LTS: Cách đây 5 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9-1-2016 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) ở khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)”.

Với mong muốn có cái nhìn cận cảnh về đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ ở các KCN, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành một cuộc điều tra, khảo sát tình hình đời sống văn hóa của CNLĐ ở nhiều KCN tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Quá trình thâm nhập thực tế, tìm hiểu đời sống văn hóa của người lao động tại các KCN, chúng tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở và có phần day dứt vì mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân “tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc” vào năm 2020 mà Đảng ta đã đề ra từ năm 2008, đến nay vẫn còn khoảng cách lớn. Thực trạng đó có nguyên nhân từ đâu? Tháo gỡ bất cập như thế nào? Chúng ta phải làm gì để hơn 3,3 triệu CNLĐ ở các KCN, KCX ngày đêm cần mẫn lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho đất nước tránh được sự đói khát về văn hóa tinh thần?

Bài 1: Công nhân làm gì sau khi rời xưởng, tan ca?

 Đọc tiêu đề trên, có người trả lời ngay là người lao động sẽ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thư giãn. Nhưng sự thật không phải như nhiều người nghĩ. Khi đến tìm hiểu thực tế tại một số khu nhà ở, ký túc xá, nhà trọ của CNLĐ ở các địa phương: Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, chúng tôi tận mắt chứng kiến gam màu trầm về đời sống văn hóa tinh thần của những người thợ thời nay. 

Giết thời gian rỗi rãi bằng... điện thoại

Buổi chiều thứ sáu, dưới cái nắng chao chát từ trên cao đổ xuống, cái nóng hầm hập từ phố phường phả ra, chúng tôi đến phường Long Bình, nơi được ví như thủ phủ nhà trọ công nhân ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nói là “thủ phủ nhà trọ công nhân” bởi phường Long Bình hiện giữ kỷ lục của tỉnh Đồng Nai về số lượng hộ kinh doanh phòng trọ, số lượng phòng trọ và số công nhân thuê trọ. Tính đến thời điểm cuối tháng 3-2021, theo con số mới nhất mà ông Huỳnh Đông, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình cung cấp cho phóng viên, cả phường có 2.783 hộ dân kinh doanh nhà trọ, 13.915 phòng trọ và 27.800 CNLĐ thuê trọ. Tổng số nhân khẩu cư trú, đăng ký tạm trú tại phường Long Bình hiện nay là 131.000 người.

Gỡ nút thắt đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp
Giờ lao động của công nhân Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Minh Trường.

Với số lượng gần 28.000 công nhân thuê trọ, hiện nay, phường Long Bình đang bị sức ép rất lớn về công tác quản lý dân cư, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhưng điều đáng quan ngại hơn, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Long Bình, sau khi rời xưởng, tan ca và vào những ngày nghỉ cuối tuần, công nhân hầu như không biết làm gì ngoài việc ngủ, nghỉ và dán mắt vào chiếc ti vi hay màn hình điện thoại.

Những lời bà Hà nói đúng như những gì chúng tôi chứng kiến tại gia đình chị Ngô Thị Tú và anh Bùi Ngọc Nam ở khu nhà trọ số 202, tổ 2, khu phố 5A, phường Long Bình. Phải kiên nhẫn len lỏi trong dòng người đông như đi trẩy hội trên một con phố nhỏ dẫn vào khu vực nhà trọ, chúng tôi mới đặt chân đến căn phòng thuê trọ của chị Tú nằm ở dãy cuối nhà sâu hun hút. Trong căn phòng 12m2 có gác xép, không gian bức bối bởi cái nóng ngột ngạt từ mái nhà lợp tôn phả xuống. Căn phòng bề bộn bởi quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi trẻ em chưa được sắp xếp gọn gàng. Khi chúng tôi bước vào phòng, hai đứa con nhỏ của chị mắt không rời khỏi màn hình ồn ào trên ti vi, còn chị Tú ngồi bên cạnh con cũng đang chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại trên tay.

