Quyền con người là những quyền cơ bản tự nhiên, thiêng liêng vốn có, khách quan của con người và đã được ghi nhận, bảo vệ bằng pháp luật quốc gia và quốc tế. Để đảm bảo quyền con người, giáo dục quyền con người là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó các quyền cơ bản của con người được đề cao và tôn trọng.

Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người như: Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền trẻ em; Công ước chống tra tấn… Quyền con người luôn được tôn trọng và bảo đảm, được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946 cho đến nay và nhiều văn bản pháp luật khác. Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều chính sách để đảm bảo Quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình và tiến bộ xã hội của toàn nhân loại, được các nước trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Để đảm bảo quyền con người, công tác giáo dục quyền con người có một vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của mọi tầng lớp người dân trong xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của Đất nước. Ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đưa nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, Chính phủ giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, các Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng tham gia phối hợp, triển khai thực hiện Đề án.

Đối với lực lượng Công an nhân dân, việc tham gia thực hiện Đề án Đưa nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Công an về quyền con người, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm quyền con người khi lực lượng Công an nhân dân thực thi công vụ.

  1. Công tác giáo dục Quyền con người trong Công an nhân dân

Ngày 29/5/2019, Ban Điều hành Đề án Giáo dục Quyền con người ban hành Kế hoạch hoạt động chi tiết (kèm theo Quyết định số 22-QĐ/BĐHĐAQCN) của Đề án Đưa nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có xác định nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, Ngành có liên quan. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, thời gian qua lãnh đạo Bộ Công an đã rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng của Bộ Công an bám sát nội dung của Kế hoạch đã được phê duyệt để triển khai thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả; đồng thời, tích cực, chủ động, linh hoạt xây dựng các kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện. Từ thực tiễn cho thấy, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng Bộ Công an đã triển khai các hoạt động thiết thực, góp phần từng bước đưa nội dung Quyền con người vào lồng ghép giảng dạy trong Công an nhân dân; cụ thể từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã chủ động triển khai một số công việc như:

- Xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo thực hiện các phần việc của Bộ Công an gửi Bộ Tài chính đề nghị phê duyệt;

- Xây dựng 03 Chương trình khung huấn luyện công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (ban hành theo Quyết định số 9961/QĐ-BCA-X02, ngày 18/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an) trong mỗi chương trình đều dành thời lượng ½ ngày để giảng dạy chuyên đề "Một số kiến thức cơ bản về quyền con người" cho người học;

- Ban hành Kế hoạch số 42/KH-BCA-X02, ngày 18/02/2020 của Bộ Công an về rà soát chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành đào tạo trong Công an nhân dân, trong đó hướng dẫn lồng ghép, đưa nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo trong Công an nhân dân ở các học phần/môn học có liên quan.

- Giao Cục trưởng Cục Đào tạo ban hành Kế hoạch số 2026/KH-X02-P2, ngày 24/7/2020 tổ chức biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn đưa nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục trong Công an nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch này, Cục Đào tạo đã phối hợp với Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân và một số đơn vị khác có liên quan triển khai biên soạn tài liệu bồi dưỡng về nội dung Quyền con người. Trên cơ sở tài liệu được ban hành, Bộ Công an sẽ chỉ đạo Cục Đào tạo hướng dẫn lồng ghép, đưa nội dung Quyền con người vào giảng dạy trong chương trình đào tạo các trình độ ở các học viện, trường Công an nhân dân.

Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân luôn làm tốt công tác giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức thực thi pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ Công an đồng thời tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến quyền con người để nâng cao nhận thức cho người dân, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi xâm phạm các quyền con người được pháp luật quy định; tích cực đấu tranh phản bác lại luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo tình hình thực thi, đảm bảo quyền con người ở Việt Nam của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn một bộ phận cán bộ Công an chưa hiểu đầy đủ các nội dung về quyền con người, các quy định của pháp luật về bảo đảm và thực thi quyền con người. Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn có tình trạng cán bộ Công an do thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm các quy định về quyền con người, thực hiện nhiều hoạt động sai quy định, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, oan sai và tạo cớ để các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam xâm phạm hoặc không tôn trọng, vi phạm pháp luật quốc tế về nhân quyền làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an nhân dân, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trước tình hình đó, Bộ Công an xác định việc trang bị, cập nhật những kiến thức, nội dung mới về Quyền con người cho cán bộ đang làm công tác thực tiễn thuộc Công an các địa phương để kịp thời triển khai, vận dụng trong quá trình thực thi công vụ là hết sức cần thiết. Trong thời gian từ tháng 10/2020 đến hết tháng 4/2021, Bộ Công an đã giao Cục Đào tạo chủ trì, phối hợp với Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an như: Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp; Cục Đối ngoại; Cục An ninh nội địa; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự; Học viện An ninh nhân dân tổ chức 08 lớp tập huấn về nội dung Quyền con người cho gần 1.000 lượt giáo viên các học viện, trường Công an nhân dân và cán bộ đang công tác tại các đơn vị thực tiễn của Công an các địa phương. Cụ thể, đối tượng tập huấn bao gồm giáo viên đang giảng dạy các học phần/môn học về lý luận chính trị, pháp luật tại các học viện, trường Công an nhân dân, giáo viên kiêm nhiệm của Công an các địa phương, cán bộ đang làm công tác thuộc các lĩnh vực: điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát, Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, An ninh xã hội, dân tộc, tôn giáo của Công an các địa phương trên toàn quốc. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao năng lực thực thi pháp luật và đảm bảo quyền con người. Thực tiễn cho thấy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ của Công an các địa phương là rất thiết thực, ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, việc triển khai đưa nội dung Quyền con người vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục đào tạo của Công an nhân dân từ năm 2018 đến nay còn chậm so với dự kiến,. Theo Kế hoạch đã được duyệt thì từ năm 2018 đến hết năm 2020 Bộ Công an phải triển khai một số cuộc hội thảo nhằm thống nhất xác định mục tiêu, thời lượng, học phần lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở các trình độ trong Công an nhân dân, biên soạn tài liệu, tổ chức các khóa tập huấn để lồng ghép đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong Công an nhân dân. Đến nay Bộ Công an vẫn chưa triển khai được các cuộc hội thảo, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và tổ chức hết các lớp tập huận theo Kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân của tồn tại nêu trên một phần là do Bộ Công an đang triển khai thực hiện Đề án 106 về việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dẫn đến việc có sự xáo trộn trong hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo của lực lượng Công an nhân dân. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID 19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Hơn nữa, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an chưa được cấp kinh phí cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ phân công trong Đề án, do đó đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động theo Kế hoạch đã đề ra.

  1. Thực trạng công tác giáo dục Quyền con người trong các học viện, trường Công an nhân dân

Với mục tiêu đào tạo học viên để trở thành cán bộ Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, về khoa học quản lý, tin học, ngoại ngữ, pháp luật; có phương pháp tư duy khoa học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong các học viện, trường Công an nhân dân, hiện nay trong tất cả các chương trình đào tạo từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ đại học các chuyên ngành, quyền con người đã được lồng ghép vào nội dung của nhiều môn học có liên quan: Lý luận chung Nhà nước và pháp luật, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hiến pháp và Đại cương các ngành luật khác. Trong các bài giảng các môn học thuộc các học phần Chính trị, Quyền con người cũng được lồng ghép vào nội dung giảng dạy, thông qua các ví dụ minh họa cho bài giảng.

Bên cạnh đó, trong một số chuyên ngành đào tạo nghiệp vụ An ninh, nghiệp vụ Cảnh sát, học viên được tiếp cận nhiều nội dung đề cập sâu về Quyền con người để cung cấp cho học viên những kiến thức hữu ích, phục vụ trực tiếp cho công việc chuyên môn của sinh viên sau khi ra trường, cụ thể như sau:

Đối với khối ngành nghiệp vụ An ninh, kiến thức về quyền con người cũng được chú trọng trong chương trình đào tạo cho sinh viên hệ chính quy. Việc nắm rõ các quyền con người để thực hiện đúng thẩm quyền trong mỗi hoạt động của cán bộ điều tra là vô cùng quan trọng. Các học phần luật đã lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến Quyền con người: Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia, Luật Dân sự, Luật Hành chính,... Bên cạnh đó, để phục vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ ngành Công an, Học viện An ninh nhân dân đã tổ chức biên soạn một số tài liệu dạy học: Chuyên đề "Đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp của lực lượng Công an nhân dân" thuộc môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người; sách tham khảo "Bảo đảm quyền con người trong khởi tố, điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia".

