Với chính sách nhất quán trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UPR) qua cả 3 Chu kỳ. Việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận tuy không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện cam kết, nỗ lực của mỗi quốc gia trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đối với Việt Nam, việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị UPR cũng tác động tích cực đến tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người.
Kết thúc Phiên đối thoại trước Hội đồng Nhân quyền vào tháng 1-2019, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 quốc gia. Tháng 7-2019, tại khóa họp lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã chính thức công bố việc chấp thuận 241/291 khuyến nghị (chiếm 83%). Các khuyến nghị UPR rất đa dạng và bao trùm nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của tất cả các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Do vậy, để bảo đảm triển khai hiệu quả các khuyến nghị UPR chu kỳ III, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31-12-2019 phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Bộ Tư pháp được phân công thực hiện 76 khuyến nghị, trong đó chủ trì thực hiện 28 khuyến nghị và phối hợp thực hiện 48 khuyến nghị. Các khuyến nghị này tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là: (i) Hoàn thiện pháp luật, thể chế về quyền con người; (ii) Chính sách bảo đảm các quyền dân sự, chính trị; (iii) Hợp tác quốc tế liên quan đến cải cách tư pháp.
Nhóm vấn đề “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người”
Bộ Tư pháp được giao chủ trì thực hiện 15 khuyến nghị và phối hợp thực hiện 13 khuyến nghị. Các khuyến nghị chủ yếu liên quan đến đẩy nhanh tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm quyền tiếp cận công lý. Do đây là những khuyến nghị đòi hỏi thời gian và nỗ lực nên việc thực hiện các khuyến nghị đang trong quá trình triển khai với những kết quả bước đầu.
Thứ nhất, với nhóm nội dung “Cải cách pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” (các khuyến nghị số 53, 59, 60, 62, 81, 109, 153, 154, 156, 159, 160, 162): Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện, trong đó có các dự án luật nhằm triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Từ năm 2019 đến tháng 6-2021, Quốc hội thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đối với khuyến nghị về “Xây dựng Luật chống phân biệt đối xử”, Việt Nam đã đưa nhiệm vụ này vào Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về việc tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền (sau đây gọi là Kế hoạch ICCPR) với thời hạn thực hiện là năm 2022.
Thứ hai, về nội dung “Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được đóng góp trong quá trình dự thảo và xây dựng văn bản pháp luật” (khuyến nghị 61): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã bổ sung nội dung quy định rõ hơn trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong trường hợp Mặt trận tổ chức phản biện xã hội thì văn bản phản biện là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phản biện xã hội nhiều dự thảo luật, dự thảo báo cáo quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phản biện xã hội những dự thảo văn bản liên quan đến chính sách, việc làm của Thanh niên; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phản biện dự thảo liên quan đến chính sách nông dân, nông thôn…
Thứ ba, về nhóm nội dung “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự” (khuyến nghị số 155, 217, 225): Việc thực hiện các nhóm nội dung này cần nhiều nguồn lực, thời gian và quá trình tổng kết thi hành pháp luật và có mối liên hệ mật thiết với các khuyến nghị Việt Nam nhận được theo Công ước ICCPR. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện khuyến nghị như: Nghiên cứu khả năng sửa đổi và đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự về hình phạt tử hình (khuyến nghị số 146, 291), tư pháp hình sự (khuyến nghị số 155), và phòng chống bạo lực giới và mua bán người (khuyến nghị số 217, 225) đã được đưa vào Kế hoạch ICCPR với thời hạn kết thúc vào năm 2022. Trong khuôn khổ hợp tác với UN Women, Bộ Tư pháp Việt Nam đã xây dựng tài liệu và tổ chức các cuộc tập huấn hướng dẫn thi hành quy định pháp luật hình sự và tố tụng hình sự liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ cho cán bộ tư pháp làm công tác thực tiễn trong năm 2019 và 2020. Đồng thời, tổ chức một số hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố về các quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhóm vấn đề “Chính sách bảo đảm các quyền dân sự và chính trị”
Thứ nhất, về quyền được trợ giúp pháp lý (khuyến nghị 161): Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL, các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là chú trọng vào vụ việc tham gia tố tụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL trên toàn quốc. Từ năm 2019 đến hết năm 2020, các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc đã hoàn thành 61.705 vụ việc (trong đó tham gia tố tụng 29.611 vụ việc) cho 61.705 lượt người (trong đó có 17.964 người dân tộc thiểu số, 9.929 người nghèo, 607 người thuộc hộ nghèo, 21.484 phụ nữ, 6.230 trẻ em, 4.088 người khuyết tật, 3.262 người cao tuổi và 10 nạn nhân của hành vi mua bán người). Sáu tháng đầu năm 2021, cả nước đã tiếp nhận, thực hiện 25.714 vụ việc TGPL, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là 22.837 vụ việc (chiếm gần 88,81% tổng số vụ việc, tăng hơn 30,2% so với cùng kỳ năm 2020). 100% các vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu thì Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh cử luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng. Nhìn chung, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng và tham gia tố tụng đã có nhiều chuyển biến; hoạt động truyền thông về công tác TGPL có nhiều đổi mới, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân để biết và thực hiện quyền được TGPL theo quy định.
