Sáng 22/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương và nhân dân mà trực tiếp là mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư. Điều đó được thể hiện nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong các văn bản của Nhà nước đã thể chế hóa, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và phòng, chống bạo lực trẻ em.
Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em được quan tâm hơn. Việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh…
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, nhất là bạo lực đối với trẻ em. Nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân, người ruột thịt trong gia đình gây ra...
Trên tinh thần dân chủ, xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan chức năng, các đại biểu nêu các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực ở trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Đó cũng là thể hiện quan điểm nhất quán, trách nhiệm thường xuyên, liên tục của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em.
Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Bộ LĐTB&XH cho biết trong năm 2021, Bộ LĐTB&XH đã chủ động tham mưu, đôn đốc và điều phối các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí; kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng...
Kịp thời phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết vụ việc về bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch bệnh COVID-19.
Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng, của cơ quan truyền thông trong thông tin và chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bộ LĐTB&XH và các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội có sự phối hợp, hợp tác tốt trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác bảo vệ trẻ em, nhất là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức.
Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa tốt. Vẫn còn một bộ phận thờ ơ, vô cảm, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em.
Các kênh thông tin, truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng, mạng xã hội vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và tập trung đưa quá nhiều, khai thác chi tiết về một số vụ việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được trong thời gian qua.
Việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em.
Phát biểu thảo luận, nhiều ý kiến đã làm rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; sự phối hợp giữa các Bộ: LĐTB&XH, Y tế, GD&ĐT, Tư pháp trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Về giải pháp, các đại biểu đề xuất tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cùng với việc xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.
Nguyễn Hoàng
Nguồn: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-va-thuc-hien-tot-hon-nua-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-bao-luc-tre-em-102220222103313338.htm