Sáng ngày 29-10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đề án giáo dục quyền con người đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chia sẻ thông tin giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân”. PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Điều hành Đề án dự và chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người-Ủy viên thường trực Ban Điều hành Đề án; PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng vụ Quản lý khoa học- Uỷ viên thường trực Ban Điều hành Đề án; cùng đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và một số cơ sở đào tạo trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Điều hành Đề án khẳng định, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, giáo dục, đào tạo về quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu, cần được ưu tiên và đi trước. Giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.
PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban Điều hành Đề án giáo dục quyền con người phát biểu khai mạc Hội thảo |
PGS.TS Lê Văn Lợi cũng nhấn mạnh rằng, việc thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44/CT-TW ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Công tác Nhân quyền trong tình hình mới, thực hiện Hiến pháp năm 2013, các điều ước quốc tế về quyền con người, mà còn triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là quan điểm coi con người, quyền con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, đẩy mạnh giáo dục quyền con người vì thế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo đã nhận được gần 20 bài tham luận đến từ các nhà quản lý, nhà khoa học và các giảng viên, giáo viên trực tiếp quản lý, nghiên cứu, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, bao gồm các trường trong quân đội, công an, các trường đại học, cao đẳng chuyên luật và không chuyên luật, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở… qua đó những kinh nghiệm, thực tiễn công tác giảng dạy về quyền con người đã được chia sẻ thẳng thắn, cởi mở. Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở các đơn vị quản lý cũng như các cơ sở đào tạo được nhận diện có nhiều điểm chung, có thể kể đến là: (1) Dung lượng kiến thức về giáo dục quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các cơ sở đào tạo còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới; (2) Chưa có một chương trình chi tiết về giáo dục quyền con người thống nhất trong các cơ sở đào tạo; (3) Việc đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giảng dạy còn tùy thuộc vào nhận thức về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi đơn vị; (4) Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, người học chưa được trang bị kiến thức cơ bản về giáo dục quyền con người; (5) Tài liệu giảng dạy, học tập ở các cơ sở đào tạo còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục quyền con người ....
Từ các vấn đề đó, Hội thảo đã trao đổi, thảo luận thống nhất đưa ra một số kiến nghị, giải pháp khắc phục các nguyên nhân, hạn chế đã được nhận diện, từ việc nâng cao nhận thức của các cấp có thẩm quyền, các chủ thể liên quan; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ giảng dạy quyền con người; cho tới vấn đề về chương trình, giáo trình, học liệu… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người trong tất cả các hệ lớp, trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Kết thúc Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện đã thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, biểu dương sự nhiệt tình tham dự hội thảo của các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, giáo viên. Đồng chí bày tỏ sự tin tưởng rằng, để đạt được mục tiêu, nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp tích cực của chính các thầy cô, các nhà khoa học tham dự Hội thảo./.
Tin tức/Hình ảnh: Thế Anh/ Hữu Đạt