Tiếp tục nội dung chương trình Hội thảo định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, chiều 04/9, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu tập trung thảo luận nội dung Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì hội thảo.

http://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/b%C6%B0h.jpg?RenditionID=6

Toàn cảnh Hội thảo

Cho ý kiến tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, thành tựu tổng quát trên lĩnh vực pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công đân đó là Hiến pháp năm 2013 cột mốc đánh dấu quá trình hình thành và phát triển tư duy chính trị, pháp lý về quyền con ngừoi, quyền công dân theo các tư tưởng chỉ đạo của Cương lĩnh, Nghị quyết 48 và các Nghị quyết của Đảng về phát huy nhân tố con người, coi con người là mục tiêu là nguồn lực của sự phát triển. Dựa trên các tư duy chính trị - pháp lý mới về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013; các đạo luật, bộ luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời các tư tưởng tiến bộ đó. Trong hầu hết các bộ luật, các đạo luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 đến nay đã bước đầu quan tâm đến quy định trong luật các giới hạn của quyền, nội dung và phạm vi của các quyền được mở rộng và được quy định chính xác, đầy đủ hơn. Trách nhiệm của nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân được đề cao; khắc phục được nhiều hạn chế, không phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế như quyền sở hữu tư nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật,…

Bên cạnh việc phân tích những thành tựu đạt được, GS.TS Trần Ngọc Đường cũng chỉ rõ những hạn chế cơ bản về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân ở nước ta như: Các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp ghi nhận chưa được thể chế hóa đầy đủ để đảm bảo thực hiện trên thực tế; Pháp luật về chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, nhất là bảo hộ các quyền của công đân trước các cơ quan tư pháp nói riêng chưa được bảo đảm; Pháp luật về thủ tục thực hiện các quyền công dân còn nặng quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền nhất là thực hiện các quyền trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, dân sự;…

Từ thực tiễn nêu trên, GS.TS Trần Ngọc Đường cũng kiến nghị một số giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức về những nội dung và tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những nội dung mới chỉ đạo quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người, quyền công dân nói riêng mà Nghị quyết 48 chưa đề cập đến như chủ quyền nhân dân; kiểm soát quyền lực nhà nước; nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước một cách trực tiếp, giám sát và phản biện xã hội;…

http://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/v%C5%A9%20c%C3%B4ng%20giao%20ok.jpg?RenditionID=6

PGS.TS Vũ Công Giao, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho ý kiến về nội dung hoàn thiện pháp luật về quyền dân sự, chính trị ở nước ta hiện nay

Cũng cho ý kiến về quyền con người, quyền công dân, PGS.TS Vũ Công Giao, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quyền con người, quyền công dân là một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm đề cập một cách đặc biệt trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, và cụ thể là trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ nay đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Thêm vào đó, từ những diễn giải trong Nghị quyết, có thể thấy rằng các quyền dân sự, chính trị được xem là trọng tâm cần được thúc đẩy trong thời gian tới.

Từ việc phân tích và nêu một số nhận định, đánh giá về việc thực hiện các quan điểm, chủ trưởng của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị trong Nghị quyết số 48, PGS.TS Vũ Công Giao đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thực thi các quan điểm, chủ trương đó trong thời gian tới. Một trong những biện pháp cụ thể được nhấn mạnh là cần đổi mới tư duy về dân chủ. Không thể đổi mới thực sự, và thực hiện một cách thực chất tư duy pháp lý mứoi về nhân quyền nếu không đổi mới tư duy về dân chủ. Một trong những yêu cầu đổi mới tư duy về dân chủ là tạo ra các diễn đàn cho người dân và cán bộ bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến giải quyết các vấn đề đặt ra của đất nước, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền.

http://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/%C4%91%E1%BA%B7ng%20%C4%91%C3%ACnh%20luy%E1%BA%BFn%20(1)%20ok.jpg?RenditionID=6

Ths. Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho ý kiến về nộ dung hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân.

Phân tích về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân, Ths. Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng các quy định của pháp luật về quyền giám sát, hình thức, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, của công dân là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan dân cử, công đân thực hiện các hoạt động giám sát. Tuy nhiên, bên cạnh dó thì các quy định của pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân củ, của công dân vẫn còn có những hạn chế, bất cập mà cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho ý kiến về Nghị quyết số 48/NQ-TW sau 15 năm thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đa số ý đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Nghị quyết số 48 đem lại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại trong quá trình thực hiện.

Phân tích những nhược điểm và thiếu sót trong thực hiện Nghị quyết, PGS.TS Chu Hồng Thanh, nguyên giảng viên cao cấp, Khoa Luật Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ; cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện; tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. PGS. TS Chu Hồng Thanh cũng đưa ra một số điểm về tư duy và phương pháp luận để tiếp cận tinh thần Nghị quyết số 48 và kết quả thực hiện Nghị quyết.

Góp ý vào nội dung Hội thảo, Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Rà soát văn bản pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, để tổng kết và mở ra một hướng đi mới, cần bám sát đánh giá 6 lĩnh vực trong Nghị quyết số 48. Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần phải dựa trên nền tảng Hiến pháp 2013; không chỉ xây dựng, hoàn thiện pháp luật mà cần đặt trọng tâm cả vấn đề thực thi pháp luật.

http://quochoi.vn/content/tintuc/PublishingImages/pct%20uong%20chu%20luu%20ok%20(2).jpg?RenditionID=6

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên thứ 2 Hội thảo

Kết thúc phiên thứ 2 của Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đánh giá cao những ý kiến phát biểu sôi nổi, sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn tại Hội thảo. Qua hơn 15 ý kiến phát biểu, có thể thấy, hầu hết các đại biểu đều khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn dài hạn của Nghị quyết 48-NQ/TW. Nghị quyết số 48 – NQ/TW đã mang lại những cải cách quan trọng, đáng ghi nhận trong xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trong thời gian này cũng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, các đại biểu đã có những kiến nghị cụ thể nhằm định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để phục vụ quá trình Tổng kết Nghị quyết số 48 – NQ/TW của Bộ Chính trị.

Sáng 05/9, Hội thảo tiếp tục làm việc phiên thứ 3 với nội dung Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn: http://quochoi.vn/gioithieu/caccoquanquochoi/caccoquancuaUBTVQH/Pages/vien-nghien-cuu-lap-phap.aspx?ItemID=41694