Thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức mạo danh các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ để lừa đảo tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường mới như Australia, Canada và một số thị trường có thu nhập cao khác thông qua mạng xã hội hoặc các website mạo danh.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tháng 10 năm 2023, cơ quan này đã đăng tải trên trang thông tin điện tử tin cảnh báo về tình trạng người lao động bị lừa đảo trên môi trường mạng.
Thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cá nhân, tổ chức mạo danh các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ để lừa đảo tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường mới như Australia, Canada và một số thị trường có thu nhập cao khác thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) hoặc các website mạo danh.
Một trong những website cung cấp thông tin giả mạo về tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài là https://h5.vinacomvn.com.
Nhằm tránh bị lừa đảo và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan. Lao động chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức được đăng tải trên Giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp và trên Cổng thông tin điện tử www.dolab,gov.vn.
Người lao động cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phán ảnh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đề nghị liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517 máy lẻ 512 và 513, địa chỉ 41B Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước đó, ngày 16/5/2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cảnh báo về việc xuất hiện một số cá nhân, tổ chức tuyển chọn lao động trái quy định để sang làm việc tại Australia.
Văn bản nêu rõ, năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại nước này theo chương trình PALM (The Pacific Australia Labour Mobility).
Thời gian qua đã xuất hiện một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về chương trình PALM để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật. Các hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đang phối hợp để lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia chương trình PALM.
Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo người lao động không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 48 nghìn người, trong đó có 14.193 lao động nữ. Qua đó, đạt khoảng 38 % kế hoạch năm 2024. Mục tiêu của năm nay là đưa 125.000 lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
NGÂN ANH
Nguồn: https://nhandan.vn/khuyen-cao-ve-lua-dao-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-tren-moi-truong-mang-post810224.html