi xả thải gây ô nhiễm được chấm dứt nhanh chóng. Tuy nhiên, vì phạm vi ảnh hưởng rộng, hậu quả gây ra lớn đối với cuộc sống mưu sinh của nhiều cộng đồng dân cư, nên việc xử lý hậu quả trở nên phức tạp và khó bù đắp được thiệt hại thực tế của người dân.
Việc ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố cơ bản của quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, cho thấy các quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được thực thi hiệu quả ở Việt Nam. Mỗi hành vi xâm hại môi trường được thực hiện do nhiều nguyên nhân tác động và thúc đẩy, trong đó, chủ yếu các nguyên nhân sau:
Chính sách ưu tiên phát triển kinh tế cao hơn nhu cầu bảo vệ môi trường nên nhiều địa phương đã phá bỏ quy hoạch, sửa quy hoạch hoặc hạ các tiêu chuẩn môi trường, các yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật bảo vệ môi trường, để thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh bị chi phối bởi tư duy đánh đổi ô nhiễm môi trường để phát triển kinh tế, những mâu thuẫn của pháp luật bảo vệ môi trường về giám sát, phát hiện và xử lý hành vi gây hại môi trường cũng diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng. Thẩm quyền về lĩnh vực này được phân tán cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau và phân cấp thành nhiều tầng nấc. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, mức độ phân cấp không rõ ràng gây ra những khó khăn nhất định cho việc phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm của chính quyền cơ sở, cũng như cơ quan phát hiện hành vi gây hại môi trường.
Trong nhiều trường hợp, cơ quan giám sát môi trường, mặc dù có cơ sở để nghi ngờ hành vi xâm hại môi trường đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra nhưng không được pháp luật cho phép kiểm tra trực tiếp nên khó có cơ sở để xử lý kịp thời hành vi xâm hại môi trường hoặc có kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn xử lý.
Môi trường trong lành là khách thể trực tiếp của quyền môi trường, nhưng pháp luật vẫn thiếu các cơ chế pháp lý để người dân tự bảo vệ trước các hành vi đe doạ, xâm hại đến môi trường trong lành nơi họ sinh sống. Pháp luật chưa cung cấp đầy đủ các phương tiện pháp lý giúp người dân nắm bắt được kịp thời, đầy đủ thông tin để xác định được nguy cơ tiềm ẩn hành vi xâm hại môi trường nhằm chủ động phòng, chống loại hành vi này.
Bên cạnh thiếu thông tin, người dân chưa được hỗ trợ pháp lý, tinh thần kịp thời của các tổ chức, chính trị xã hội, cũng như của truyền thông, báo chí nên đa số không thể sử dụng các phương thức pháp lý đấu tranh triệt để với hành vi xâm hại môi trường. Một vấn đề khá phổ biến ở Việt Nam là sự mâu thuẫn gay gắt giữa chính quyền với người dân xảy ra bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường của một chủ thể thứ ba thực hiện - là doanh nghiệp. Trong khi đó, theo pháp luật bảo vệ môi trường, các bên trong quan hệ pháp luật môi trường nếu có hành vi xâm hại lẫn nhau về quyền, lợi ích, ngoài con đường tự hoà giải, thương lượng, các bên có quyền yêu cầu Nhà nước (cơ quan nhà nước) làm trọng tài để phán quyết tính đúng, sai và buộc bồi hoàn thiệt hại gây ra.
Hành vi xâm hại môi trường không chỉ xuất phát từ các chủ thể kinh doanh, tổ chức mà còn bởi các cá nhân trong xã hội. Người Việt có nhiều thói quen, tập tục gây hại cho môi trường sống, như: tập tục ma chay; đốt vàng mã; thói quen xả rác ở nơi công cộng - đặc biệt sử dụng và xả thải rác nhựa sử dụng 1 lần; tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc tăng trọng và các loại phụ gia độc hại,…
Mặc dù, pháp luật đã hệ thống hóa tương đối đầy đủ các phương diện pháp lý, kỹ thuật bảo vệ các yếu tố cơ bản của môi trường sống trong lành nhưng trong thực tiễn còn yếu, thiếu và mâu thuẫn, chồng chéo, nên hiệu quả chưa cao. Tình trạng ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí và thực phẩm độc hại cho thấy, mức độ bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam còn thấp.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau kéo thấp mức độ trong lành của môi trường sống, trong đó chủ yếu là những nguyên nhân chủ quan, như: Ý thức coi thường pháp luật, coi thường môi trường sống của doanh nghiệp, nhà đầu tư và của cả người dân; Pháp luật bảo vệ môi trường trong lành còn mâu thuẫn, chồng chéo; Cơ chế pháp lý xử lý hành vi xâm hại môi trường còn thiếu và chưa đủ sức răn đe; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm hại môi trường chưa thực hiện nghiêm minh pháp luật, áp dụng pháp luật thiếu thống nhất; Tổ chức xã hội và báo chí chưa tích cực hỗ trợ người dân bị thiệt hại do hành vi xâm hại môi trường gây ra.
