Tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn đang lan rộng với nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi, đang trở thành nỗi lo chung của xã hội, chưa thể xử lý dứt điểm trong “một sớm một chiều”.

Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi

Trong thời đại số, không gian mạng ngày càng được mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới. Việc sử dụng Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, lừa đảo trực tuyến cũng trở nên phổ biến và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

ngan chan lua dao truc tuyen lan rong hinh anh 1
Vấn nạn lừa đảo trực tuyến vẫn đang lan rộng với nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, vấn đề lừa đảo trực tuyến vẫn đang lan rộng với nhiều chiêu trò ngày càng bài bản, tinh vi. Trong tuần qua, đã có 5 hình thức lừa đảo được cảnh báo tới người dân: Nhận làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe online để lừa đảo; Cung cấp dịch vụ "visa giá rẻ"; Lập website, fanpage giả mạo trang của Cục An ninh mạng để lừa đảo; Mạo danh công an để lừa kê khai thông tin tài sản; Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động trên mạng.

Ngoài ra, còn một số hình thức lừa đảo phổ biến khác là lừa đảo qua email. Kẻ gian thường gửi email giả mạo từ các tổ chức tin cậy như ngân hàng, công ty lớn hoặc các dịch vụ trực tuyến để lừa đảo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản hoặc tiền bạc từ người dùng; hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản khi người dùng quét mã QR; Thủ đoạn đầu tư tài chính lừa đảo trên mạng...

Thực tế cho thấy, các hình thức lừa đảo diễn biến theo hoạt động hàng ngày của mọi người nên rất đa dạng và có những “chiêu lừa đảo cũ theo hình thức mới”. Và bằng “một cách tinh vi nào đó”, người dùng vẫn cứ bị dụ dỗ, dẫn đến vòng luẩn quẩn của việc “tiền mất tật mang”.

Thách thức lớn với các nhà quản lý

Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Có thể điểm qua một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất là sự phát triển của công nghệ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, kẻ gian cũng không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình để tạo ra các "chiến lược lừa đảo" mới, phức tạp hơn. Các đối tượng sử dụng các công cụ và kỹ thuật tiên tiến như: phần mềm độc hại, mã độc, kỹ thuật tinh vi để thâm nhập vào hệ thống và lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Hai là người dùng dành thời gian cho “cuộc sống trực tuyến” ngày càng nhiều. Hiện nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, từ việc thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến đến việc giao tiếp và làm việc... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng xấu tiếp cận và lừa đảo người dùng thông qua các kênh trực tuyến.

Ba là, nua bán, đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân người dùng qua nhiều nguồn. Các đối tượng đã biết cách tận dụng thông tin cá nhân mà họ có được từ các nguồn khác nhau để cá nhân hóa các cuộc tấn công lừa đảo. Việc này làm cho các cuộc “tấn công” trở nên hiệu quả hơn và khó nhận biết hơn đối với người dùng.

Bốn là, lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội để lừa đảo. Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng.

Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo, Instagram, Email... đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Theo đó, các đối tượng có khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và email để lan truyền thông điệp lừa đảo của mình tới một số lượng lớn người dùng trong thời gian ngắn. Điều này làm tăng nguy cơ mà người dùng có thể rơi vào bẫy lừa đảo.

Năm là, hệ thống an ninh mạng chưa hoàn thiện. Mặc dù cơ quan quản lý đã đề xuất hoặc triển khai nhiều biện pháp bảo mật nhưng sự “nhẹ dạ cả tin” cùng với lỗ hổng an ninh mạng đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo.

ngan chan lua dao truc tuyen lan rong hinh anh 2
Cần làm sạch dữ liệu để giảm rủi ro.

Với sự tinh vi và bài bản của các đối tượng lừa đảo trực tuyến ngày càng tăng, trở thành “vấn nạn” nhức nhối của xã hội. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các nhà quản lý cũng như cộng đồng mạng trong việc phòng tránh và ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Đối với người tiêu dùng, việc phòng tránh lừa đảo trực tuyến đang trở thành một vấn đề cấp bách và cần được chú ý. Từ thực tế nói trên, nhiều chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo người dân cảnh giác, lưu ý thực hiện các biện pháp để tránh bị lừa đảo.

Trong đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật khi sử dụng mạng xã hội cho người dùng.

Cùng với đó là chuẩn hóa thông tin cá nhân. Được biết, hiện nay có 127 triệu thuê bao đã được chuẩn hóa thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư. Thế nhưng, theo Cục Viễn thông, cần phải tiến tới thông tin chính chủ sẽ ngăn chặn được hành vi trái pháp luật, góp phần làm cho dịch vụ điện thoại di động được sử dụng đúng mục đích.

ngan chan lua dao truc tuyen lan rong hinh anh 3
Lừa đảo trực tuyến đang phổ biến, rủi ro rình rập.

Làm sạch dữ liệu cũng là một trong những biện pháp phòng tránh lừa đảo. Chính phủ đang triển khai Đề án 06, trong đó, Bộ Công an làm đầu mối và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, kết nối dữ liệu ngân hàng với dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu ngân hàng đang có. Việc làm sạch dữ liệu rất quan trọng nhằm phục vụ hoạt động phòng chống tội phạm, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán.

Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ quản lý về an ninh mạng. Ngoài ra, việc phòng tránh lừa đảo trực tuyến còn bao gồm việc bảo vệ thông tin cá nhân và thông tin tài khoản. Người dùng cần sử dụng mật khẩu mạnh, thay đổi định kỳ mật khẩu, không sử dụng mật khẩu dễ đoán và không chia sẻ mật khẩu với người khác. Đồng thời, người dùng cũng cần cập nhật các phần mềm bảo mật, chương trình diệt virus định kỳ để bảo vệ máy tính và thiết bị của mình khỏi các mối đe dọa trực tuyến.

Trong thời đại số, việc phòng tránh lừa đảo trực tuyến không chỉ là trách nhiệm cá nhân, các nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của cộng đồng internet. Việc ngăn chặn sự lan rộng của các hình thức lừa đảo trực tuyến không phải trong “một sớm một chiều”. Vì thế, chỉ khi thông qua sự chú ý, cảnh giác và kiến thức vững về lừa đảo trực tuyến, chúng ta mới có thể bảo vệ được bản thân và ngăn chặn sự lan rộng của các hoạt động lừa đảo trên mạng.

CTV Sông Hàn/VOV-Miền Trung