Đi bầu cử là trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri tham gia vào quá trình chính trị, tham gia xây dựng chính quyền của chính mình.
Đó là chia sẻ của GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về ngày bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp 23/5.
Theo GS. Vũ Minh Giang, cuộc bầu cử đã được chuẩn bị rất toàn diện, sáng tạo và lường được tất cả những tình tiết phức tạp nhất, đó là cơ sở để tổ chức cuộc bầu cử thành công.
Sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu của mình cũng nói trách nhiệm của mỗi cử tri đi bầu cử, qua đó tham gia xây dựng chính quyền của chính mình là một thông điệp cực kỳ quan trọng.
Về câu chuyện dân chủ, GS. Vũ Minh Giang đã phân tích về vị thế làm chủ của người dân Việt Nam qua 2 cuộc tổng tuyển cử năm 1946 và năm 1976.
Ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946 là những thành quả cách mạng được khẳng định một cách chính thức. Từ đó, chúng ta có một bản Hiến pháp tiến bộ, có những bộ luật và có tính chính danh trước toàn dân rằng đây là chính quyền của nhân dân. Thông qua đó chúng ta cũng tuyên bố với thế giới đây là chính quyền hợp hiến, hợp pháp.
Còn với cuộc bầu cử Quốc hội năm 1976, phải 30 năm sau chúng ta mới hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, đem lại độc lập một cách trọn vẹn. Cuộc bầu cử năm 1976 là sự khẳng định thành quả của sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta sau 30 năm chiến tranh với bao nhiêu máu xương đổ xuống. Non sông thu về một mối, ước nguyện dành độc lập và thống nhất đất nước hoàn thành.
Trong giai đoạn hiện nay, sau hơn 35 năm đổi mới và chúng ta vừa tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội Đảng lần thứ XIII, GS. Vũ Minh Giang khẳng định vị thế làm chủ của người dân Việt Nam thông qua cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV từng bước được nâng lên.
Đây là cuộc bầu cử có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh chưa bao giờ đất nước có cơ đồ như ngày nay. Vì thế, chúng ta cần khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Đây chính là lúc người dân phải ý thức về trách nhiệm của mình để bầu chọn được những người xứng đáng thực hiện trọng trách, sứ mệnh lớn lao đó.
GS. Vũ Minh Giang cho rằng mỗi người dân nếu đều ý thức sâu sắc trong việc lựa chọn thì chúng ta sẽ có một Quốc hội đầy đủ năng lực, phẩm chất. Tuy nhiên, yếu tố tài, đức phải của ĐBQH lần này có yêu cầu đặc biệt hơn so với những kỳ Quốc hội trước bởi bước vào giai đoạn mới cần phải có sự cố gắng vượt bậc của các ĐBQH. Đó chính là ý nghĩa lịch sử của cuộc bầu cử lần này.
Theo GS. Giang chúng ta phải nâng dần chất lượng đi đôi với số lượng ĐBQH. Phải lượng hóa hoạt động của mỗi đại biểu, ví dụ trong một năm, một khóa, đại biểu đã nhận được bao nhiêu đơn thư kiến nghị của cử tri và đơn thư đó được giải quyết như thế nào. Cử tri và nhân dân cả nước rất muốn biết điều đó.
Bên cạnh đó, ĐBQH phải năng động hơn nữa thông qua hoạt động chất vấn vì đó là một cách để nhân dân giám sát ĐBQH. Chất lượng những câu hỏi của ĐBQH trên nghị trường cũng phải được giám sát. Chất lượng lập pháp là việc rất quan trọng của Quốc hội, phải chú ý thật đầy đủ đến quy trình soạn thảo các bộ luật.
Cũng theo GS. Vũ Minh Giang, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất có trách nhiệm đưa ra những quyết sách đúng đắn. Trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức phức tạp, chúng ta phải có những quyết sách mạnh mẽ, khôn khéo để vừa giữ được hòa bình, vừa phát triển đất nước. Đó là trọng trách của Quốc hội nhiệm kỳ tới.
Theo baomoi.com
Nguồn bài viết: https://baomoi.com/khi-nhan-dan-tham-gia-xay-dung-chinh-quyen-cua-chinh-minh/c/38942196.epi