Nhìn lại năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội, Việt Nam đang từng bước kiểm soát dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế, chăm sóc sức khỏe của người dân, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội… Đó là những thành tựu nổi bật của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền của người dân, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân.

Trong những tháng đầu năm 2021, nhất là từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư, dịch bệnh lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo áp lực lớn đến kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 2,52% (tháng 7/2021). Khu vực dịch vụ, nhất là các ngành ngân hàng, du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề; hơn 70.000 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2021.

Đại dịch còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền của người dân, nhất là sinh hoạt, đi lại, học tập do phải giãn cách xã hội ở nhiều nơi để phòng chống dịch, song các quyền cơ bản của người dân vẫn được bảo đảm, trong đó có quyền tiếp cận các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, đồ dùng thiết yếu, quyền chăm sóc y tế, giáo dục trực tuyến.

Trước bối cảnh đó, Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các giải pháp đồng bộ với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn đã được ban hành để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn cả người lao động, cũng như đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả quốc gia như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (vào tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020 và dự kiến khoảng 2,5-3% năm 2021. Năm 2020, Việt Nam đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng đà phục hồi sau đợt dịch Covid-19 và từ lợi thế triển khai tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng tối đa hiệu quả của 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang triển khai với các đối tác, trong đó có Hiệp định định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tranh thủ những thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, từ đó chuyển đến mô hình phát triển một cách hiệu quả, bền vững, coi chuyển đổi số là công cụ thúc đẩy quyền con người cũng như hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền với phương châm lấy người dân, quyền thụ hưởng của người dân làm trung tâm.

Năm 2021, tại Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và kiện toàn bộ máy Chính phủ khóa XV. Việt Nam đã đề ra tầm nhìn đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong đó xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tầm nhìn và định hướng đó một lần nữa khẳng định những cam kết của toàn hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển đất nước, hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

HÀ NHÂN

Nguồn:https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/khong-ngung-thuc-day-va-bao-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-675792/