Chiều ngày 5/11/2021, Ban điều hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chiều ngày 5/11/2021, Ban điều hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS,TS Lê Văn Lợi phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” dự và chủ trì Hội thảo; cùng chủ trì có: PGS,TS Hoàng Hùng Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người; PGS,TS Lê Văn Trung, Tổng Biên tập Tạp chí Quyền con người.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban điều hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” cho biết nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao hơn về giáo dục quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 về Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Với Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, giáo dục quyền con người trong các trường đại học cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, các trường đại học được thừa nhận là nhóm mục tiêu đích cần phải hướng đến của giáo dục quyền con người, gắn với đào tạo chuyên gia có tầm quan trọng rất lớn trong nhiều lĩnh vực, như khoa học chính trị, pháp lý; quản lý kinh tế; khoa học xã hội và nhân văn; sư phạm, y học… Đây đều là những lĩnh vực mà vấn đề quyền con người là một phần không thể tách rời, luôn đồng hành trong nghề nghiệp tương lai của các sinh viên. Vì vậy, đồng chí Lê Văn Lợi đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung chính sau đây: i) cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam; ii) đánh giá thực trạng nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam; iii) xác định yêu cầu và các quan điểm của việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam; iv) đề xuất giải pháp xác định nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các trường đại học khối chuyên luật như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, một số trường đại học thuộc Quân đội, Công an, Nội vụ…. đã làm rõ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục quyền con người tại cơ sở đào tạo của mình, từ đó đề xuất các giải pháp về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Hiện nay, trong số 93 cơ sở đào tạo luật, với quy mô đào tạo trình độ đại học là 97.617 sinh viên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo đã sớm xây dựng một số môn học về quyền con người như: “Lý luận về quyền con người”, “Bảo vệ quyền con người trong Tư pháp hình sự”, “Quyền con người trong Luật quốc tế”... Một số cơ sở đào tạo đại học đã triển khai chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành pháp luật về quyền con người hoặc đã có các nghiên cứu chuyên sâu, có các luận văn, luận án nghiên cứu về quyền con người, như Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đáng chú ý, hầu hết các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân đã lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo ở nhiều môn học khác nhau, phù hợp với đối tượng sinh viên và nội dung giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Để phục vụ công tác giáo dục về quyền con người, một số cơ sở đào tạo đại học đã sớm chú trọng xây dựng hệ thống giáo trình, học liệu, tư liệu ngày càng phong phú. Về phương pháp giáo dục, nhìn chung các trường đại học đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong việc giảng dạy các nội dung về quyền con người, từng bước tạo sự tương tác và tính chủ động cho sinh viên tham gia vào quá trình đào tạo.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Trên cơ sở việc triển khai giáo dục quyền con người ở các trường đại học những năm qua, tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế, bất cập về dung lượng khiêm tốn của các học phần về quyền con người trong các cơ sở đào tạo chuyên luật, nội dung quyền con người đang được xây dựng khá tản mát ở nhiều học phần khác nhau, chưa đảm bảo tính thống nhất trong tất cả các cơ sở đào tạo chuyên luật. Ở các trường đại học không chuyên luật, nội dung quyền con người chỉ mới được lồng ghép với dung lượng khiêm tốn ở nhiều học phần khác nhau nên chưa mang tính hệ thống.
Phương pháp giáo dục quyền con người ở các cơ sở đào tạo đại học vẫn chủ yếu là phương pháp giảng dạy đại học nói chung, chưa có những phương pháp đặc thù về quyền con người. Sinh viên chưa thật sự được tạo động lực sáng tạo, độc lập trong học tập, nghiên cứu; do đó dẫn tới việc thiếu các kỹ năng, thái độ cần thiết về bảo vệ quyền con người và tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Nguồn tài liệu học tập, tham khảo, giáo trình và hệ thống học liệu về quyền con người tại hầu hết các trường đại học vẫn còn rất thiếu thốn, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người học tiếp cận, khai thác, vận dụng trong học tập, nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên, kể cả ở các cơ sở đào tạo chuyên luật chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về quyền con người cũng như trang bị kỹ năng giảng dạy về lĩnh vực đặc thù này. Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giáo dục quyền con người chưa được chú trọng và tổ chức triển khai bài bản, thường xuyên.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Theo các nhà khoa học tham dự Hội thảo, việc tập trung vào quan điểm, kiến thức, thái độ và kỹ năng giải quyết vấn đề quyền con người của người học phải được coi là một nhiệm vụ trung tâm của xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học, hướng đến dân chủ, phát triển bao trùm, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này trong những bối cảnh đa dạng và có nhiều thách thức, cần có căn cứ vững chắc về lý luận, thực tiễn, cùng với tầm nhìn tích cực hơn về mô hình trường đại học có chất lượng để xác định nội dung giáo dục quyền con người theo những tiêu chí khoa học, phù hợp; đẩy mạnh việc triển khai phương pháp giáo dục và học tập mới về quyền con người; tôn trọng giá trị của tự do học thuật, thảo luận; tính đa dạng về giới, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp và sự bình đẳng; đồng thời xây dựng chế độ trách nhiệm rõ ràng đối với từng chủ thể trong giáo dục quyền con người tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay./.
Tác giả: Tin: M.h; ảnh: Đức Mạnh
Nguồn: https://hcma.vn/khoa-hoc-thong-tin-tu-lieu/pages/nghien-cuu-khoa-hoc.aspx?ItemID=31782&CateID=88