Đối với khối ngành nghiệp vụ Cảnh sát: Trong chương trình đào tạo đại học chuyên ngành Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, nội dung quyền con người được lồng ghép trong nội dung nhiều học phần: Những vấn đề cơ bản về giáo dục phạm nhân; Tổ chức cho phạm nhân thi đua chấp hành án phạt tù và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân; Tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù; Đảm bảo quyền con người trong Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp... Chuyên ngành Tư pháp hình sự trong chương trình đào tạo trình độ đại học có học phần Quyền con người trong tư pháp hình sự; Chuyên ngành Tố tụng hình sự trình độ đại học có học phần Pháp luật về quyền con người trong tố tụng hình sự. Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức biên soạn các tài liệu dạy học liên quan đến nội dung Quyền con người: Tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân; Giáo dục phạm nhân.

Đối với học viên đào tạo trình độ trung cấp, các nội dung về Quyền con người được lồng ghép trong các học phần luật, học phần chính trị. Để làm rõ hơn những nội dung về quyền con người quy định trong Hiến pháp, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã tổ chức biên soạn sách chuyên khảo: Bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong thực hiện Hiến pháp.

Trong các học viện, trường Công an nhân dân, ngoài việc tổ chức giảng dạy các nội dung về Quyền con người, cán bộ, giáo viên nhà trường còn đầu tư thời gian nghiên cứu một số đề tài khoa học liên quan đến quyền con người: Quyền của người bị tạm giam, tạm giữ; Quyền của bị can; Quyền của phạm nhân nữ,...

  1. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Quyền con người trong Công an nhân dân

Giáo dục quyền con người ở các trường Công an nhân dân hiện nay đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhờ đó đã không ngừng nâng cao nhận thức của học viên về Quyền con người. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục Quyền con người trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu của công tác Công an cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Cục Đào tạo cần chủ trì phối hợp với các học viện, trường Công an nhân dân, các đơn vị nghiệp vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm thống nhất xác định mục tiêu, thời lượng, học phần lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở các trình độ trong Công an nhân dân nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính liên thông của chương trình.

Hai là, Cục Đào tạo cần tiếp tục phối hợp với Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, trường Công an nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức biên soạn tài liệu về nội dung Quyền con người để bổ sung vào nguồn học liệu, giúp người học có thể thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu. Tài liệu biên soạn phải đảm bảo khoa học, có tính thực tiễn, hiệu quả, kịp thời, phù hợp với đặc thù của lực lượng Công an nhân dân nhằm trang bị cho người học có kiến thức đầy đủ về Quyền con người để nâng cao năng lực thực thi công vụ, hạn chế vi phạm pháp luật.

Ba là, Cục Đào tạo cần tiếp tục chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ giáo viên các học viện, trường Công an nhân dân, giáo viên kiêm nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương để lồng ghép, đưa nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về Quyền con người cho cán bộ Công an các địa phương nhằm nâng cao nhận thức về Quyền con người cho học viên, cán bộ đảm bảo đúng quy định, chất lượng, hiệu quả việc thực thi nhiệm vụ.

Bốn là, các học viện, trường Công an nhân dân cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về Quyền con người; tiếp tục cử giáo viên tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo về Quyền con người để nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy; tiếp tục tổ chức biên soạn tài liệu dạy học, tổ chức nghiên cứu các chuyên đề liên quan đến nội dung Quyền con người nhằm làm phong phú thêm hệ thống học liệu của nhà trường, giúp học viên có thêm điều kiện tiếp cận và nắm chắc, hiểu sâu kiến thức về nội dung này, áp dụng những kiến thức đã được học nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công tác sau khi ra trường.

Năm là, để đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án nêu trên được kịp thời, hiệu quả, chất lượng, đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt dự toán và cấp kinh phí cho Bộ Công an trong thời gian sớm nhất, đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan quan tâm phối hợp cung cấp tài liệu, cử giảng viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu tiếp tục tham gia phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Công an đã được phân công để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất./.

Thiếu tướng, PGS, TS Đỗ Anh Tuấn

Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an