Trong khuôn khổ đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 5/10/2018, được sự đồng ý của Giám đốc Học viện, Ban Điều hành Đề án đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Học viện tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết công tác đào tạo và đánh giá, góp ý cho khung chương trình đào tạo thạc sĩ Pháp luật về quyền con người”.
PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, Phó Trưởng ban Điều hành Đề án dự, chỉ đạo và chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo, có PGS,TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo; PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người. Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban Điều hành Đề án, đại diện một số cơ sở giáo dục có chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Pháp luật về quyền con người như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); các giảng viên của Viện Quyền con người cùng đông đảo học viên đã và đang theo học các lớp cao học Pháp luật về quyền con người.
PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên của Viện Quyền con người và các học viên đã lựa chọn chuyên ngành thạc sĩ Pháp luật về quyền con người. Viện Quyền con người được giao nhiệm vụ trực tiếp đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Pháp luật về quyền con người từ năm 2015. Sau hơn 3 năm thí điểm đào tạo, tính đến nay đã tuyển sinh được 4 khóa với tổng số gần 300 học viên. Số học viên tham gia học tập ngày càng tăng thể hiện sự quan tâm của các học viên, phản ánh nhu cầu chung của xã hội và chất lượng đào tạo của Học viện đối với chuyên ngành mới. PGS,TS Lê Quốc Lý đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận vào hai nhóm vấn đề trọng tâm, gồm chương trình đào tạo, và khung chương trình trong đó làm rõ những kết quả đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục để chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện khung chương trình cho phù hợp với đối tượng người học.
Hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận. Trong phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu đã trình bày tham luận liên quan tới tổng kết chương trình đào tạo thạc sĩ Pháp luật về quyền con người. Các tham luận đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề cụ thể, từ cơ sở lý luận và thực tiễn của chương trình đào tạo đến công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, cũng như những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo thạc sĩ Pháp luật về quyền con người trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo |
Trong phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp ý kiến đánh giá khung chương trình đào tạo thạc sĩ Pháp luật về quyền con người của Học viện. Không chỉ có các giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy, mà các học viên đang theo học các lớp cao học Pháp luật về quyền con người cũng tích cực tham gia góp ý nhằm hoàn thiện khung chương trình đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học và yêu cầu xã hội.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu chân thành, cởi mở và đầy tâm huyết của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, ý kiến của các học viên về cả chương trình đào tạo và khung chương trình đào tạo, coi đây là những đóng góp quan trọng và rất có ý nghĩa để Học viện có cơ sở đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã số cho chuyên ngành Pháp luật về quyền con người và chuẩn bị Đề án mở mã ngành đào tạo Tiến sĩ pháp luật quyền con người; đồng thời nghiên cứu sớm đề nghị Ban Giám đốc Học viện cho phép đào tạo Đại học chính trị về quyền con người trong thời gian tới.
Hội thảo kết thúc chiều cùng ngày./.
Tác giả: Tin: Lê Tùng, Viện Quyền con người; ảnh: Mạnh Thắng