LTS: Một nội dung quan trọng trong phần những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII là: “Xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
So với các kỳ đại hội trước “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận QPTD và thế trận ANND. Đây không đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà đó là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn lại lịch sử dân tộc và yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới chúng ta thấy rõ sự khẳng định, phát triển của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục.
1. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử và quyết định sự phát triển của lịch sử. Vận dụng sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của nhân dân vào thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo Người, Đảng xác định chủ trương, mở ra đường lối lãnh đạo cách mạng, nhưng chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra. Sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng, nếu không có nhân dân. Theo Người, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng là sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân, là sự đoàn kết “muôn người như một” dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, theo Người: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”(1). Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(2).
2. Thực tế lịch sử chứng minh “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng. Đối với mỗi chế độ xã hội, “lòng dân” là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Đây là yếu tố rất quan trọng có tính quyết định đến sức mạnh, sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi triều đại, quốc gia, dân tộc. Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Lòng dân yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển.
Quang cảnh Đại hội XIII. Ảnh minh họa:TTXVN. |
“Thế trận lòng dân” được hiểu là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau. “Lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng. “Lòng dân” luôn tồn tại khách quan nhưng “lòng dân” có được quy tụ trở thành sức mạnh tổng hợp hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của con người. Điều này đòi hỏi giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội, trực tiếp là lực lượng chính trị đại diện phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để định hướng, tập hợp, quy tụ “lòng dân” về một mối. Chỉ có như vậy “lòng dân” mới hội tụ trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc. Thực chất đó chính là vai trò của lực lượng nắm quyền lãnh đạo xã hội trong việc chuyển hóa “lòng dân” thành “thế trận lòng dân”. Khi được xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” sẽ tác động trở lại làm cho “lòng dân” phát triển hài hòa, đúng định hướng.
Bài học sâu sắc nhất mà Đảng ta rút ra từ thực tiễn cách mạng là phải huy động, tập hợp được sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đại hội VI của Đảng xác định: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”... Trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII, bài học “lấy dân làm gốc” tiếp tục được Đảng ta khẳng định. Văn kiện Đại hội IX, trong phần đánh giá quá trình đổi mới Đảng ta một lần nữa chỉ rõ: “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân”. Đến Đại hội lần thứ XII, một trong năm bài học được Đảng ta đúc kết, đó là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” (3).
Tuy chưa sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân” nhưng tư tưởng, quan điểm phát huy sức mạnh “lòng dân” đã được Đảng ta nhất quán khẳng định trong đường lối quốc phòng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chính là sức mạnh tổng hợp. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch đội ngũ cán bộ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định”. Đến Đại hội X, Đảng ta lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân”. Trong văn kiện Đại hội X, Đảng ta xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân làm nòng cốt”.
Phát triển quan điểm “lấy dân làm gốc”, Đảng ta chủ trương: Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tại Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Để tăng cường “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền QPTD và nền ANND” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, quan điểm của Đảng ta về xây dựng “lòng dân” và “thế trận lòng dân” được thể hiện sâu sắc hơn một bước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Đặc biệt, trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân, để củng cố “thế trận lòng dân”, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 08, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” (4).
Cùng với khẳng định, nâng tầm “thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn kiện Đại hội XIII cũng nêu vấn đề này một cách rõ nét, toàn diện hơn, đó là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND”. Điều này có nghĩa phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” phải gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đặt trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân phải gắn bó chặt chẽ với xây dựng, củng cố thế trận QPTD và thế trận ANND.
Mặt khác, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: "Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND là nòng cốt". Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Không phải đến bây giờ mà trong rất nhiều văn kiện Đảng ta đã khẳng định, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền QPTD vững mạnh là nhiệm vụ không của riêng ai mà đó là sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó QĐND là nòng cốt. Việc xây dựng QĐND-một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” với vai trò nòng cốt của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD cũng chính là thể hiện tư tưởng, quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (5). Đặc biệt, trong bài: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư nêu lại những bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...”. Niềm tin của nhân dân chính là sức mạnh của Đảng, sức mạnh của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD.
—————
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN - 2011, tập 5, tr. 151
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 89.
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, năm 2016, tr.69
(4), (5) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2019, tr.80, 116-117.
PHÙNG KIM LÂN
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nghi-quyet-va-cuoc-song/bai-1-gia-tri-cua-long-dan-va-the-tran-long-dan-656071