Thứ hai, về quyền có quốc tịch (khuyến nghị số 289): từ năm 2019 đến hết tháng 4-2021, để giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của người không quốc tịch, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước xem xét, cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 16 trường hợp người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp, trong đó có hơn 40 địa phương đã thực hiện kết nối Phần mềm này với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố để thực hiện liên thông thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh - cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi).
Thứ ba, về bảo vệ một số quyền dân sự và chính trị theo quy định của Công ước ICCPR (khuyến nghị số 163, 179, 181, 192, 197, 198, 200). Các khuyến nghị tập trung vào một số quyền được đề cập tại Công ước ICCPR như quyền tiếp cận thông tin; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp hòa bình,... Việc thực hiện các khuyến nghị này có sự gắn kết chặt chẽ với việc triển khai Kế hoạch ICCPR và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Về công tác xây dựng pháp luật: Để bảo đảm tốt hơn hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, đảm bảo môi trường thông tin mạng lành mạnh, an toàn và đấu tranh chống tin giả, tin xấu độc trên Internet, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử...
Về công tác tổ chức thi hành pháp luật: Việt Nam được đưa vào nhóm phát triển con người cao với Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,704. Từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, môi trường báo chí, thông tin tại Việt Nam đang phát triển tích cực, tính đến tháng 12-2020, số người sử dụng in-tơ-nét là khoảng 68 triệu người (tăng khoảng hơn 11 triệu người so với năm 2017); số người sử dụng in-tơ-nét trong số 100 dân là 68,70. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ người dân tộc thiểu số truy cập in-tơ-nét ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ gián tiếp tại các trường học, bệnh viện với thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại là 5.435 điểm. Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng in-tơ-nét mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%. Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng các phóng sự bằng tiếng dân tộc thiểu số để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị. Điều này đã giúp người dân Việt Nam được tiếp cận thông tin một cách rộng rãi, nhanh chóng và có điều kiện thuận lợi thực hiện quyền tự do biểu đạt trong nhiều vấn đề.
Thứ tư, về hợp tác quốc tế liên quan đến cải cách tư pháp (khuyến nghị 20): công tác hợp tác quốc tế về pháp luật trong thời gian qua đã được triển khai một cách sáng tạo, chủ động và thích ứng với tình hình thế giới và trong nước.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức các Diễn đàn đối tác pháp luật, Phiên thảo luận về hoàn thiện và thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể với sự tham gia rộng rãi của đại biểu trong nước và quốc tế. Việc tổ chức các Diễn đàn đã giúp chia sẻ thông tin, thành tựu nổi bật về các hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Có thể khẳng định, thực hiện Quyết định 1975 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đã nỗ lực thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế UPR chu kỳ III. Đây không chỉ là những cam kết của Việt Nam mà trên hết xuất phát từ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.
Thực hiện các khuyến nghị số 53, 59, 60, 62, 81, 109, 153, 154, 156, 159, 160, 162 về cải cách pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ năm 2019 đến tháng 6-2021, Quốc hội đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. |
ThS. Nguyễn Linh Kha
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2021/16251/hoan-thien-the-che-phap-ly-ve-quyen-con-nguoi-theo-khuyen.aspx