3. Giải pháp nâng cao mức bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật ở Việt Nam
Trên cơ sở các trường hợp điển hình được lựa chọn để phân tích và những nguyên nhân được làm rõ, vấn đề nâng cao mức bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành cần được xác định là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các chính sách ở cấp độ quốc gia, cũng như phương châm cổ động của các địa phương từ cấp cơ sở đến hộ gia đình, đơn vị, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Thứ nhất, Nhà nước cần đặt mục tiêu bảo đảm người dân sống trong môi trường trong lành là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Phát triển kinh tế là rất cần thiết nhưng những hậu quả về môi trường là không thể bù đắp trong tương lai, nếu tiếp tục thực hiện chính sách phát triển kinh tế mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường.
Thứ hai, Pháp luật bảo đảm môi trường sống trong lành vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là pháp luật bảo vệ môi trường. Mặc dù, Luật Bảo vệ Môi trường mới được sửa đổi và ban hành năm 2014 nhưng đã bộc lộ những yếu điểm so với yêu cầu thực tiễn, các quy định về quy hoạch môi trường còn chung chung và tính khả thi chưa cao.
a) Các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường chưa liên thông và thống nhất với pháp luật quy hoạch chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, pháp luật quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 2 cấp độ, là: Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh. Chu kỳ Quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm (khoản 2, 3 - Điều 8). Có thể thấy, Quy hoạch bảo vệ môi trường là cơ sở quan trọng để bảo vệ môi trường được hiệu quả.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định cụ thể về nguyên tắc lập Quy hoạch, hệ thống Quy hoạch bảo vệ môi trường; kỳ Quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm quyền, trình tự thủ tục lập, thẩm định, lấy ý kiến, tư vấn, quyết định, phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường; điều chỉnh, công bố, tổ chức thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường,…
Tuy vậy, thực tiễn thực hiện quy hoạch đất đai có nội dung liên quan đến môi trường thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, như: Về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch này thường được xây dựng cho 10 năm dẫn tới tư duy nhiệm kỳ. Khi Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thay đổi thường xuyên, Quy hoạch sử dụng đất sẽ bị điều chỉnh, thay đổi theo, gây ra xáo trộn, thiếu ổn định trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Việt Nam đang tồn tại nhiều loại quy hoạch được xây dựng dựa trên Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng giữa các quy hoạch lại có sự thiếu thống nhất, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.
b) Các quy định về quy trình đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh chưa bảo đảm được tính khách quan, minh bạch.
Vấn đề đánh giá tác động môi trường đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vấn đề này còn nhiều bất cập do chưa có cơ chế giám sát và áp dụng trách nhiệm pháp lý hữu hiệu đối với quá trình lập, thẩm định, phê duyệt cũng như tổ chức thực hiện báo cáo đánh giá. Vì vậy, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các chủ đầu tư dự án vẫn mang tính hình thức.
Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức hội đồng thẩm định, nhưng nhiều năm nay, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý, nên các kết luận thẩm định thường chưa cao. Các thành viên Hội đồng thẩm định thường do chủ thể có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thành lập, nên có thể chịu sự chi phối mang tính chủ quan của người thành lập Hội đồng.
Hơn nữa, nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư đồng thời cũng là cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên dẫn tới hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
c) Pháp luật quy định về chất thải chưa phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới và xu thế phát triển của công nghệ, mặc dù đã phân loại thành nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải thông thường. Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, các quốc gia trên thế giới coi ngành công nghiệp tái chế chất thải là ngành “béo bở” để thu lợi nhuận, hướng tới phát triển bền vững, thì pháp luật và thực tiễn Việt Nam vẫn chưa coi chất thải thông thường là một loại tài nguyên, để từ đó có cơ chế sử dụng hiệu quả.
Chu trình quản lý chất thải từ thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng còn bất cập trong thực hiện; quy định về thu hồi, thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng đã có nhưng chưa triển khai hiệu quả trên thực tiễn; quy định về kiểm soát chất thải nhựa còn bất cập; trách nhiệm pháp lý với chủ thể vi phạm chưa nghiêm.
d) Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường còn nhiều hạn chế, như: Chủ thể được quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường chỉ là các cơ quan nhà nước (UBND cấp xã, huyện, tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường). Thực tế, các chủ thể này chưa từng khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường, chủ yếu chỉ áp dụng trách nhiệm hành chính. Do vậy, vấn đề đặt ra là có nên mở rộng chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường hay không?
Pháp luật hiện hành quy định, chủ thể bị thiệt hại phải có trách nhiệm chứng minh bên gây thiệt hại có hành vi vi phạm pháp luật môi trường, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi và thiệt hại. Song thực tiễn cho thấy, những người bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường yếu thế hơn bên gây ô nhiễm rất nhiều - từ tiềm lực tài chính, hiểu biết pháp luật, cho đến tiềm lực về khoa học, kỹ thuật… Những chủ thể bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường khó có thể chứng minh được các điều kiện trên để được bồi thường thiệt hại. Do đó, cần tính đến việc thay đổi nghĩa vụ, chứng minh từ các chủ thể bị thiệt hại sang chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
Về nguyên tắc, tất cả các chủ thể đều có nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường. Tuy vậy, cần phải xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình này. Trách nhiệm bảo vệ môi trường thuộc về Nhà nước, các chủ nguồn thải, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Theo đó, Nhà nước cần có trách nhiệm hàng đầu trong bảo vệ môi trường.