Chúng tôi hỏi: Thời gian rỗi rãi và ngày nghỉ cuối tuần, chị có tham gia hoạt động văn hóa giải trí nào cho thoải mái tinh thần không? Người phụ nữ 28 tuổi, quê ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ánh mắt đượm buồn, giọng mệt mỏi: "Loay hoay với cuộc sống mưu sinh đã chật vật rồi, nói chi đến giải trí. Hơn 4 năm xa quê rồi mà em chưa có điều kiện ra Bắc thăm bố mẹ đẻ. Vợ chồng lao động quần quật mà mỗi tháng được khoảng 13 triệu đồng, tiền nhà trọ, điện, nước hết 1,7 triệu đồng, tiền học hai cháu nhỏ hết 3,1 triệu đồng. Tiền lương đủ sống tằn tiện, chỉ mong hai đứa con khỏe mạnh, không ốm đau gì là may mắn rồi, chứ nghĩ gì đến hưởng thụ đời sống văn hóa quá xa xỉ".

Theo ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh Đồng Nai có 32 KCN đang hoạt động, thu hút 1.800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với 602.000 CNLĐ, trong đó có khoảng 60% lao động ngoại tỉnh. Nhiều công nhân thuê trọ hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần vì họ phải tranh thủ thời gian đi ship hàng, phụ hồ, rửa chén... để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt. Đa số CNLĐ bị áp lực về thu nhập, mức sống, sinh hoạt chỉ tạm đủ, ít có điều kiện tích lũy nên không có điều kiện hưởng thụ đời sống giải trí lành mạnh từ các thiết chế văn hóa cộng đồng.

Quẩn quanh với guồng quay tẻ nhạt

Chưa nguôi ngoai về cảnh nghèo văn hóa của công nhân thuê trọ ở Đồng Nai, chúng tôi thêm trăn trở khi chứng kiến đời sống tinh thần đơn điệu của hàng nghìn công nhân thuê trọ ở thôn Đại Trung, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Trời nhá nhem tối, những con ngõ nhỏ của thôn Đại Trung càng trở nên chật chội khi hàng trăm công nhân người đi xe gắn máy, người đi xe đạp, người đi bộ lững thững trở về các phòng trọ. Ông Nguyễn Đức Dự, Trưởng thôn Đại Trung cho biết, thôn hiện có 235 hộ với 685 nhân khẩu, nhưng có 1.968 phòng trọ với hơn 3.000 công nhân ngoại tỉnh làm việc tại KCN VSIP Bắc Ninh. Với số người đến ở trọ gấp gần 4,5 lần so với cư dân địa phương, nên từ nhiều năm nay, thôn Đại Trung được gọi là “làng của nhà trọ công nhân”.

Gỡ nút thắt đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp
Mẹ con chị Ngô Thị Tú xem điện thoại, ti vi trong phòng tại khu nhà trọ số 202, phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Khi chúng tôi hỏi công nhân thuê trọ ở thôn Đại Trung có điều kiện tiếp cận các hoạt động văn hóa không, thì ông Nguyễn Đức Dự thành thật: “Cả thôn có 1 nhà văn hóa nhỏ chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân địa phương, nói gì đến phục vụ công nhân ngoại tỉnh”.

Anh Trịnh Văn Tùng, 31 tuổi, quê ở xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) làm việc ở Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú (KCN VSIP Bắc Ninh) từ năm 2017 đến nay. Hiện anh cùng vợ quê ở Nghệ An thuê 1 phòng trọ diện tích 14m2 ở thôn Đại Trung, trung bình mỗi tháng hết 1,4 triệu đồng (trong đó có cả tiền điện nước). Để hai con nhỏ (1 cháu 9 tuổi, 1 cháu 2 tuổi) ở quê cho ông bà nội chăm nuôi, khoảng đôi tháng anh chị về thăm con một lần. Khi chúng hỏi anh vào những ngày nghỉ thường có thú vui gì, thì anh nói một cách tưng tửng: "Biết làm chi đâu anh? Cảnh công nhân thì ngày làm tối ngủ hoặc tối làm ngày ngủ. Ngày nghỉ cuối tuần nếu không ngủ nướng thì rủ mấy đứa bạn đồng niên, đồng hương đi ra quán làm một chầu nhậu rồi về phòng trọ nằm ngủ".

