2. Thực trạng và giải pháp giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay
2.1 Thực trạng giáo dục quyền con người bậc mầm non và giáo dục phổ thông
a) Bậc mẫu giáo
+ Kết quả: Các cơ sở giáo dục mẫu giáo đã thực hiện giáo dục và theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ em theo nguyên tắc "giáo dục lấy trẻ làm trung tâm", theo Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi; ...
- Về nội dung các quyền: Khi đối chiếu nội hàm của nguyên tắc "giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm" trong quản lý nhà trường và thực hiện Chương trình, tiêu chuẩn giáo dục mẫu giáo, có thể thấy học sinh mẫu giáo đã cơ bản được định hướng giáo dục các quyền trẻ em: Quyền sống, quyền được bảo vệ; quyền tham gia; quyền chăm sóc sức khỏe; quyền giáo dục, vui chơi...Đã có lồng ghép, tích hợp nội dung, phương pháp giáo dục QCN thông qua một số chủ đề giáo dục có tính liên thông giữa các nội dung giáo dục mẫu giáo: Thí dụ các chủ đề: bản thân, gia đình, trường học, nghề nghiệp của cha mẹ, quê hương - đất nước - Bác Hồ,... được tổ chức theo 5 lĩnh vực giáo dục (nhận thưc, thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ) hoặc nhân các sự kiện đang diễn ra trong thực tế (ngày phụ nữ quốc tế 8/3, ngày gia đình, ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, ngày Quốc khánh 2/9,...)
+ Hạn chế: Chưa có nội dung giáo dục (đúng mức, hợp lý) Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Luật trẻ em ở Việt Nam năm 2016. Nội dung những quyền thiết thân với trẻ mẫu giáo như quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền vui chơi, giải trí; quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc và quyền của trẻ em khuyết tật…còn thể hiện khá mờ nhạt.
- Chưa triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được quy định trong Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Bậc tiểu học
+ Kết quả: Hiện nay quyền con người đã có sự tích hợp lồng ghép một số môn học như môn Đạo đức: Chương trình môn Đạo đức gồm các bài được thiết kế theo hướng xác định quyền và trách nhiệm, bổn phận đối với học sinh thông qua các chuẩn mực hành vi đạo đức và mang tính pháp luật phù hợp với lứa tuổi học sinh theo năm mối quan hệ cơ bản của các em với bản thân, với người khác, với công việc, với cộng đồng, đất nước, nhân loại và với môi trường tự nhiên.
+ Hạn chế: Chưa có nội dung giáo dục (đúng mức, hợp lý) Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Luật trẻ em ở Việt Nam năm 2018, phù hợp với bối cảnh địa phương. Chưa mở rộng hay cụ thể hóa đúng mức, hợp lý nội dung những quyền thiết thân với học sinh tiểu học (quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được bảo vệ và tham gia, phát triển phù hợp với văn hóa Việt Nam và địa phương và quyền của trẻ em khuyết tật).
Chưa triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được quy định trong Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Bậc trung học
(i) Trung học cơ sở
+ Kết quả: Quyền con người được thực hiện trước tiên và chủ yếu thông qua môn Giáo dục công dân. So với môn đạo đức ở bậc tiểu học, môn Giáo dục công dân từ bậc THCS, có nhiều bài trực tiếp bàn về quyền công dân và đã chứa đựng những kiến thức sâu rộng hơn về quyền con người. Môn này kết hợp giữa giáo dục quyền với giáo dục bổn phận của học sinh trong gia đình, nhà trường, xã hội và môi trường tự nhiên và đối với chính bản thân mình.
Với việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục quyền con người thông qua môn giáo dục công dân và nhiều môn học khác, học sinh THCS, so với học sinh tiểu học, có thể được tìm hiểu, nắm bắt và cả thực hành nhiều quyền nhân thân, kể cả một số quyền có tính pháp pháp lý - xã hội phù hợp với độ tuổi thiếu niên như: quyền được sống còn gắn với quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được sống chung với cha, mẹ...; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng gắn với quyền được sống chung với cha, mẹ, được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, được chăm sóc sức khỏe, được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, được vui chơi, giải trí, ....; quyền được bảo vệ gắn với quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, được bảo vệ khỏi chất ma túy v.v....
