Sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau, việc này khiến em phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Trẻ bị bắt nạt, xâm hại qua môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh được phát tán trên môi trường mạng có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ. Để giải quyết các rủi ro mà trẻ em có thể gặp phải và thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số: Việt Nam cần tăng cường tính phòng ngừa và bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.

lam gi de bao ve tre em tren moi truong mang hinh anh 1
Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục trẻ em phát biểu

" - Con thường sử dụng điện thoại vào khoảng thời gian 8 giờ tối. Con vào những trang mạng xã hội như tiktok, facebook, instagram. Phần lớn con hay nhắn tin với các bạn trên messenger, zalo, nói chuyện đời sống hàng ngày. Con thích tiếng Hàn nên con vào điện thoại, ngoài lướt facebook, chơi tiktok trò chuyện bạn bè con còn vào các app để học tiếng Hàn".

" - Hàng ngày con chơi điện thoại 1, 2 triếng lướt tiktok, youtube, chơi games. Điện thoại riêng ạ, bố mua cho con từ lớp 5 đến bây giờ năm nay con hợp lớp 9". 

 "- Con vào youtube, mở phim hoạt hình, video kit và mekhoaitây. Một ngày vào hàng chục lần. Các bạn con cũng vào điện thoại, ipad, máy tính rồi mở youtube lên, xem phim và xem mấy tiếng đồng hồ được luôn. Các bạn cũng cãi nhau như kiểu mấy video đấy".

Sẽ không khó để hỏi và nhận được những câu trả lời như thế này từ những em học sinh cấp 1, cấp 2 về chủ đề sử dụng Internet và mạng xã hội hiện nay. Trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số, các gia đình và trẻ em cần tới internet để duy trì việc học tập, giải trí và kết nối với cộng đồng xã hội là nhu cầu ngày càng phổ biến. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng internet với nhiều mục đích khác nhau như (học tập; xem phim; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân).

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó 70% các em đã và đang sử dụng internet và tiếp cận, tương tác với các dịch vụ trên môi trường mạng. Độ tuổi mà trẻ em Việt Nam sử dụng các thiết bị công nghệ vào internet và mạng xã hội (trung bình là 9 tuổi, sớm hơn 4 năm so với thế giới). Từ nhu cầu sử dụng, đến tò mò, thích thú rồi liên tục sử dụng đến nghiện mạng xã hội đang khiến nhiều trẻ em bị sao nhãng học tập như chia sẻ của cô Nguyễn Lưu Liên, giáo viên trường phổ thông liên cấp Edison: "Các bạn học sinh ở tuổi này các bạn rất là hiếu kỳ và các bạn cũng rất tò mò về các trang mạng xã hội. Và trong quá trình học tập, các bạn thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội và games online thì ảnh hưởng đến việc học tập và tiếp thu kiến thức của các bạn".

Sự phát triển của công nghệ, internet mang lại rất nhiều lợi ích và trẻ em cũng được hưởng lợi, nhưng mặt khác cũng khiến các em đối diện với nhiều nguy hiểm như bị: Bị rò rỉ thông tin, bị dụ dỗ, thậm chí bị bắt nạt, bạo lực, thậm chí bị xâm hại trên mạng, gây tổn thương và để lại những di chứng dai dẳng ở trẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc: Các gia đình và trẻ em cần tới internet nhiều hơn để duy trì việc học tập, kết nối với cộng đồng, xã hội. Theo đó thì tình trạng trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng cũng cao hơn. Trong đó, tình trạng trẻ bị bắt nạt có nhiều thay đổi.

"Công nghệ số góp phần làm thay đổi quy mô, phạm vi, hình thức cũng như tác động đến trẻ em. Ví dụ, khi bắt nạt ngoài đời, thủ phạm thường là kẻ mạnh đôi khi kèm theo bạo lực về thân thể. Tuy nhiên, ở trên mạng, trẻ em có thể bị dân cư mạng… chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe dọa, làm mất mặt hoặc bị xuyên tạc thông tin mà thủ phạm có thể là nhiều người không quen biết, do tính ẩn danh, mạo danh và khả năng phát tán thông tin nhanh tới mức chóng mặt. Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi này trên không gian mạng"- ông Ngọc Anh nói.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; và Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).

Tuy nhiên, để giải quyết các rủi ro mà trẻ em có thể gặp phải và thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, đấu tranh xử lý có hiệu quả những hành vi, những vụ việc xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn về kiến thức, kỹ năng tương tác trên môi trường mạng, cũng như bảo vệ an toàn trẻ em trên môi trường mạng. Việt Nam cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân để tham gia vào các hoạt động bảo vệ trẻ em. Trong đó, có trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc ngăn chặn, lọc, xóa các tài liệu liên quan đến bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em. Cùng với đó cần có sản phẩm trực tuyến giáo dục hữu ích và thân thiện cho trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: "Chúng ta khuyến khích những sáng kiến những hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giúp trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, gỡ bỏ những thông tin mang tính độc hại. Bên cạnh đó chúng ta cần phải rà soát tiếp những quy định về mặt pháp luật…để làm sao chúng ta đảm bảo được trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp, những công ty hoạt động trên môi trường mạng mang tính xuyên biên giới, quốc gia thì cần phải có những biện pháp kiểm tra, thanh tra mạnh mẽ hơn nữa, cần phải có những quy định pháp lý một cách chặt chẽ hơn nữa để chúng ta xử lý được những vi phạm của công ty, tập đoàn này".

Để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh cần có sự chung tay hành động của các bên liên quan. Để bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng, trách nhiệm không thuộc về riêng cơ quan nào và vai trò quan trọng, trước hết thuộc về chính gia đình, cha mẹ - những người trực tiếp nuôi dạy trẻ.

Hà Nam/ VOV1

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-post1098685.vov