Ngày 31/12/2019, Ban Điều hành Đề án Giáo dục quyền con người kết hợp với Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm giáo dục quyền con người trong giáo dục trung học.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, PGS TS Phạm Việt Thắng, Trưởng khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân. Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Hoàng Hùng Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật quyền con người, các giảng viên Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện giảng viên sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động khoa học của Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/9/2017.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Tường Duy Kiên nêu rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc đưa nội dung quyền con người vào trong chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt ở các cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong đó nhấn mạnh tới vai trò, ý nghĩa của giáo dục quyền con người trong việc hình thành nhân cách tốt đẹp của học sinh, từ đó tạo ra thế hệ công dân có ích cho xã hội.

Ảnh: PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người

phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS Phạm Việt Thắng, Trưởng khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân cho rằng,  việc triển khai đề án là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình của đất nước và nhu cầu đặt ra của quá trình hội nhập kinh tế  - quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và ở các trường trung học nói riêng phải có lộ trình từng bước. Thực tế ở một số nơi, nhiều chủ thể có thể nhận thức được về quyền con người, nhưng lại có những hành vi vi phạm quyền con người. Do đó, phải đặt ra những tiêu chuẩn cần đạt cho từng bước. Đặc biệt đặt trong môi trường khác biệt về văn hóa, vùng miền,kinh tế xã hội… mặt bằng về trình độ và điều kiện là khác nhau. Do đó, những gì cần thiết yếu phải được ưu tiên triển khai trước, những vấn đề mở rộng để giai đoạn tiếp theo.

Ảnh: PGS.TS Phạm Việt Thắng, Trưởng khoa Lý luận chính trị -

Giáo dục công dân phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo với nội dung thiết thực, đã được các đại biểu tham dự quan tâm, thảo luận, tập trung vào các vấn đề quan trọng:

Thứ nhất, tổng kết, đánh giá nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Trong chương trình giáo dục trung học hiện nay, quyền con người đã được lồng ghép vào một số môn học như Văn học, Lịch sử, Giáo dục công dân… Các quyền cơ bản như quyền bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng giới, bình đẳng dân tộc, tôn giáo, các quyền dân chủ… đã được đưa vào chương trình học kết hợp với giáo dục về nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm của công dân đối với xã hội.

Thứ hai, tham chiếu kinh nghiệm lồng ghép, tích hợp nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người vào cấp trung học ở một số nước trên thế giới. Đặc biệt ở những nước phát triển, có những chính sách, pháp luật hướng tới đảm bảo quyền con người trong xã hội.

Thứ ba, từ cơ sở đó, làm rõ luận cứ khoa học và thực tiễn đề xuất nguyên tắc, tiêu chuẩn và các hình thức lồng ghép, tích hợp nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục Trung học ở Việt Nam hiện nay. Việc lồng ghép, tính hợp quyền con người vào chương trình học cần phải theo từng bước, lộ trình chặt chẽ.  Đặc biệt cần lưu ý tới việc cung cấp các tri thức quyền con người đối với đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo viên trong trường học. Có ý kiến đề xuất phải đưa quyền con người là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của các trường sư phạm. Ngoài ra, để đưa vào chương trình học bậc trung học cần phải đảm bảo yêu cầu dễ đọc, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh và từng vùng miền trên cả nước.