Tiếp cận, sử dụng internet và mạng xã hội là quyền và nhu cầu chính đáng của mọi người dân, trong đó bao gồm đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực là sự xuất hiện các luồng thông tin xấu độc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Ðáng lo ngại là người tạo ra cũng như góp phần phổ biến những thông tin tiêu cực ấy xuất phát từ một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị. Từ đây đòi hỏi cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội.
Mạng xã hội là thành quả sáng tạo của con người dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, internet. Trên đó chứa đựng những thông tin, hình ảnh, sự kiện được cập nhật liên tục; những mối quan hệ, tương tác mới của con người không ngừng được thiết lập. Mạng xã hội không chỉ là phương tiện kết nối của cá nhân mà hiện nay nhiều cơ quan, đoàn thể chính trị-xã hội cũng đã ứng dụng những tính năng vượt trội của mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng và thực hiện những giao dịch liên quan đến hành chính công vụ...
Sự phát triển của internet và mạng xã hội ở Việt Nam có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Với năng lực sáng tạo, tư duy đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiều cán bộ, đảng viên đã có những phát minh, sáng chế về khoa học, công nghệ; về bảo mật thông tin, đem đến những dịch vụ, trải nghiệm mới, an toàn, tiện lợi, vì mục tiêu phát triển con người toàn diện.
Một số cán bộ, đảng viên qua nền tảng internet, mạng xã hội đã góp phần kiến tạo những giá trị mới qua việc đưa những thông tin, hình ảnh tích cực, những tấm gương tiêu biểu, truyền đi những thông điệp nhân văn, giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Ðặc biệt qua lời nói, việc làm cụ thể, nhiều cán bộ, đảng viên đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên gương mẫu, tạo dựng được niềm tin và định hướng tốt dư luận trên không gian mạng thì thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên cũng đã bị xử lý kỷ luật vì có hành vi lợi dụng mạng xã hội để nói xấu Ðảng, Nhà nước, chế độ; đưa những thông tin sai sự thật, những hình ảnh bị cắt ghép nhằm làm sai lệch nhận thức của công chúng về tình hình an ninh, chính trị, xã hội, gây hoang mang dư luận. Tình trạng tin rác, tin giả, thông tin lấp lửng nước đôi vẫn hằng ngày hằng giờ được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội với những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Những thông tin, hình ảnh xấu độc được đăng tải trên tài khoản cá nhân của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan đảng, nhà nước, dù vô tình hay hữu ý đều gây hậu quả và hệ lụy xã hội vô cùng lớn.
Những thông tin, hình ảnh xấu độc được đăng tải trên tài khoản cá nhân của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan đảng, nhà nước, dù vô tình hay hữu ý đều gây hậu quả và hệ lụy xã hội vô cùng lớn. Bởi tiếng nói của những cá nhân này thường thu hút sự chú ý, quan tâm, theo dõi của người dùng mạng xã hội, gây tác động không nhỏ đến nhận thức của họ.
Do đó nếu thông tin đưa ra có nội dung tiêu cực, bôi nhọ chế độ, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước,... sẽ làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước; làm tổn hại uy tín, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định tình hình chính trị-xã hội và sự phát triển của quốc gia.
Việc nhiều cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội để đưa những thông tin, hình ảnh sai sự thật, gây bất lợi cho cơ quan, tổ chức, có nhiều nguyên nhân.
Có những cán bộ, đảng viên chưa ý thức sâu sắc về hành động, việc làm của mình cũng như những hậu quả có thể xảy ra, sẵn sàng chia sẻ, lan truyền những thông tin mà họ cho là "giật gân", "tin hot", "tin chấn động", để câu like, câu view, thậm chí là đua trend. Những hành vi đó có thể là vô ý, do sự ngây thơ về chính trị, bồng bột trong suy nghĩ nhưng hậu quả lại hết sức khó lường.
Nhưng cũng có những cán bộ, đảng viên cố tình đưa những thông tin, hình ảnh, những bình luận ác ý, chứa đựng tư tưởng thù hằn, gây chia rẽ nội bộ, phá vỡ tinh thần đoàn kết.
Nguyên nhân bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; ngại, lười học tập, trau đồi chuyên môn nghiệp vụ; nhỏ nhen, ích kỷ trong lối sống, kèn cựa về danh lợi, địa vị với đồng nghiệp, với cơ quan, tổ chức nên chỉ cần bất đồng quan điểm, chính kiến, họ sẵn sàng "xả" những bực tức, những "dồn nén, ẩn ức" lên trên các trang mạng cá nhân. Họ công khai viết bài đề cập đến những vấn đề mà họ cho là "góc khuất", "cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực nội bộ", "cuộc chạy đua quyền lực" của các đồng chí lãnh đạo, quản lý mà họ ghen ghét.
