Ngày 21 và 22/10/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II, Viện Quan hệ đối ngoại (Bộ Ngoại giao Đức) và Quỹ Hợp tác pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp Đức) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo đảm quyền trẻ em và quyền của người chưa thành niên trong tư pháp hình sự: Kinh nghiệm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc tại Đức và Việt Nam”.
Dự Hội thảo, các quan chức, chuyên gia đến từ Đức có: bà Josefine Wallat, Tổng lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh; bà Nicole Zintel, Văn phòng Quỹ Hợp tác pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Đức; bà Annette Eisenhardt, LL.M, Thẩm phán Tòa án quận Berlin-Tiergarten; ông Lukas Pieplow, Luật sư hình sự tại Công ty luật Esche & Partner ở Cologne; TS Michael Sommerfeld, Giảng viên Luật Hình sự tại Đại học Freie ở Berlin, Quan chức Chính phủ tại Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức.
Về phía Việt Nam có: TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng một số giảng viên trong Viện; giảng viên, nghiên cứu viên và đại diện học viên các lớp Cao cấp lí luận chính trị hệ tập trung của Học viện Chính trị khu vực II.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II khẳng định: Theo Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, nghĩa vụ của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Những nguyên tác hiến định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 đã được thể chế hóa trong các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong đó có nhiều quy định dành sự quan tâm cho đối tượng là trẻ em và người chưa thành niên. Lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em cũng là nguyên tắc được quan tâm hàng đầu xuyên suốt chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam đối với trẻ em và người chưa thành niên. TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế đã kí kết trên lĩnh vực quyền con người, đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước.
Trong ngày làm việc thứ nhất của Hội thảo, các chuyên gia đến từ Đức đã trình bày các nội dung: Những đặc điểm cơ bản của luật hình sự về người chưa thành niên Đức theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; Xử phạt trong luật hình sự về người chưa thành của Đức/Phương pháp thẩm vấn thân thiện với trẻ; Vai trò của hỗ trợ tòa án vị thành niên, hỗ trợ quản chế và các tổ chức tình nguyện trong tố tụng hình sự người chưa thành niên: các trường hợp nghiên cứu cụ thể. Trong khi đó, các nội dung được tham luận tại hội thảo của một số nhà khoa học Việt Nam gồm: Nguyên tắc chung trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người chưa thành niên; Tòa án gia đình và người chưa thành niên: Lý luận và thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo đảm quyền con người trong quyết định hình phạt đối với bị cáo dưới 18 tuổi từ thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp tục chương trình của Hội thảo, trong ngày làm việc thứ hai, các chuyên gia đến từ Đức trình bày những nội dung: Phòng vệ trong các vụ án hình sự về người chưa thành niên: Phòng vệ chính đáng, vai trò của luật sư bào chữa; Thực hiện các yêu cầu pháp lí của châu Âu và các phát triển hiện hành trong luật hình sự với người chưa thành niên của Đức; Quyền của nạn nhân và tố tụng hình sự với người chưa thành niên: Hành vi vô ý, hỗ trợ tâm lý xã hội trong các phiên tòa hình sự…; Sự phát triển gần đây trong chính sách hình sự: Hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ quản chế như chăm sóc đặc biệt, “ngôi nhà công lí với người chưa thành niên”.Tham luận và trao đổi tại Hội thảo, các nhà khoa học của Việt Nam nêu ra vấn đề: Lý luận và thực tiễn thực hành quyền công tố trong các vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
Hội thảo đã thành công tốt đẹp trên tinh thần trao đổi cởi mở, thân thiện, với nhiều chia sẻ sâu sắc về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở Đức và Việt Nam./.
Nguồn: www.hcma2.hcma.vn