Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. (Ảnh DUY LINH)
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. (Ảnh DUY LINH)

Ðể thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, việc đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Bảo đảm nghiêm minh, thân thiện, nhân văn

Những năm qua, Ðảng, Nhà nước ta đề ra nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, được thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng. Theo đó, nước ta hiện đang có ba bộ luật, luật điều chỉnh trực tiếp (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự) về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như: Thủ tục tố tụng hình sự hiện hành vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có điều chỉnh một số quy định để giải quyết các vấn đề liên quan người chưa thành niên, dẫn đến các thủ tục chưa thật sự thân thiện, phù hợp độ tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên. Biện pháp xử lý là chuyển hướng để thay thế các hình phạt trong Bộ luật Hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc và tính nghiêm minh của pháp luật; khắc phục các quy định hiện hành chưa phù hợp tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 32. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết: Việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Ðảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”; đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này gồm quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; đồng thời, đề cập rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm các nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; người chưa thành niên được đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng...

Áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng

Các nội dung được quan tâm khác là xử lý chuyên biệt đối với người chưa thành niên phạm tội; đó là, bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên. Những nội dung được quan tâm khác là, chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia trình bày ý kiến của người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng phù hợp cho người chưa thành niên.

Các cơ quan soạn thảo vừa qua đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực giúp việc cho Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em. Về trách nhiệm của người làm công tác xã hội, dự thảo Luật quy định điều kiện người làm công tác xã hội tham gia vào hoạt động tư pháp người chưa thành niên, một người làm công tác xã hội có thể tham gia hỗ trợ tư pháp cho nhiều người bị buộc tội, bị hại…

Cụ thể, các cá nhân có thẩm quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của hoạt động tố tụng đến khi tái hòa nhập cộng đồng. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời, xử lý chuyên biệt, bảo đảm giữ bí mật cá nhân. Bên cạnh đó, dự thảo Luật mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Dự thảo quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp từng đối tượng.

Về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, đây là các biện pháp giám sát, giáo dục khi người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự mà Bộ luật Hình sự đang quy định. Qua phân tích, một số ý kiến cho rằng, bản chất của biện pháp này là đưa người chưa thành niên ra khỏi trình tự tố tụng hình sự thông thường (vốn được áp dụng cho người trưởng thành), vì vậy chuyển hướng người chưa thành niên sang thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn.

Dự thảo Luật quy định “xử lý chuyển hướng” và quy định bổ sung các biện pháp xử lý chuyển hướng mới, như tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại. Chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được cho là biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng (Ðiều 34), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 12 biện pháp xử lý chuyển hướng và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp dự thảo Luật, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên. Một số ý kiến khác đề nghị tiếp tục rà soát các biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm phù hợp.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với người chưa thành niên tại trường giáo dưỡng để bảo đảm phù hợp tính chất, mức độ vi phạm của người chưa thành niên và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, bảo đảm thân thiện.

Các ý kiến thẩm tra cũng đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao cung cấp thông tin, làm rõ căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Ðiều 36 của dự thảo Luật về việc không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với 5 tội danh do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện và 6 tội danh do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện.

THÁI ANH

Nguồn: https://nhandan.vn/lam-tot-hon-nua-cong-tac-bao-ve-giao-duc-tre-em-trong-tinh-hinh-moi-post806599.html