Từ khi trở thành Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngày 19-4 hằng năm là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, trong không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc.

Nhưng để các giá trị văn hóa tốt đẹp thực sự được tôn vinh, đời sống tinh thần của nhân dân thực sự phong phú trong cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ trong những dịp kỷ niệm, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.

Quan tâm thực chất

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lâu dài. Trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh những thành công như chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào, việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS vẫn còn những hạn chế. Là nghệ nhân đàn tính, hát then, bà Lã Thị Sằn (dân tộc Nùng ở xóm Đồng Mỏ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, bà có thể nói tiếng dân tộc mình nhưng không biết viết chữ. Về trang phục của dân tộc mình, hiện nay bà giữ để làm lưu niệm và biểu diễn là chính, không như thế hệ của mẹ bà vẫn mang mặc trang phục này hằng ngày.

Với cảm quan của người làm công tác dân tộc, ông Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc nhận định: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc có nhiều vấn đề cần giải quyết. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế thị trường đã làm mai một một số bản sắc dân tộc, đặc biệt vùng đồng bào DTTS rất ít người. Các thiết bị nghe nhìn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động văn hóa của bà con hiện nay. Khi hỏi các bạn trẻ người DTTS, nhiều người không hiểu văn hóa, tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà ở... của dân tộc mình mà chỉ do xã hội đưa đẩy đến đâu thì biết đến đó”.

Theo các chuyên gia, đồng bào DTTS cần được quan tâm thiết thực, cụ thể hơn chứ không chỉ là những hô hào hay tổ chức một vài sự kiện trong những ngày kỷ niệm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Lãnh đạo bộ rất trăn trở là làm như thế nào cho thiết thực, không phải là một diễn đàn, một hội nghị hoành tráng mà lại không chú ý đến các nội dung và cách tiếp cận việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS".

Gắn với sinh kế để bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số
Biểu diễn nghệ thuật tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021. Ảnh: ĐĂNG KHOA. 

Tham dự Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chúng tôi được PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam kể về một hình ảnh ám ảnh bà. Đó là cảnh nghệ nhân của một địa phương nọ đi quanh bãi xe của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam để tìm người quê mình. Đã vài năm nghệ nhân xa quê để lên “ngôi nhà chung”, họ nhớ nhà, nhớ quê da diết nhưng dường như lại bị bỏ rơi, trong khi những hàng xóm xung quanh vẫn được lãnh đạo địa phương họ quan tâm thăm nom. “Đang có những lãnh đạo địa phương có lỗi với đồng bào mình. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà có cả trách nhiệm của các địa phương. Chúng ta không thể nợ đồng bào một “biển số xe” như vậy nữa”, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Tìm cách biến văn hóa trở thành sinh kế của người dân

Khi được hỏi về văn hóa truyền thống, nhiều bà con DTTS bày tỏ tự hào. Để bảo tồn tốt hơn những giá trị văn hóa của quê hương mình, bà Lã Thị Sằn mong chính quyền hỗ trợ để có thêm thu nhập từ văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) mong muốn được hỗ trợ thêm về kỹ thuật từ các chuyên gia để việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình tốt hơn. Để hiện thực hóa những nguyện vọng này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, bảo tồn và phát huy văn hóa phải gắn với môi trường của chính đồng bào nhưng không được xa rời với xã hội, phải biến giá trị văn hóa thành sinh kế của đồng bào. Một mặt đồng bào phải bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng mặt khác cũng phải gắn với thế giới thì những giá trị đó mới tạo ra niềm tự hào của đồng bào và có sức hấp dẫn.

Làm du lịch cộng đồng và giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống là hướng đi đúng đang được nhiều địa phương chọn lựa. Sơn La là tỉnh miền núi hiện có 3.350 đội văn nghệ quần chúng phục vụ tất cả tour du lịch, điểm du lịch cộng đồng... góp phần tăng thêm thu nhập của người dân. Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Hằng năm, tỉnh hỗ trợ mỗi đội văn nghệ quần chúng 2 triệu đồng. Giá trị kinh tế tuy không cao nhưng góp phần tăng thêm giá trị tinh thần cho nhân dân và góp phần giúp bà con hiểu hơn giá trị từ việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc của mình. Ngoài ra, Sơn La còn hỗ trợ bà con theo các lớp/khóa học ngắn ngày về hướng dẫn, đào tạo nghề du lịch”.

Bên cạnh phát triển du lịch, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, GS, TS Bùi Quang Thanh cho rằng: "Sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc rất đa dạng, chúng ta cần có hình thức kích cầu cho những sản phẩm đó. Phát triển công nghiệp văn hóa là một giải pháp tốt để có kinh tế văn hóa chứ văn hóa suốt ngày chờ bù lỗ thì khó bảo tồn, phát triển".

Tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương, đồng bào... chúng tôi nhận thấy các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước quan tâm đời sống, văn hóa của đồng bào đều đúng đắn. Tuy nhiên, cách làm vẫn cần một số điều chỉnh. Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: “Những người làm chính sách phải có sự điều chỉnh, nghiên cứu, rà soát trên cơ sở tham dự về xây dựng chính sách của cả cộng đồng, của chính đồng bào. Khi muốn đổi mới, mang lại điều gì đó tốt đẹp cần cả một quá trình dài và cái nhìn hiểu biết để không đổ lỗi cho bộ này, ngành kia chưa quan tâm đúng mức. Bảo tồn văn hóa là công việc của toàn xã hội”. Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, nêu giải pháp: "Mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, vì thế cần có những đánh giá hết sức chi tiết để có bức tranh toàn cảnh của từng dân tộc, từng cộng đồng các nhóm dân tộc, tổng thể đồng bào các dân tộc. Qua đó mới biết được cái gì còn, cái gì là hủ tục cần loại bỏ, cái gì cần lưu giữ, bảo tồn... thì mới có chính sách phù hợp. Di sản văn hóa các dân tộc phải được các nhà khoa học đúc kết thành một hệ thống thông tin, từ đó tuyên truyền rộng rãi để nhiều người biết và cùng chung tay gìn giữ".

LAN DỊU

Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/gan-voi-sinh-ke-de-bao-ton-van-hoa-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-657177