Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại và là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Trải qua hàng trăm năm tranh đấu, ngày nay, quyền của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi thế giới. Nhiều tài liệu, văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945 lần đầu tiên khẳng định sự bình đẳng về các quyền giữa phụ nữ và nam giới. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 xác lập nguyên tắc nền tảng là tất cả mọi người đều được hưởng các quyền và tự do một cách bình đẳng, không có bất cứ sự phân biệt nào về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm chính trị và các yếu tố khác (Điều 1 và Điều 2). Tiếp theo Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, nhiều điều ước quốc tế riêng đã được Liên Hợp Quốc thông qua nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em gái như: Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962… Nguyên tắc bình đẳng nam nữ cũng được khẳng định trong cả hai điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người năm 1966 là Công ước về các quyền chính trị, dân sự (ICCPR) và Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (ICESCR)…
Trong cuốn Bách khoa toàn thư thế giới về phụ nữ: Những vấn đề và tri thức toàn cầu về phụ nữ, Charlotte Bunch và Samantha Frost (2000) đã chỉ ra: “Quyền con người của phụ nữ là một thuật ngữ để chỉ các quyền của phụ nữ với tư cách là một con người và được xem xét thông qua lăng kính giới. Theo đó, quyền con người của phụ nữ được xem là tất cả các quyền con người mà nhân loại tiến bộ thừa nhận và có thêm những quyền mang đặc thù giới nữ” (Charlotte Bunch và Samantha Frost, 2000; 15). Rõ ràng, khái niệm quyền con người của phụ nữ là một khái niệm vừa tổng hợp lại vừa đặc thù, là một tập hợp quyền thống nhất, không thể chia cắt, không thể chuyển nhượng và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: “Quyền con người của phụ nữ là những đặc quyền vốn có của một con người như nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích, năng lực được thừa nhận bao gồm cả đặc thù giới và được bảo hộ bằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế” (Trần Thị Hồng Lê, 2016).
Người phụ nữ với những đặc điểm gắn liền với giới tính tự nhiên thì ngoài quyền con người nói chung, họ còn có những quyền gắn liền với thiên chức của mình như quyền làm mẹ, quyền được bảo vệ với tư cách là nhóm người dễ bị tổn thương. Tiếp cận theo hướng này (nghĩa hẹp), quyền phụ nữ bao gồm quyền bình đẳng (bảo đảm ngang quyền và cơ hội so với nam giới) và quyền ưu tiên (tạo điều kiện thuận lợi hơn so với nam giới do đặc điểm giới tính tự nhiên và do thuộc nhóm dễ bị tổn thương). Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, có thể hiểu, quyền của người phụ nữ là quyền bình đẳng, có cơ hội hưởng các quyền ngang nhau với nam giới trong mối quan hệ giữa vợ, chồng và giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở nguyên tắc dân chủ, công bằng, tôn trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ ở phạm vi gia đình, xã hội và quyền ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp công sức và thụ hưởng thành quả trong cuộc sống gia đình, xã hội. Các quyền của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình được tôn trọng, được bảo vệ và bảo đảm thực hiện bằng hệ thống các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Nguồn: http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/khai-niem-quyen-cua-phu-nu-trong-hon-nhan-va-gia-dinh/