Chiều ngày 14/1/2020 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,  Ban Điều hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu, khảo sát thực trạng giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay.

Tham dự Hội nghị có PGS.TS Tường Duy Kiên, Ủy viên thường trực Ban Điều hành Đề án, Viện trưởng Viện Quyền con người, các ủy viên Ban Điều hành đề án,  thư ký Ban Điều hành đề án, đại diện lãnh đạo một số đơn vị tại Trung tâm Học viện, các cộng tác viên tham gia nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát đến từ các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đánh giá về những kết quả đạt được, PGS.TS Tường Duy Kiên đã khẳng định, việc tổ chức nghiên cứu, khảo sát trong hai năm 2018 - 2019 được tiến hành bài bản, quy củ, thực chất và đem lại những kết quả đáng trân trọng. Nhiệm vụ đã huy động được sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, từ các chuyên gia xã hội học trong nước xây dựng bộ công cụ khảo sát cho đến số lượng lớn các thành viên từ các Bộ, các cơ quan liên quan, với sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành tại các địa phương. Những dữ liệu thu thập từ các đoàn khảo sát được phân tích cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác.

Ảnh 1. PGS.TS Tường Duy Kiên phát biểu khai mạc Hội nghị

TS Lưu Hồng Minh, Trưởng Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã báo cáo về tình hình triển khai và những kết quả đạt được của nhiệm vụ. Theo đó, nhiệm vụ đã xây dựng Bộ công cụ khảo sát gồm 13 phiếu hỏi và 05 khung phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm được chia theo từng nhóm đối tượng. Nghiên cứu, khảo sát được tiến hành ở 04 Bộ và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được chọn lựa đại diện cho từng vùng, miền, khu vực trong cả nước. Gần 10.000 phiếu khảo sát, 300 cuộc phỏng vấn sâu, 50 cuộc thảo luận nhóm, 22 tọa đàm và hàng loạt tài liệu liên quan thu thập được đã được xử lý, tiến hành phân tích số liệu và từ đó đưa ra được bức tranh khái quát từ nhu cầu, nhận thức, mục tiêu của các nhóm đối tượng cho tới thực trạng giáo trình, chương trình, giáo khoa, học liệu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, giáo viên phục vụ cho giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay.

Đại diện cho nhóm chuyên gia thực hiện nhiệm vụ khảo sát, PGS.TS Nguyễn Chí Dũng đã trình bày các khuyến nghị về việc đưa giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân. Nhiệm vụ đã đề xuất năm nhóm khuyến nghị: Một lại, Nhóm khuyến nghị, giải pháp về xây dựng khung chương trình, giáo trình tài liệu, học liệu về quyền con người; Hai là, Nhóm khuyến nghị, giải pháp về xây dựng khung chương trình, giáo trình tài liệu, học liệu về quyền con người; Ba là, Nhóm khuyến nghị, giải pháp về nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về quyền con người; Bốn là, Nhóm khuyến nghị, giải pháp về nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về quyền con người; Năm là, Nhóm khuyến nghị, giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục quyền con người. Đồng thời, nhiệm vụ cũng đã đưa ra được những giải pháp cụ thể để thực hiện được từng nhóm khuyến nghị đó.

Ảnh 2. PGS.TS Nguyễn Chí Dũng, Viện Quyền con người báo cáo các khuyến nghị về việc đưa giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân

Tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình và chúc mừng thành công của nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát. Một số đại biểu là thành viên trực tiếp, tham gia các đoàn khảo sát tại các địa phương cũng đã phát biểu vui mừng với những kết quả đạt được.   

Ảnh 3. Thiếu Tướng, TS Nguyễn Văn Ly, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an

Ảnh 4.Đại tá Nguyễn Tất Thành, Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng

Ảnh 5. TS Nguyễn Hải Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội

Ảnh 6. TS Bùi Việt Hùng, Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ảnh 7. Các đại biểu dự Hội nghị

Tin bài: Thế Anh. Ảnh: Hữu Đạt