Có dịp tham dự cuộc thi hùng biện tại một trường trung học cơ sở, tôi khá bất ngờ khi các em trình bày quan điểm cá nhân về các chủ đề, như: Bảo vệ môi trường, phong tục truyền thống, làm thiện nguyện, giáo dục giới tính...

Nhiều ý kiến mang tính chất phản biện bày tỏ quan điểm không đồng tình với những việc đang diễn ra. Ví như vấn đề hạn chế rác thải để bảo vệ môi trường, có em đưa ý kiến người lớn chỉ biết giữ sạch nhà mình, còn khu vực công cộng thì vô tư xả rác hay việc vận động phân loại rác thải tại các hộ gia đình nhưng khi xe thu gom lại gộp chung với nhau. Những việc làm như vậy trở nên vô nghĩa, lãng phí. Thông qua hùng biện, các em đưa ra quan điểm, góc nhìn, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt hơn hoặc khắc phục những vấn đề còn tồn tại, đồng thời bày tỏ nguyện vọng gửi đến cá nhân, tổ chức có trách nhiệm.

Lắng nghe nguyện vọng trẻ em
Ảnh minh họa/TTXVN 

Với con trẻ, người lớn thường có tâm lý bao bọc, muốn thực hiện theo ý chủ quan của mình. Nếu trẻ bày tỏ quan điểm cá nhân thì cho là lý sự “cụ non”, “trứng khôn hơn vịt”, "măng cao hơn tre". Vì thế, ý kiến của con trẻ ít được người lớn quan tâm, chú ý. Nhiều nội dung được con trẻ đề xuất, người lớn nghe xong rồi lại để đấy. Có những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc nếu không được giải quyết kịp thời khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực, hoặc làm cho trẻ tự ti, không mạnh dạn bày tỏ quan điểm. Như vậy, sự thờ ơ của người lớn vô hình trung khiến trẻ thiếu năng động, hạn chế khả năng sáng tạo.

Với mong muốn trẻ em tham gia bày tỏ ý kiến về các vấn đề liên quan đến trẻ em, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thành lập thí điểm Hội đồng trẻ em giai đoạn 2017-2020. Đầu năm 2021, hội nghị tổng kết mô hình được tổ chức sau một thời gian hoạt động. Theo đánh giá, Hội đồng trẻ em là hướng đi mới đem lại hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền trẻ em; tạo điều kiện để các em nói lên ý kiến của mình, góp phần thúc đẩy giải quyết những vấn đề xuất phát trong quá trình học tập, vui chơi, giải trí và đời sống của trẻ em. Mô hình tạo ra kênh thông tin giúp lãnh đạo địa phương nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ để có biện pháp giải quyết phù hợp. Mô hình được đánh giá là hiệu quả và có chủ trương nhân rộng ở nhiều cấp. Đây là bước tiến trong việc thực hiện quyền trẻ em. Thông qua hoạt động này, trẻ em có cơ hội bày tỏ ý kiến một cách dân chủ, cởi mở với các cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương. Không chỉ các vấn đề liên quan đến trẻ em mà những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội cũng được các em đóng góp thiết thực, thể hiện góc nhìn mới mẻ, sáng tạo cần được những người có trách nhiệm lưu tâm giải quyết.

Trẻ em trong giai đoạn hình thành phát triển thể chất và tinh thần sẽ có nhiều vấn đề băn khoăn, thắc mắc; nhiều nhu cầu thiết thực nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng kịp thời. Thêm vào đó, nhiều áp lực đang đè nặng lên vai trẻ em, như việc học tập, thi cử, thậm chí cả những hiểm nguy khi trẻ em bị lạm dụng, xâm hại. Vì vậy, lắng nghe trẻ em là thể hiện sự tôn trọng, đồng thời có hướng giải quyết kịp thời giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện, qua đó khuyến khích trẻ em phát huy quyền tham gia của mình trong gia đình, nhà trường và xã hội.

THƯ NGỌC

Nguồn: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/lang-nghe-nguyen-vong-tre-em-657171