Trong những năm qua, giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, khi công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả nhất định thì chống tái nghèo cũng là vấn đề đặt ra với các địa phương.
Để ngăn chặn nguy cơ tái nghèo, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành, các địa phương thực hiện, trong đó chống tái nghèo bằng cách tạo sinh kế cho đồng bào được coi là giải pháp bền vững, hiệu quả nhất.
Tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, trước đây đồng bào dân tộc Mông chủ yếu trồng ngô, tuy nhiên cây ngô chỉ phục vụ cuộc sống chứ không mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Để giúp người dân, chính quyền địa phương đã hướng dẫn đồng bào ở xã Tả Van Chư trồng cây dược liệu cát cánh, rồi làm cầu nối liên kết người dân với các doanh nghiệp thu mua dược liệu, nhờ đó bà con đã có thu nhập ổn định.
Ảnh minh họa: Qdnd.vn |
Tại thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư hiện có hơn 10ha trồng cây cát cánh. Đây được xem là vùng trọng điểm trồng cây cát cánh của huyện Bắc Hà. Mặc dù trồng cây cát cánh tốn nhiều công chăm sóc hơn, nhưng đổi lại, sản phẩm được thu mua ngay tại nương với giá cao hơn cây ngô. Nếu như trước đây người dân trồng 1ha ngô, mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, thì nay với việc chuyển đổi sang trồng cây cát cánh đã cho thu nhập lên đến 120-140 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: “Năm 2017, Công ty Cổ phần Nam Dược mang theo các hạt giống cây dược liệu cát cánh đến cho người dân trồng thử. Sau một thời gian thấy cây phát triển tốt, cán bộ huyện và Công ty Cổ phần Nam Dược cho xây dựng mô hình trồng trọt kỹ thuật cao. Từ đó đến nay, Công ty Cổ phần Nam Dược luôn tạo điều kiện thu mua dược liệu của người dân với giá cao, nhờ đó giúp các hộ dân trồng dược liệu vươn lên thoát nghèo”.
Đến thời điểm hiện tại, xã Tả Van Chư đã có hơn 38ha trồng cây cát cánh trong tổng diện tích 90ha trồng cây dược liệu của toàn huyện Bắc Hà. Nhờ xác định thế mạnh và tập trung đầu tư cây trồng, đến nay, người dân ở Tả Van Chư đã có sinh kế bền vững, không còn lo đói nghèo.
Bên cạnh việc tạo sinh kế cho bà con, một giải pháp hiệu quả trong công tác giảm nghèo, chống tái nghèo là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay có hơn 100.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo, chiếm 24,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề; hơn 165.000 hộ có người tham gia học nghề có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương và trở thành hộ khá. Như vậy, có thể nói đào tạo nghề cũng là chìa khóa để các địa phương gỡ những “nút thắt” trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.
Tỉnh Bắc Kạn có số lượng lao động nông thôn là người DTTS chiếm tới 75%. Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động người DTTS, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có hàng nghìn người tham gia các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng thường xuyên được triển khai để phù hợp với nhu cầu thực tế. Bà Hà Thị Thúy Chiều, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Đối tượng tham gia đào tạo nghề được chúng tôi chia làm hai độ tuổi khác nhau. Với người lớn tuổi, chủ yếu làm nông thì chúng tôi tập trung đào tạo những ngành nghề nông nghiệp như trồng rau, chăn nuôi, trồng cây ăn quả... Còn với những người trẻ tuổi thì chúng tôi tập trung dạy những ngành nghề phi nông nghiệp. Sau khi đào tạo thì hầu hết học viên đều có việc làm, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững, không còn tình trạng tái nghèo”.
Để thoát nghèo thì việc tạo sinh kế, việc làm ổn định được xem là những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, ý thức tự lực và nỗ lực cải thiện cuộc sống của chính đồng bào mới là yếu tố quan trọng nhất để giải quyết bài toán nghèo và tái nghèo ở vùng DTTS. Vì thế, muốn giảm nghèo bền vững thì trước tiên cần tuyên truyền cho đồng bào để chống tình trạng ỷ lại trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ hộ nghèo.
TUỆ ĐĂNG
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/chinh-sach-phat-trien/giai-phap-chong-tai-ngheo-ben-vung-716697