Ông Nguyễn Đức Hà chủ nhà trọ cho biết, nhà ông có 11 phòng trọ, hiện có 18 công nhân ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình đến thuê. Sẻ chia với những khó khăn của công nhân, trong thời điểm dịch Covid-19, ông Hà đã giảm bớt một phần tiền trọ cho người thuê. Ông Hà nói: Phần lớn công nhân làm tăng ca từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, thế nên hầu như ngày nào mọi người cũng lặp lại điệp khúc “đi công xưởng làm, về nhà nấu ăn, rồi lại lên giường nằm ngủ”. Thời gian, công việc cuốn công nhân vào cái guồng quay tẻ nhạt như vậy, thì đâu còn điều kiện hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần.

“Rất nhiều CNLĐ ở các KCN rơi vào tình cảnh “5 không” (không sách báo, không ti vi, không văn hóa văn nghệ, không thể thao, không tự chủ nhà ở). May mà thời nay người lao động có điện thoại thông minh làm chiếc phao cứu rỗi đời sống tinh thần của họ, giúp họ kết nối với thế giới bên ngoài. Nhưng nếu để công nhân say sưa với điện thoại, đắm đuối trên mạng xã hội thì họ có thể bị ngập chìm trong biển thông tin hỗn tạp, vô bổ, độc hại”.

(Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Ngày dài lê thê vì cuộc sống đơn điệu

Sáng cuối tuần, trong tiết trời cuối xuân trong xanh, nắng vàng nhẹ, không khí trong lành, chúng tôi vào khu nhà ở dành cho CNLĐ của KCN Bắc Thăng Long trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Đây là dự án nhà ở công nhân được chính quyền TP Hà Nội đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Nhìn tổng thể, khu nhà ở này tương đối đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội, bao gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng dành cho hơn 12.000 CNLĐ ở miễn phí (đối với công nhân độc thân) và cho thuê với giá rẻ (đối với hộ gia đình công nhân); trường mẫu giáo; phòng khám bệnh đa khoa; siêu thị mini; chợ dân sinh; điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Đây từng được coi là "thủ phủ kiểu mẫu" của làng công nhân ở các tỉnh phía Bắc.

Hạ tầng xã hội đồng bộ như vậy, nhưng thực tế đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ ở đây vẫn rất thiếu sinh khí. Hơn 9 giờ sáng, thời tiết đẹp như chiều lòng người mà khung cảnh khá đìu hiu, thỉnh thoảng chúng tôi gặp vài ba tốp công nhân ra chợ Mun gần đó mua ít rau quả, thịt cá xách về phòng nấu ăn. Hơn một giờ đồng hồ lang thang trong khu vực nhà ở công nhân, hình ảnh rõ nhất hiện ra trước mắt chúng tôi là những móc quần áo treo trên dây phơi lủng lẳng phía sau hiên nhà mà thoạt nhìn nó như một bức trang màu loang lổ trên các tòa nhà màu vàng xen lẫn xám xanh.

Gỡ nút thắt đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) ngày nghỉ cuối tuần cửa đóng then cài.

Điều không khỏi băn khoăn khi ở các vị trí đắc địa của các tòa nhà ở công nhân có nhan nhản quán ăn, nhà hàng mang những cái tên đầy sức mời gọi như: Lòng sạch cho người sành, Cơm ngon-Đồ nhậu ngon, Lẩu 68, Bia HT79, Café Gia đình Avatar... nhưng phải tìm mỏi mắt chúng tôi mới thấy căn phòng mang tên “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” khu nhà ở công nhân Kim Chung, nhưng cửa đóng then cài kín mít.

