Ngày 05/10/2021, Viện Quyền con người,  Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Quyền trẻ em và kinh doanh: Khuôn khổ quốc tế và việc thực hiện ở Việt Nam”.

Tới dự và phát biểu khai mạc hội thảo có đại diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký. Dưới sự chủ trì của PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Hội thảo thu hút hơn 50 nhà nghiên cứu, giảng viên trên lĩnh vực quyền con người từ các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan như: Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học An ninh nhân dân, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Công Đoàn, các Học viện trực thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đều nhất trí khẳng định sự cần thiết của vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trong kinh doanh. Hội thảo nhấn mạnh, doanh nghiệp là một chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng quyền trẻ em. Doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp khắc phục trong trường hợp gây nên những tác động tiêu cực đến quyền trẻ em khi hoạt động kinh doanh.  Việc tôn trọng này không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ em, cho cộng đồng mà còn cho cả doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, giảm rủi ro kinh doanh, bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, viêc tuân thủ  các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em được coi là một tiêu chí quan trọng đánh giá hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.

Chủ trì Hội thảo - PGS.TS Tường Duy Kiên nhấn mạnh: với sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc về lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, Hội thảo cần luận giải cơ sở, cập nhật thông tin, cung cấp kiến thức liên quan đến khuôn khổ pháp luật quốc tế, pháp luật và thực tiễn Việt Nam về quyền trẻ em trong kinh doanh. Thông qua đó, đẩy mạnh giáo dục về quyền trẻ em trong kinh doanh, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hiệu quả việc tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền trẻ em trong kinh doanh ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo tập huấn "Quyền trẻ em và kinh doanh: Khuôn khổ quốc tế và việc thực hiện ở Việt Nam"

Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm về: khuôn khổ pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em trong kinh doanh; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, của Nhà nước đối với quyền trẻ em trong kinh doanh; vấn đề lồng ghép nội dung về quyền trẻ em trong kinh doanh vào nghiên cứu, giảng dạy ở Việt Nam hiện nay.

Đại biểu thảo luận về chủ đề Hội thảo

Qua thảo luận, đa số các đại biểu đều thống nhất quan điểm về lợi ích của việc bảo vệ quyền trẻ em trong kinh doanh; trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội đối với việc bảo vệ quyền trẻ em trong kinh doanh; sự cần thiết và một số giải pháp lồng ghép hiệu quả nội dung này trong giảng dạy, nghiên cứu ở Việt Nam, nhất là trong các nhóm ngành, nhóm môn học thuộc khoa học pháp lý và quản lý kinh tế, kinh doanh thương mại, lao động...

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Tường Duy Kiên tin tưởng rằng hội thảo là hoạt động khoa học quan trọng góp phần thúc đẩy vấn đề quyền trẻ em trong kinh doanh ở Việt Nam.

Tin/ảnh: Hồng Lê-Hữu Đạt