Bên cạnh Nhà nước, chủ nguồn thải cũng đóng vai trò rất quan trọng. Pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể về nghĩa vụ của các chủ nguồn thải trong bảo vệ môi trường. Vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố lợi ích tư, các chủ nguồn thải vẫn sẵn sàng xả thải ra môi trường, nghĩa là sẵn sàng vi phạm pháp luật về môi trường. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của các chủ nguồn thải này vẫn chưa được triệt để.
Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cần nâng cao vai trò của tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc phản biện chính sách, quy hoạch, kế hoạch, pháp luật về môi trường; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường; trong khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường… góp phần bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của cộng đồng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Thứ ba, (i) quy định lại khái niệm thông tin môi trường theo nội dung Khoản 1, Điều 128, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 vì quy định như vậy sẽ chi tiết, rõ ràng và phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ môi trường hơn; (ii) Cần có sự sắp xếp, bổ sung các quy định về kiểm soát thông tin môi trường theo một hệ thống logic, thống nhất; (iii) Quy định cụ thể về hoạt động đối thoại trực tiếp của cộng đồng dân cư để được cung cấp thông tin môi trường; (iv) Quy định chi tiết về hình thức, thời gian cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan nhà nước của các cơ sở kinh doanh, cũng như cung cấp thông tin môi trường theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư với cơ quan nhà nước. Đồng thời, nên bỏ quy định ở điểm đ, khoản 1, Điều 128 Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có bước tiến trong quy định về đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân. Song đối với vấn đề thông tin môi trường, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu này để xây dựng cơ sở hạ tầng thống nhất thông tin về ngành tài nguyên - môi trường ở cấp trung ương và địa phương. Điều này vừa đảm bảo việc thống nhất quản lý, vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin môi trường một cách có hệ thống và dễ dàng.
Cùng với đó, pháp luật cần tạo điều kiện để các tổ chức dân sự, báo chí cùng tham gia vào bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh sự tham gia của người dân vào việc thực thi quyền môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở cơ sở, cần tăng cường thực hành dân chủ và thực hành quyền dân chủ trực tiếp; tăng cường các cơ chế giám sát việc thực thi quyền môi trường - bao gồm việc nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội.
Đặng Công Cường (Khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật, Đại học Huế)
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phap-luat-bao-dam-quyen-duoc-song-trong-moi-truong-trong-lanh-o-viet-nam-71531.htm?fbclid=IwAR250rfsx6cJBMspkDXRFELln0jpcyKNjV4rKUrIWLb5DhRAiovu32ZTk48
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] H. Mi - M. Luận - Q. Thanh (2008). Vụ Vedan "giết" sông Thị Vải: "Thành công" suốt 14 năm, ( https://tuoitre.vn/vu-vedan-giet-song-thi-vai-thanh-cong-suot-14-nam-278743.htm), xem ngày 22/4/2020.
[2] Nhìn lại vụ “đầu độc” môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái (Thanh Hoá), (http://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/nhin-lai-vu-dau-doc-moi-truong-cua-cong-ty-cp-nicotex-thanh-thai-thanh-hoa-207652.html), xem ngày 22/4/2020.
[3] Thanh Hải (2018). Vụ Nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng: Xung đột vì đưa dân vào khu công nghiệp, (https://laodong.vn/ban-doc/vu-nha-may-thep-gay-o-nhiem-o-da-nang-xung-dot-vi-dua-dan-vao-khu-cong-nghiep-593339.ldo), xem ngày 22/4/2020.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội Việt Nam (2013). Hiến pháp năm 2013. Hà Nội.
- Quốc hội Việt Nam (2013). Luật Bảo vệ môi trường 2014. Hà Nội.
- Nguyễn Đình Đáp, Bùi Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Nhũng (2013). Tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường. Tạp chí Môi trường, số 7.
- Vũ Thanh Ca (2016). Bảo vệ môi trường biển trong luật pháp quốc tế và một số quốc gia trên thế giới. Tạp chí Môi trường, số 4.
- Hoàng Văn Nghĩa (2015). Quyền môi trường và sự tham gia của người dân trong thực hiện quyền môi trường, <https://www.thiennhien.net/2015/06/02/quyen-moi-truong-va-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-trong-thuc-hien-quyen-moi-truong/>, xem ngày 22/4/2020.
- Lê Văn Sua (2018). Luật Quốc tế về môi trường và vấn đề hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường của nước ta, <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2146>, xem ngày 22/4/2020.
- Minh Thảo (2019). Quy định của pháp luật về thông tin môi trường và tác động đến việc thực thi pháp luật, <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2489>, xem ngày 22/4/2020.
- Văn Hào (2019). Những bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường, <https://www.thiennhien.net/2019/12/26/nhung-bat-cap-trong-luat-bao-ve-moi-truong/), xem ngày 22/4/2020.