Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu; nhiều quốc gia phát triển vẫn tiếp tục các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của vi rút Sars-CoV-2 thì Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch. Đã 48 ngày qua,Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Kết quả đó tạo điều kiện cho người dân Việt Nam được bảo đảm những giá trị cốt lõi của quyền con người. Đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Khống chế thành công đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam được thụ hưởng những giá trị cốt lõi của cuộc sống.
Quyền con người
Quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, quyền con người là “những quyền tự nhiên, thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, màu da, giới tính, quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo, hay bất kỳ tình trạng nào khác”. Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hợp quốc, con người có ba nhóm quyền cơ bản bao gồm quyền dân sự, quyền chính trị và quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Về mặt Luật pháp Việt Nam, quyền con người được đề cập cụ thể trong Chương III, Hiến pháp sửa đổi và bổ sung năm 2013, theo đó “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật”. Bên cạnh đó, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hàng trăm văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013. Việt Nam cũng đăng ký tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có 20 công ước về quyền lao động. Đặc biệt, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều điểm mới tiếp cận đến những giá trị phổ quát về quyền con người.
Tuy nhiên, với người Việt Nam, khái niệm về quyền con người có lẽ quen thuộc và dễ hiểu hơn cả là trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Covid-19 thách thức quyền con người
Tính đến ngày 17-10-2020, cả thế giới có 39.535.227 người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2; 1.108.120 người tử vong. Mỹ là quốc gia có số ca lớn nhất, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil, Nga, Colombia, Peru… Đại dịch Covid-19 đang càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF đưa ra mức dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm khoảng 4,4% trong năm 2020. Đối với kinh tế toàn cầu năm 2021, IMF hạ dự báo tăng trưởng từ mức 5,4% xuống còn 5,2%. Các chuyên gia IMF nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn, có thể tốt hơn hoặc xấu đi phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc sản xuất vaccine và điều trị bệnh.
Cùng với kinh tế, các vấn đề xã hội, nhất là quyền con người cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm, tiền lương và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Cũng theo ILO, thu nhập lao động toàn cầu trong giai đoạn từ quý I-III/2020 ước tính đã giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 45 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, Cao ủy Liên hiệp quốc về quyền con người Michelle Bachelet nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, virus Corona là một phép thử đối với các nguyên tắc, giá trị và tính nhân văn”. Để vượt qua được phép thử này, các quốc gia cần có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng là một yêu cầu thiết yếu.
Giá trị cốt lõi quyền con người
Với phương châm "Chống dịch như chống giặc", "Không để ai bị bỏ lại phía sau"..., Việt Nam đã đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, phù hợp với điều kiện đất nước, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, có hành động quyết liệt, tạo nên sự đồng thuận trong toàn dân, huy động được sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an toàn, ổn định xã hội. Yếu tố có tính quyết định, xuyên suốt, đưa tới những kết quả tích cực trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là Việt Nam luôn xác định giá trị cốt lõi của phát triển là tôn trọng đầy đủ quyền con người, tạo điều kiện giúp con người có cơ hội phát triển mọi mặt, đồng thời bảo vệ thân thể và phẩm giá con người bằng mọi khả năng có thể.
Bởi vậy, mới có những “chuyến bay thần kỳ vào tâm dịch” để đưa công dân về nước; những “cây ATM gạo”, “siêu thị hạnh phúc 0 đồng” mở cửa để cung cấp miễn phí, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, sách… cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó còn là nhận thức, hành động thiết thực để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền sống, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe mà Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh, kêu gọi chính phủ các quốc gia trên thế giới phải thực hiện nghiêm túc.
Mới đây, tại phiên đối thoại về Báo cáo cập nhật của Cao ủy Nhân quyền về tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền con người, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định, Việt Nam cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ủng hộ hợp tác quốc tế và cách tiếp cận đa phương nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch và phục hồi hậu đại dịch. Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng các chính sách ổn định kinh tế-xã hội, các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Đó là khẳng định, cam kết, là giá trị cốt lõi quyền con người, cũng là cơ sở để dư luận thế giới đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Phương Minh
Nguồn: http://quocphongthudo.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/gia-tri-cot-loi-quyen-con-nguoi-trong-dai-dich-covid-19.html