hiều 19/3, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị Ban Điều hành Đề án "Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân" (Đề án).
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Đề án có quy mô tầm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo, do đó cần có sự thống nhất trong cách tiếp cận triển khai của các cơ quan tham gia.
Các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp công tác chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong triển khai.
Việc xây dựng nội dung chương trình, tài liệu cần chú ý phân biệt rõ đào tạo, bồi dưỡng về quyền con người trong các trường chuyên ngành về luật với giáo dục phổ thông cũng như các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
"Giáo dục quyền con người phải làm thường xuyên, có cập nhật, bổ sung kiến thức. Trong bối cảnh mới, nhận thức mới, tư duy lý luận về vấn đề quyền con người cũng ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao. Trên cơ sở đó, việc xây dựng chương trình đào tạo, nội dung lồng ghép cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng gắn với thực hành, công việc cụ thể của từng nhóm đối tượng giáo dục", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Đến nay, các cơ quan tham gia Đề án đã thực hiện nhiều nội dung nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã ban hành khung nội dung giáo dục, biên soạn tài liệu hướng dẫn, tập huấn về công tác giảng dạy quyền con người ở cấp tiểu học, trung học và trung học phổ thông.
Đối với bậc đại học, Bộ GD&ĐT đã xây dựng trang web phục vụ cho công tác truyền thông, cung cấp tài liệu giáo dục về quyền con người ở các cấp học. Hiện Bộ đang tổ chức hoàn thiện, nghiệm thu dự thảo tài liệu về quyền con người phục vụ công tác giảng dạy trình độ đại học đối với tất cả các ngành đào tạo chuyên và không chuyên về lĩnh vực pháp luật, dành cho trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Đáng chú ý, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mở 2 chương trình đào tạo thạc sỹ về quyền con người (năm 2013); đưa môn học về quyền con người vào chương trình chính thức đào tạo Cử nhân ngành Luật (năm 2015).
Việc triển khai thực hiện Đề án thời gian qua đã thu hút được sự chú ý của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng; hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam như Báo cáo Rà soát Định kỳ phổ quát cũng như trong các cuộc đối thoại về quyền con người giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác, góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế...
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành tham gia Ban Điều hành và phối hợp công tác đã tập trung phân tích, đánh giá một cách toàn diện, thẳng thắn những kết quả đạt được của toàn bộ Đề án thời gian qua trên các phương diện: Tiến độ thực hiện, chất lượng nhiệm vụ, và kết quả ứng dụng trong thực tiễn. Các bộ, ngành tham gia Đề án đã bước đầu nhận thức được sự cần thiết, lợi ích cũng như trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo,…
Các ý kiến đề xuất tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện Đề án; xác định rõ các nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành; cần có sự theo dõi sát sao, dành nguồn lực để bảo đảm tiến độ theo quy định.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Đề án có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, với tư tưởng xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Những quyền cơ bản của con người đã được thể hiện trong Hiến pháp, các bộ luật, luật chuyên ngành, cam kết của Việt Nam đối với các hiệp định, điều ước quốc tế…
Đề án đã hệ thống hoá các kiến thức phổ quát về quyền con người đã được thừa nhận, công nhận trên toàn thế giới, không chỉ đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân, mà còn nâng cao nhận thức của những người làm việc trong hệ thống lập pháp, tư pháp, hành pháp. Từ đó, góp phần tiếp tục luật hoá các quyền của con người, đấu tranh, phản bác lại những luận điệu phản động, sai trái về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, cần có hình thức lồng ghép nội dung giáo dục về quyền con người phù hợp với từng độ tuổi, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, và những lĩnh vực đặc thù chuyên ngành lập pháp, tư pháp, hành pháp.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, đánh giá, nắm vững thực tế, luật hoá những vấn đề liên quan đến quyền con người; mở rộng phạm vi triển khai đề án; xây dựng cẩm nang, cơ sở dữ liệu về quyền con người…
Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường truyền thông, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người, cũng như quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Minh Khôi
Nguồn: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-nang-cao-tu-duy-ly-luan-ve-quyen-con-nguoi-trong-boi-canh-moi-nhan-thuc-moi-102240319183419228.htm