Chiều ngày 10/1/2022, Tạp chí Pháp luật về quyền con người tổ chức Hội nghị cộng tác viên thường niên năm 2021. PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học, các cộng tác viên thân tín của Tạp chí.

Toàn cảnh hội nghị

Tạp chí Pháp luật về quyền con người (Tạp chí) là cơ quan ngôn luận khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; là địa chỉ uy tín để trao đổi, phổ biến tri thức khoa học về lý luận và pháp luật trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực quyền con người. Trong những năm qua, Tạp chí đã góp phần công bố, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học của cá nhân và các tổ chức, cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước; các công trình nghiên cứu của giảng viên, cán bộ, học viên Viện Quyền con người liên quan đến lĩnh vực quyền con người; góp phần khuyến khích phát triển công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học phục vụ cho mục tiêu đào tạo, nghiên cứu giảng dạy của Viện Quyền con người và các đơn vị khác thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các sự kiện nổi bật: năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, năm đầu tiên cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 cũng đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Tạp chí đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng; đặc biệt là đã bổ sung chuyên mục mới về Thực hiện Nghị quyết Đảng lần thứ XIII, đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về quyền con người.

Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, năm 2021, Tạp chí xuất bản được 06 số (bao gồm 1 số chuyên đề và 1 số tiếng Anh) đúng định kỳ, kịp thời phục vụ bạn đọc trong và ngoài Học viện.

PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội nghị

Về nội dung, bên cạnh đăng tải các bài viết nghiên cứu lý luận, pháp luật và thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, các số định kỳ năm 2021 đã có nhiều bài viết gắn với nghiên cứu, vận dụng nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như một số bài viết tham gia trực tiếp vào việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người.

Công tác phản biện, biên tập được triển khai bài bản, khoa học, thu hút được đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu quyền con người tham gia. Trong đó, các thành viên của Hội đồng biên tập không chỉ tham gia định hướng phát triển cho Tạp chí mà còn chủ động, tích cực phản biện, thẩm định để nâng cao chất lượng các bài viết. Đội ngũ cộng tác viên từng bước được mở rộng. Công tác phát hành từng bước được cải tiến để phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn… Đây là những kết quả rất quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế khoa học của Tạp chí Pháp luật về quyền con người trong hệ thống tạp chí khoa học của Việt Nam, thể hiện qua việc Tạp chí tiếp tục được Hồi đồng Giáo sư ngành Luật học đưa vào danh mục các tạp chí uy tín được tính điểm công trình khoa học từ 0-0,5 điểm.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu, cộng tác viên đánh giá cao phương thức làm việc chuyên nghiệp của Tạp chí, từ khâu nhận bài, thẩm định và thông báo cho tác giả. Đồng thời hy vọng, Tạp chí sẽ tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích, là tạp chí chuyên ngành về pháp luật quyền con người, đăng tải nhiều hơn các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp luật quyền con người.

Về chủ đề bài viết năm 2022, nhìn chung, các ý kiến đồng ý với các chủ đề mà Tạp chí đưa ra như: hệ thống Chuyên mục “Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, chú trọng triển khai các bài viết trực tiếp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực dân chủ và quyền con người, v.v… Về công tác biên tập, phản biện, các ý kiến cho rằng, Tạp chí cần huy động rộng rãi hơn sự tham gia phản biện, biên tập của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là của một số nhà khoa học nước ngoài, trước hết là đối với số tiếng Anh.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn sự quan tâm, đóng góp, đồng hành của các nhà khoa học trong Hội đồng giáo sư ngành Luật học, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, các cộng tác viên đối với sự trưởng thành và phát triển của Tạp chí Pháp luật về quyền con người. “Các đồng chí chính là điểm tựa và cũng là sợi dây kết nối những thành công của Tạp chí trong năm qua, góp phần quan trọng tạo nên vị thế và uy tín của một tạp chí khoa học chuyên ngành”, PGS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh trong phát biểu.

Đối với kế hoạch hoạt động năm 2022 và những năm tới, PGS,TS Lê Văn Lợi đề nghị Tạp chí cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao vị thế và uy tín của một cơ quan ngôn luận mang tính chất chuyên sâu về quyền con người.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, bảo đảm cập nhật kịp thời những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quyền con người; bám sát nhiệm vụ chính trị, lý luận của toàn Đảng, chú trọng tổng kết lý luận và thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời, cần chú trọng bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện.

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là xu thế chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, Tạp chí cần phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới về cả mô hình và quy trình xuất bản nhằm tăng cường hiệu ứng lan tỏa của Tạp chí. Tiếp tục đổi mới hướng tới xây dựng Tạp chí Pháp luật về quyền con người theo hướng đạt chuẩn khu vực và quốc tế; vận hành có hiệu quả Tạp chí Pháp luật về quyền con người điện tử để phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí hiện nay, đáp ứng yêu cầu của độc giả trong bối cảnh mới.

Để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trên, đồng chí Phó Giám đốc Học viện đề nghị Tạp chí cần tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng lưới cộng tác viên đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Có cơ chế thu hút các cộng tác viên có uy tín tham gia viết bài, phản biện bài viết; phát huy vai trò trách nhiệm của Hội đồng biên tập trong thẩm định, góp ý tin bài và định hướng cho sự phát triển của Tạp chí. Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy của Tạp chí để đủ năng lực đảm đương các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tác giả: Tin: BT; ảnh: Đức Mạnh

Nguồn: https://hcma.vn/tintuc/pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemID=32038&CateID=240