Một số cán bộ, đảng viên do phai nhạt lý tưởng cách mạng, đề cao lợi ích cá nhân và đồng tiền đã câu kết với một số phần tử cơ hội, phản động viết những tuyến bài sai sự thật đăng trên những trang mạng phi chính thống. Họ bị lôi kéo tham gia vào những nhóm, tổ chức phản động, sẵn sàng làm "tay trong" cung cấp những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật quốc gia, những thông tin cơ yếu của cơ quan, tổ chức, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh chính trị, an ninh nội bộ, đến tư tưởng, nhận thức của nhân dân.
Có thể thấy việc lợi dụng tự do dân chủ, tự do ngôn luận để viết và đăng những thông tin có nội dung thiếu lành mạnh, làm "ô nhiễm" môi trường văn hóa là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, nguy hiểm khôn lường. Ðiều này làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Ðảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ.
Không chỉ đăng những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên "nghiện" internet và mạng xã hội dẫn đến tình trạng tham nhũng "tinh thần", tham nhũng thời gian, lợi dụng giờ làm việc để lướt web, chơi game; có trường hợp cán bộ, đảng viên sa ngã vào những trò cá cược, lô đề, đánh bạc trên các nền tảng trực tuyến; thường xuyên truy cập vào những trang web đen, trang web của những tổ chức phản động.
Một số cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh, chức vụ của cá nhân và cơ quan công tác để kinh doanh, bán hàng đa cấp…
Những vụ việc, hiện tượng đó vi phạm nghiêm trọng những điều cấm trong quy chế văn hóa công sở, vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc, là mầm mống cho tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột lợi ích, kèn cựa, đố kỵ trong các cơ quan, tổ chức.
Mỗi cá nhân cần hình thành phương thức ứng xử văn minh, phù hợp, tuân thủ chặt chẽ Ðiều lệ Ðảng và quy định về những điều đảng viên không được làm.
Kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, Ðảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận nhằm cảnh báo về những hành vi mà một số cán bộ, đảng viên vi phạm để nghiêm khắc chấn chỉnh, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự trong sạch, vững mạnh của Ðảng và hệ thống chính trị.
Sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", mới đây Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, tiếp tục nhấn mạnh đến một trong các nhiệm vụ của các cơ sở, tổ chức đảng là phải: Tăng cường công tác quản lý đảng viên, nhất là về chính trị tư tưởng, về việc lập và sử dụng các trang thông tin trên internet, mạng xã hội.
Hiện chưa có con số thống kê chính xác về số lượng cán bộ, đảng viên tham gia và sử dụng internet và mạng xã hội, tuy nhiên trong số hơn 5 triệu đảng viên, có thể thấy phần lớn đều đã tham gia, sử dụng internet và mạng xã hội.
Ðể phát huy những mặt tích cực cũng như khắc phục, đẩy lùi và ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn của một số cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng internet và mạng xã hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với cơ quan, tổ chức, với cộng đồng, xã hội.
Mỗi cá nhân cần hình thành phương thức ứng xử văn minh, phù hợp, tuân thủ chặt chẽ Ðiều lệ Ðảng và quy định về những điều đảng viên không được làm. Thực hiện tốt tinh thần nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu đi đầu, sự thống nhất giữa lời nói, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, kiến tạo niềm tin và truyền đi những động lực tích cực cho nhân dân. Tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn, tinh thần tự chịu trách nhiệm khi cung cấp, phát tán, đăng tải thông tin của cá nhân và những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Các cơ sở, tổ chức đảng cần tăng cường công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, tình cảm, lối sống cho cán bộ, đảng viên hướng đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Biết bảo vệ cái đúng, lẽ phải, sự thật và công bằng, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác; tạo sự thống nhất trong ý chí, hành động, thắt chặt tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần gần gũi, đồng hành với cán bộ, đảng viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những góp ý của họ để động viên, khích lệ cũng như kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm để bảo vệ và gìn giữ môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch, nhân văn.
Thực hiện nghiêm Quy định số 102-QÐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó quy định rõ những hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến mạng xã hội như: "Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Ðảng" (điểm g, mục 3, Ðiều 7); "Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử" (điểm e, mục 2, Ðiều 10) với hình thức kỷ luật cao nhất đối với các vi phạm này là khai trừ ra khỏi Ðảng.
Việc sử dụng internet và mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, tình hình, nắm bắt dư luận để tham mưu cho các cơ quan, ban, ngành trong việc lãnh đạo, quản trị điều hành xã hội, quốc gia đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, những hành vi lệch chuẩn của một số cán bộ, đảng viên trong sử dụng internet và mạng xã hội cần được nhận diện, chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, nhân văn để cán bộ, đảng viên xứng đáng là "đầu tàu" dẫn dắt, tổ chức và khơi dậy sức mạnh, tinh thần đoàn kết trong nhân dân, tạo xung lực mới để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Tiến sĩ NGUYỄN HUY PHÒNG
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-trach-nhiem-cua-can-bo-dang-vien-khi-su-dung-mang-xa-hoi-post739133.html