Chúng tôi hỏi một người bảo vệ gần đó: Vào những ngày nghỉ cuối tuần công nhân có vui chơi giải trí không hả bác? thì nhận được câu trả lời lành lạnh: "Ngày nghỉ à? Công nhân ngủ là chính. Đi làm ca kíp mệt nhoài rồi còn đâu thời gian mà chơi bời. Mà chơi thì có chỗ nào để chơi? Mấy sân bóng chuyền thì để dầm mưa dãi nắng, thi thoảng có ngày cuối tuần mát mẻ cũng có mấy thanh niên ra chơi bóng chuyền bì bụp. Còn điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ư? Thì anh nhìn đấy, ngày nghỉ mà cửa đóng im ỉm thế kia thì ai được vào?".

Anh Nguyễn Văn Tuấn, 34 tuổi, quê ở xã Phương Công, huyện Tiền Hải (Thái Bình) làm công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam tại KCN Bắc Thăng Long từ năm 2011. Anh cùng vợ và hai con nhỏ được thuê 1 căn phòng 60m2 với giá thuê 720.000 đồng/tháng. Gặp anh đang dắt con gái 2 tuổi đi dạo, anh bảo cảm thấy hài lòng khi được thuê căn phòng giá rẻ như vậy. Là một công dân cư trú ở đây chục năm nay, anh cho rằng, ngày lê thê đối với mình là những ngày nghỉ cuối tuần vì chẳng biết làm gì ngoài trông nom con cái, xem ti vi trong phòng, có hôm tù chân quá thì dắt con cùng vợ ra chợ Mun gần đó mua sắm ít thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Tuy anh có niềm đam mê bóng bàn, song không có chỗ luyện tập. Nếu muốn chơi bóng bàn thì anh rủ thêm một vài anh em cùng sở thích ra thuê phòng chơi của nhà dân cách chỗ ở vài trăm mét.

“Khu nhà ở công nhân KCN Bắc Thăng Long có hàng nghìn công nhân, hàng trăm con em công nhân, vì vậy, chúng tôi mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm xây dựng khu vui chơi giải trí phục vụ người lao động trong những ngày nghỉ và xây dựng phòng đọc sách cho trẻ em để các cháu bớt nghiện ti vi, điện thoại thông minh. Chúng tôi rất thiếu chỗ vui chơi giải trí công cộng nên còn đói văn hóa lắm. Nhờ các anh qua báo chí nói giúp tâm tư này của công nhân chúng tôi”, anh Nguyễn Văn Tuấn thiết tha đề nghị.

Nghe anh Tuấn bày tỏ như vậy, chúng tôi càng thấu hiểu sự băn khoăn của ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2-Đồng Nai): Các doanh nghiệp trong các KCN mỗi năm chỉ dành thời gian cho người lao động từ 1 đến 2 chủ nhật để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tập thể. Cả năm có 52 chủ nhật mà tổ chức rất ít hoạt động như vậy, thì 50 chủ nhật còn lại người lao động biết làm gì ngoài quẩn quanh ở nhà xem điện thoại, ti vi, đấy là chưa kể một bộ phận CNLĐ vùi đầu vào thú vui đánh bài ở khu nhà trọ hay la cà quán xá nhậu nhẹt!

Nhằm có thêm thông tin chân thực, khách quan về đời sống văn hóa của công nhân ở các KCN, trong quá trình tổ chức vệt bài này, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thiết kế và phát 400 phiếu khảo sát CNLĐ trong KCN ở Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai. Theo đó, kết quả khảo sát như sau: Vào ngày nghỉ cuối tuần và thời gian rỗi rãi, có 65% công nhân ngủ, nghỉ tại nhà; 54% công nhân xem điện thoại; 27% công nhân xem ti vi; chỉ có 16% công nhân đọc sách báo; 18% công nhân chơi thể thao. 

(Còn nữa)

Phóng sự điều tra của THIỆN VĂN - NHÃ TRƯỞNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/go-nut-that-doi-song-van-hoa-cong-nhan-o-cac-khu-cong-nghiep-656575