HIẾN CHƯƠNG LIÊN HỢP QUỐC, 1945

(Trích các quy định liên quan đến nhân quyền)

Điều 1.

Mục đích của Liên Hợp Quốc là:

1. Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe doạ hoà bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; dàn xếp hoặc giải quyết các tranh chấp hoặc tình thế có tính quốc tế có thể dẫn đến việc phá hoại hoà bình bằng phương pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế;

2. Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hoà bình thế giới;

3. Đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc nhân đạo, và thúc đẩy, khuyến khích việc tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo; và

4. Trở thành trung tâm hòa hợp mọi hành động của các dân tộc, nhằm đạt được những mục đích chung nói trên.

Điều 2.

Để đạt được những mục đích nêu ở điều 1, Liên Hợp Quốc và các thành viên Liên Hợp Quốc hành động phù hợp với những nguyên tắc sau đây:

1. Liên Hợp Quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của tất cả các nước thành viên.

2. Tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc sẽ làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này, để bảo đảm được hưởng các quyền và lợi ích do tư cách thành viên mà có;

3.Tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý;

4. Tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc sẽ kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng bất kỳ cách khác nào trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc;

5. Tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ Liên Hợp Quốc trong mọi hoạt động mà Liên Hợp Quốc tiến hành phù hợp với Hiến chương này và kiềm chế giúp đỡ bất cứ quốc gia nào bị Liên Hợp Quốc áp dụng các hành động phòng ngừa hoặc cưỡng chế;

6. Liên Hợp Quốc sẽ bảo đảm rằng các quốc gia không phải là thành viên Liên Hợp Quốc cũng hành động theo những nguyên tắc này, nếu như điều đó là cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh thế giới;

7. Không một quy định nào trong Hiến chương này cho phép Liên Hợp Quốc được can thiệp vào những vấn đề thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, hoặc yêu cầu các thành viên Liên Hợp Quốc phải đưa những vấn đề đó ra giải quyết theo quy định của Hiến chương; tuy nhiên, nguyên tắc này không ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định trong chương VII.

.....

Điều 7.

1. Thành lập các cơ quan sau như là các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc:

-Đại hội đồng.

- Hội đồng Bảo an

- Hội đồng Kinh tế-Xã hội

- Hội đồng Quản thác

- Toà án Công lý quốc tế

- Ban Thư ký

2. Các cơ quan phụ trợ có thể được thành lập nếu cần thiết, phù hợp với Hiến chương này.

.....

 Điều 13.

1. Đại hội đồng tổ chức nghiên cứu và thông qua những kiến nghị nhằm:

a- Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chính trị và khuyến khích sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế và vấn đề pháp điển hóa;

b- Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và việc thực thi các quyền con người và tự do cơ bản đối với mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo;

2. Trách nhiệm và quyền hạn của Đại hội đồng liên quan đến những vấn đề nêu tại khoản 1(b) trên đây được quy định trong các chương IX và X.

......

Điều 55.

Với mục đích tạo ra những điều kiện ổn định và phồn vinh cần thiết cho mối quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, Liên Hợp Quốc sẽ thúc đẩy:

a- Mức sống cao, việc làm đầy đủ và những điều kiện phát triển  kinh tế, xã hội.

b- Các giải pháp cho những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế và những vấn đề liên quan khác; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục;

c- Sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản của con người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Điều 56.

Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phải cam kết thực thi các hành động chung hoặc riêng trong việc hợp tác với Liên Hợp Quốc để đạt được những mục đích nêu tại Điều 55.

.....

Điều 62.

1. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể thực hiện hoặc đề xuât việc nghiên cứu và làm báo cáo về vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế và những lĩnh vực liên quan khác, và có thể đưa ra khuyến nghị về những vấn đề này cho Đại hội đồng, các thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn hữu quan;

2. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể đưa ra khuyến nghị nhằm khuyến khích sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và những tự do cơ bản của con người;

3. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể chuẩn bị những dự thảo điều ước về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình Đại hội đồng;

4. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể triệu tập những hội nghị quốc tế những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, theo các quy định do Liên Hợp Quốc đặt ra.

......

Điều 73.

Các thành viên Liên Hợp Quốc có trách nhiệm hoặc đảm đương trách nhiệm quản lý những vùng lãnh thổ mà nhân dân các vùng lãnh thổ ấy chưa hoàn toàn tự quản được, thừa nhận nguyên tắc đặt quyền lợi của nhân dân các vùng lãnh thổ ấy lên hàng đầu, và chấp nhận, như một sự ủy thác thiêng liêng, nghĩa vụ thúc đẩy tới mức tối đa sự phồn vinh của nhân dân các vùng lãnh thổ đó, trong khuôn khổ của hệ thống hoà bình và an ninh quốc tế được thiết lập bởi Hiến chương này, và để đạt được mục đích đó;

a- Bảo đảm, với sự tôn trọng thích đáng nền văn hoá của nhân dân vùng lãnh thổ liên quan, sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội giáo dục của họ, sự đối xử công bằng với họ và bảo vệ họ chống lại mọi lạm dụng.;

b- Phát triển chế độ tự trị của các lãnh thổ đó, chú ý đến những nguyện vọng chính trị của nhân dân và giúp đỡ họ phát triển tiến bộ những thể chế chính trị tự do theo những điều kiện riêng biệt của từng vùng lãnh thổ và của nhân dân các vùng lãnh thổ ấy và phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của họ;

c- Đẩy mạnh hoà bình và an ninh quốc tế;

d- Thúc đẩy những biện pháp phát triển mang tính xây dựng, khuyến khích nghiên cứu, hợp tác với nhau và với các tổ chức quốc tế chuyên môn nếu thích hợp, nhằm đạt được trên thực tế những mục đích xã hội, kinh tế và khoa học nêu trong điều này;

e- Thông báo thường kỳ cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, theo những giới hạn mà các yêu cầu về an ninh và pháp luật có thể đặt ra, những thống kê và thông tin có tính chất kỹ thuật về các điều kiện kinh tế, xã hội và giáo dục tại các lãnh thổ mà họ chịu trách nhiệm, ngoài những lãnh thổ sẽ được các quy định của chương XII và XIII áp dụng.

.....