Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả trong thực tế, cần có những giải pháp đồng bộ như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc và định hướng chính sách. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; quyền lợi của họ được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi của họ phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác.
Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Trong trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của họ;
Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được họ đồng ý; bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của họ; tự mình hoặc có biện pháp để họ cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; chỉ được chuyển giao thông tin của họ cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, cần nghiên cứu, xây dựng “Dự án Luật các hệ thống thanh toán” trên cơ sở rà soát Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng nhà nước, và thực tiễn hoạt động thanh toán tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai Luật về hệ thống thanh toán tại một số nước trên thế giới.
Thứ hai, tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng. Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin về người tiêu dùng; đồng thời họ phải nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Tiếp đó, phải thực hiện kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch đúng với các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; sử dụng hợp pháp và khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin. Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cũng cần được áp dụng mức độ bảo vệ tương đương các giao dịch truyền thống. Nếu phát hiện vi phạm cần áp dụng các chế tài xử phạt và tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, thực hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng được quy định theo Điều 51, Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015).
Theo đó, phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng và xây dựng, chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về an toàn thông tin mạng. Trên cơ sở đó, ban hành và tổ chức triển khai, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng; và xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; đồng thời phải tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thông tin mạng rộng rãi trong xã hội.
Thứ tư, thực hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước hết, phải xác định rõ nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Theo đó, cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý và phải công bố công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân mình. Việc xử lý thông tin cá nhân phục vụ mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc không nhằm mục đích thương mại được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, phải quy định rõ về việc gửi thông tin. Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối, trừ trường hợp người tiếp nhận có nghĩa vụ phải tiếp nhận thông tin theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin phải tuân thủ quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân; áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý khi nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân về việc gửi thông tin vi phạm quy định của pháp luật; có phương thức để người tiếp nhận thông tin có khả năng từ chối việc tiếp nhận thông tin; cung cấp điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng khi có yêu cầu.
Ngoài ra, cần có quy định về cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân. Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba.
Tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành là 93,72%. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyễn Hoàng/VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nhung-giai-phap-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung-post1061213.vov