+ Hạn chế: Chưa có nội dung giáo dục đúng mức, hợp lý Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Luật trẻ em ở Việt Nam năm 2018, phù hợp với bối cảnh địa phương. Chưa mở rộng hay cụ thể hóa đúng mức, hợp lý mối liên hệ giữa các quyền thiết thân với học sinh THCS. Chẳng hạn, quyền được sống gắn với quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được sống chung với cha, mẹ, quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; v.v...; hay quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng gắn với quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, quyền vui chơi, giải trí; v.v...; hay quyền được bảo vệ gắn với quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, được bảo vệ khỏi chất ma túy; v.v....
Chưa triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được quy định trong Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Trung học phổ thông
+ Kết quả: Trong chương trình giáo dục công dân bậc THPT, bài học về quyền công dân đã tiếp cận QCN gắn với tiếp cận triết học, chính trị sâu rộng hơn. Môn học Giáo dục công dân đã mang tính lý thuyết khái quát khá cao; có nhiều nội dung tương đối trừu tượng so với lứa tuổi thiếu niên hoặc vị thành niên (VD tư duy biện chứng duy vật). Chương trình lớp 10 được phân thành 2 phần: 1/ Công dân với hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học; 2/ Công dân với đạo đức; trong đó đề cập đến một số nghĩa vụ của công dân nhưng chủ yếu từ khía cạnh đạo đức. Chương trình lớp 11 được phân thành 2 phần: 1/ Công dân với phát triển kinh tế; 2/ Chính sách phát triển kinh tế, xã hội Chương trình lớp 12 được phân thành 2 phần: 1/ Pháp luật với đời sống; 2/ Công dân với pháp luật.
+ Hạn chế: Chưa có nội dung giáo dục (đúng mức, hợp lý) Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Luật trẻ em ở Việt Nam năm 2018, phù hợp với bối cảnh địa phương. Việc mở rộng hay cụ thể hóa đúng mức, hợp lý mối liên hệ giữa các quyền thiết thân với học sinh THPT chưa rõ. Chẳng hạn: Quyền được sống gắn với quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi cơ bản theo nội dung các quyền được nêu ở trên.
Chưa triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được quy định trong Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ
2.2 Thực trạng giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
2.2.1 Khối các trường không thuộc ngành luật, hành chính, nội chính, gồm trình độ Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng
Hầu hết chưa có nội dung quyền con người được đưa vào giảng dạy
2.2.2 Khối các trường thuộc ngành luật, hành chính, nội chính, gồm trình độ trung cấp và cao đẳng
Quyền con người đã có sự lồng ghép trong chương trình môn học pháp luật chung như bài 2 Hiến pháp; Bài 3: Pháp luật dân sự; Bài 4: Pháp luật lao động; Bài 5: Pháp luật hành chính; Bài 6: Pháp luật hình sự; Bài 8: Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chưa triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được quy định trong Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ.
2.3 Giáo dục quyền con người bậc đại học và sau đại học
2.3.1 Khối các trường không thuộc ngành luật, hành chính, nội chính
Chưa có sự lồng ghép quyền con người vào chương trình giảng dạy
2.3.2 Khối các trường luật, hành chính và nội chính
- Quyền con người đã có sự lồng ghép vào một số môn học như Luật Hiến pháp, Luật dân sự, Luật hình sự...
- Một số trường đã xây dựng môn học riêng trong chương trình đào tạo (môn học bắt buộc) như Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Kiểm sát, Đại học luật Hà nội (môn học tự chọn).
- Một số cơ sở đào tạo đã mở chương trình đào tạo thạc sĩ như Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội.
- Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hoàn thiện Đề án mở mã ngành đào tạo tiến sĩ pháp luật về quyền con người, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về cơ bản nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo chưa triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được quy định trong Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ.
2.2 Giải pháp giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay
(i) Giáo dục mẫu giáo và giáo dục phổ thông (bậc tiểu học, trung học cơ cở và trung học phổ thông);
(ii) Giáo dục dạy nghề (trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng)
(iii) Giáo dục đại học: khối các trường không chuyên luật, hành chính, nội chính và khối cách trường chuyên luật, hành chính, nội chính (cả lực lượng vũ trang), và khối các trường sư phạm.
Các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước tiến hành rà soát nội dung chương trình, thực hiện đúng lộ trình và các quy định về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân như đã được nêu trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
PGS.TS Tường Duy Kiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh