1. Về hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định về giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân

1.1 Về hệ thống giáo dục quốc dân: Theo Điều 6 Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam được xác định là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định bao gồm:

(i) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo[1];

(ii) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông[2];

(iii) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác[3]

(iv) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ[4].

Để thực hiện đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Ngày 05 tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quốc gia về giáo dục quyền con người, theo đó đưa nội dung quyền con người vào toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả bốn cấp, bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân.

1.2 Về mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân

Quyết định 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ về mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục quyền con người trong các cấp, bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân như sau:

a) Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông

+ Về mục tiêu: (i) Đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên: Nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người để từ đó thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của con người trong hệ thống giáo dục quốc dân; (ii) Đối với người học:

- Trẻ em mẫu giáo: Bước đầu hình thành nhận biết được quyền và biết tôn trọng quyền của người khác.

- Học sinh tiểu học: Bước đầu hiểu được một số kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của con người, của công dân; Bước đầu hình thành kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và của người khác, hình thành thái độ tôn trọng quyền con người.

- Học sinh trung học cơ sở: Hiểu được kiến thức cơ bản về quyền con người ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học; Phát triển kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và của người khác, củng cố thái độ tôn trọng quyền con người.

- Học sinh trung học phổ thông: Hiểu được kiến thức cơ bản về quyền con người cao hơn so với học sinh trung học cơ sở, phát triển kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và của người khác, tiếp tục củng cố thái độ tôn trọng quyền con người; Nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Xây dựng thái độ, ý thức tôn trọng quyền con người, quyền công dân, sự khoan dung, bình đẳng, đoàn kết dân tộc và quốc tế.

+ Về nội dung giáo dục về quyền con người:

(i) Đối với cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo: Các nguyên tắc của quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (bình đẳng, không phân biệt đối xử, tôn trọng nhân phẩm, sự khoan dung v.v...); Các quyền con người cơ bản; Trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (đặc biệt là các chủ thể nhà nước, tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục) trong việc xây dựng một môi trường giáo dục có sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người.

(ii) Đối với người học:

- Trẻ em mẫu giáo: Những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác.

- Học sinh tiểu học: Một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,...); Các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định.

- Học sinh trung học cơ sở: Các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,...) ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học.

- Học sinh trung học phổ thông: Các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người, quyền công dân (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,...) ở mức cao hơn so với học sinh trung học cơ sở; Các cơ chế chủ yếu bảo vệ quyền con người.

+ Về chương trình giáo dục quyền con người:

(i) Đối với cán bộ quản lý, giáo viên: Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về quyền con người với thời lượng 32 tiết (8 buổi).

(ii) Đối với người học:

- Trẻ em mẫu giáo: Lồng ghép, tích hợp các nguyên tắc, nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục mẫu giáo.

- Học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên: Tích hợp vào các môn trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

b) Đối với giáo dục nghề nghiệp

+ Về mục tiêu: (i) Đối với cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên: Nâng cao nhận thức, hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người, tôn trọng và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của người học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

(ii) Đối với học viên: Cung cấp cho người học kiến thức cơ bản giúp người học nhận thức được giá trị cao quý của quyền con người; củng cố niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người; hình thành thái độ tôn trọng, bảo đảm, tích cực tham gia thúc đẩy quyền con người; bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác trong xã hội.

+ Về nội dung giáo dục:

(i) Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên: Nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân; Quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; Các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền lao động.

(ii) Đối với học viên: Nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; Các cơ chế bảo vệ quyền con người; Kỹ năng ứng dụng quyền con người trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động; Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

+ Về chương trình giáo dục quyền con người:

(i) Đối với cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên: Tài liệu bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên.

(ii) Đối với học viên:

- Học viên hệ Sơ cấp: Chương trình lồng ghép về quyền con người vào nội dung đào tạo.

- Học viên hệ Trung cấp: Chương trình lồng ghép quyền con người vào nội dung đào tạo.

- Học viên hệ Cao đẳng: Đối với các trường cao đẳng không thuộc khối trường luật, hành chính, nội chính, các nội dung quyền con người nêu ở khoản 2 mục II phần B được tích hợp, lồng ghép vào môn học pháp luật hoặc pháp luật đại cương, với thời lượng ít nhất là 6 giờ, bao gồm cả kiểm tra kiến thức cho tất cả các ngành đào tạo;

- Đối với các trường cao đẳng thuộc khối trường luật, hành chính, nội chính: Các nội dung quyền con người nêu ở khoản 1 mục II phần B (đối với giáo viên, cán bộ quản lý) được tích hợp, lồng ghép vào môn học lý luận chung về nhà nước và pháp luật với thời lượng 8 giờ; Các nội dung quyền con người nêu ở khoản 2 mục II phần B (đối với học viên) được thiết kế thành một môn học riêng, hoặc lồng ghép vào các môn học chuyên ngành có liên quan. Trong trường hợp thiết kế thành môn học riêng thời lượng tối thiểu là hai học phần, trong đó có 10 tiết thảo luận/bài tập;

Ngoài chương trình chính khoá, tất cả các trường cao đẳng, trung cấp chủ động trong việc lựa chọn đưa nội dung về quyền con người vào các hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng học viên thông qua một số hoạt động ngoại khóa sau: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về quyền con người; Lồng ghép nội dung về quyền con người vào các hoạt động văn hóa.

c) Đối với giáo dục đại học

+ Về mục tiêu:

(i) Đối với cán bộ quản lý và giảng viên: Nâng cao nhận thức, hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người, để từ đó thúc đẩy việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người, góp phần tạo ra môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của người học trong hệ thống giáo dục đại học.

(ii) Đối với sinh viên không thuộc khối trường đào tạo ngành luật, hành chính, nội chính: Cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về quyền con người, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người học củng cố niềm tin, có thái độ đúng đắn và nhận thức được giá trị cao quý của quyền con người. Qua đó, tạo cho người học có ý thức tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

- Đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh khối trường đào tạo ngành luật, hành chính, nội chính (cả khối lực lượng vũ trang): Có kiến thức nâng cao và chuyên sâu về quyền con người, có kỹ năng nghề nghiệp để thúc đẩy, bảo vệ, ngăn ngừa sự vi phạm quyền con người trong xã hội; góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền công dân.

+ Về nội dung giáo dục:

Giáo dục về quyền con người trong các trường đại học bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Khái niệm, nguồn gốc, bản chất và tính chất của quyền con người, quyền công dân;

- Nội hàm của các quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và các công ước quốc tế khác;

- Các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và các luật chuyên ngành; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội;

- Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (sau đây viết tắt là XHCN);

- Trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (nhà nước, tổ chức, cá nhân) trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

- Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Về nội dung chuyên sâu: Đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo luật, hành chính, an ninh, quốc phòng, quan hệ quốc tế, ngoài các nội dung cơ bản nêu ở khoản 1 mục II phần C sẽ bổ sung những nội dung chuyên sâu, phù hợp về: a) Cơ chế quốc tế, khu vực và mô hình cơ quan quốc gia về quyền con người ở một số nước trên thế giới và cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam; b) Chức năng, nhiệm vụ, quy trình nghiệp vụ bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân (gắn với đặc thù đối tượng đào tạo của từng trường); c) Các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; d) Các biện pháp phòng, chống oan, sai và trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động công vụ - Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam; đ) Những vấn đề cơ bản của Luật nhân đạo quốc tế, Luật hình sự quốc tế và Luật quốc tế về chống khủng bố.

+ Về chương trình giáo dục:

(i) Chương trình chính khóa:

- Đối với các trường đại học không thuộc khối trường chuyên luật, hành chính, nội chính, đưa các nội dung quyền con người nêu ở khoản 1 mục II phần C vào môn học pháp luật hoặc pháp luật đại cương, với thời lượng ít nhất là 20 tiết cho tất cả các ngành đào tạo;

- Đối với các ngành thuộc khối trường chuyên luật, hành chính, nội chính - sư phạm (lý luận chính trị): Các nội dung quyền con người nêu ở khoản 1 mục II phần C được tích hợp, lồng ghép vào môn học lý luận chung về nhà nước và pháp luật và các chuyên ngành khác với thời lượng mỗi môn là 5 tiết; Các nội dung quyền con người nêu ở khoản 1 và khoản 2 mục II phần C được thiết kế thành một môn học riêng với thời lượng tối thiểu là hai học phần, trong đó có 10 tiết thảo luận.

(ii) Chương trình ngoại khóa: Ngoài chương trình chính khoá, tất cả các trường đại học chủ động trong việc lựa chọn đưa nội dung về quyền con người vào các hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, học viên thông qua một số hoạt động ngoại khóa sau: Các hoạt động nghiên cứu khoa học, diễn án (ở các trường luật); Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về quyền con người; Chuyên mục giáo dục quyền con người trên trang thông tin điện tử; Một số hoạt động ngoại khóa khác phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường theo Chương trình giáo dục ngoại khóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

 

[1] Giáo dục mầm non: Gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Giáo dục nhà trẻ được thực hiện đối với trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi; giáo dục mẫu giáo được thực hiện đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi;

[2] Giáo dục phổ thông: Gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản) và giáo dục trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp).

Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học sẽ học tiếp lên trung học cơ sở. Giáo dục trung học cơ sở tiếp nhận học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp. Giáo dục trung học phổ thông tiếp nhận học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở. Trong thời gian học trung học phổ thông, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trình độ trung cấp nếu có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể học lên đại học hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

[3] Giáo dục nghề nghiệp: Gồm các chương trình đào tạo trình độ trung cấp tiếp nhận người tốt nghiệp tối thiểu trung học cơ sở; các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng tiếp nhận người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tốt nghiệp trình độ trung cấp; cùng với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đào tạo trình độ sơ cấp nhằm giúp người học có kỹ năng thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề.

[4] Giáo dục đại học: Giáo dục trình độ đại học và giáo dục trình độ thạc sĩ có 2 định hướng: nghiên cứu và ứng dụng; giáo dục trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu.

Các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu có mục tiêu và nội dung theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ.

Các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng có mục tiêu và nội dung theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người.

Các chương trình đào tạo phải bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các chương trình đào tạo trình độ đại học tiếp nhận người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung); người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng.

Các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ đại học. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ tương đương 1 đến 2 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo

Người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thể học tiếp lên tiến sĩ trong hướng chuyên môn phù hợp hoặc được nhận vào học các hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ hoặc người tốt nghiệp trình độ đại học nếu đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo.

Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.

Hình thức giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người, ở các lứa tuổi và trình độ khác nhau có thể học tập, nâng cao kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi ngành, nghề phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, xây dựng xã hội học tập.

Người học có thể chuyển đổi từ giáo dục thường xuyên sang các phương thức khác nếu có nhu cầu, có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu của chương trình

PGS.TS Tường Duy Kiên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh