Để nội dung về an ninh con người trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ, vừa mang tính sách lược, vừa thể hiện tầm chiến lược. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những tác động mạnh mẽ từ “làn sóng thứ tư” của đại dịch COVID-19, bảo đảm an ninh con người càng đặt ra bức thiết và cần được giải quyết từ phương diện nhận thức, tư duy mới của Đảng

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm

Biện pháp quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết XIII. Đây là giải pháp quan trọng thể hiện tinh thần bảo đảm an ninh con người phải lấy phát triển kinh tế làm trung tâm; an ninh con người với lĩnh vực kinh tế phải gắn chặt với việc làm và thu nhập cho chính con người. Thực tiễn đã cho thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong đại dịch (đợt 1: 90 nghìn tỉ; đợt 2: 115 nghìn tỉ) hay việc tập trung mọi nguồn lực, kể cả thực hiện "ngoại giao vắc-xin" để tiêm chủng toàn dân, đã tạo được sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của nhân dân, tạo tiền đề quan trọng để bảo đảm an ninh con người.

Bằng những quyết sách kinh tế đúng đắn, kịp thời, chúng ta đã và đang hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và các năm tiếp theo. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa khống chế, ứng phó có hiệu quả đại dịch COVID-19; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân. Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn, kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng đầy bản lĩnh, với 2,91%, ở mức cao ngất thế giới. Những thành quả và bài học kinh nghiệm đó cần được tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong cuộc chiến khốc liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam hiện nay.

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân

Thực tiễn cho thấy, để bất cứ một chiến lược, quan điểm nào được thực thi, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị (HTCT), của toàn Đảng, toàn dân. Trong đảm bảo an ninh con người, sức mạnh của khối đại đoàn kết, sự đồng thuận xã hội, chung sức của cộng đồng… là nhân tố quyết định.

Trước sự bùng phát của dịch bệnh trong “làn sóng thứ tư”, cả HTCT của Việt Nam đã vào cuộc một cách quyết liệt, với sự chỉ đạo đồng bộ từ trên xuống, bằng nhiều quan điểm, đặc biệt là Chỉ thị 16, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19Trong bối cảnh hình dịch bệnh rất căng thẳng, số lượng người nhiễm và tử vong tăng cao, áp lực cứu chữa… rất lớn đã càng làm cho chúng ta thấy rõ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cả HTCT, vì sự bình yên, an toàn cho mọi người dân.

Đặc biệt, sự chung sức, chung lòng của đồng bào cả nước khi hướng về Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, nhất là TP. Hồ Chí Minh đúng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Những hình ảnh hàng nghìn bác sĩ tình nguyện hướng về tâm dịch; hàng nghìn “chuyến xe nghĩa tình”; hàng nghìn chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, chiến sĩ tình nguyện… căng mình, thậm chí hy sinh để bảo vệ bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân… là minh chứng sinh động, chân thực nhất của ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời là sự thể hiện nhất quán, quyết liệt, đồng bộ tư duy của Đảng về an ninh con người.

Xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật gắn trực tiếp với an ninh con người như Bộ luật Lao động, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống buôn bán người, Luật Nuôi con nuôi, Luật Tố tụng Dân sự, Luật An ninh mạng… Đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ điện tử để đơn giản hóa thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý nhà nước, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ cơ sở, tạo cơ chế thực hiện minh bạch, thuận lợi, phát huy dân chủ cơ sở.

Tiếp tục triển khai các biện pháp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân… theo tinh thần Hiến pháp 2013. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách, nhằm điều tiết hài hòa các mối quan hệ xã hội, trên cơ sở đó bảo đảm an ninh con người. Chủ động xây dựng các “giá trị cốt lõi”, điều kiện tốt nhất nâng cao khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Phát huy lợi thế và con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân, thực hiện công bằng xã hội. Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc và cả thể lực; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định, an sinh xã hội tốt nhất, kinh tế phát triển bền vững. Trong xây dựng đạo đức, lối sống, cần tập trung quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Đặc biệt, cần tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả, đi vào thực chất Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong tiến trình hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta”. (Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, ngày  29-7-2021).

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xử lý các vấn đề nhạy cảm, phức tạp

Tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện… để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị, nhất là tập trung đấu tranh có hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề quyền con người để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, cực đoan trong và ngoài nước. Phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng về quyền con người của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí; vô hiệu hóa âm mưu “diễn biến hòa bình cũng như hoạt động thúc đẩy  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Mặt khác, cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam, phản bác các loại báo cáo nhân quyền thường niên của một số nước, tổ chức quốc tế khi đưa ra nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-TW, lan tỏa thông tin tích cực, những kết quả bảo đảm quyền con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, hoạt động chống phá trên lĩnh vực nhân quyền; tạo sức đề kháng trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Mặt khác, cần tiếp tục xây dựng cơ chế quản lý an ninh thông tin, an ninh mạng, đặc biệt là lành mạnh hóa thông tin trên mạng xã hội. Xử lý nghiêm minh hoạt động lợi dụng việc giản cách và cách ly xã hội, phòng chống dịch bệnh để xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền; triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17-6-2021…

Đặc biệt, kịp thời xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đấu tranh kiên quyết với hoạt động kích động gây rối, bạo loạn, ly khai, tự trị ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Giải quyết tốt các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người; ngăn chặn âm mưu lôi kéo thanh niên, sinh viên ở các trường Đại học và công nhân trong các Khu công nghiệp tham gia hoạt động biểu tình… Thực tế cho thấy, nếu để hoạt động biểu tình, bạo loạn xảy ra, an ninh con người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vị thế của quốc gia bị suy giảm.

Mặt khác, cần kiên quyết đấu tranh, xử lý các hoạt động lợi dụng vấn đề quyền con người để chống phá Đảng, Nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia, làm rối loạn xã hội. Xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh trong xã hội, nhất là vấn đề tôn giáo, dân tộc; giải quyết kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm, tránh tạo thành điểm nóng để bên ngoài lợi dụng kích động biểu tình, bạo loạn, tạo ra những nguy cơ đe dọa đến bảo đảm an ninh con người. Kiên quyết đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động chống phá của số đối tượng cực đoan, quá khích, làm thất bại ý đồ thành lập và công khai hóa các tổ chức tôn giáo trái phép. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật, tăng cường công tác tranh thủ giáo sĩ, chức sắc tôn giáo gắn với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc; phục vụ yêu cầu đối ngoại, không tạo sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá về nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo. Phát huy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong hoạt động của các tổ chức tôn giáo để bảo đảm các tổ chức tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật, đồng thời thúc đẩy sự tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh con người

Cần nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh con người. Nội dung Chiến lược phải hàm chứa các nội dung cơ bản: (i) Thực tiễn pháp luật Việt Nam và hệ thống các chính sách về an ninh con người; (ii) Thực trạng an ninh con người trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, sức khỏe, an toàn lương thực - thực phẩm, an toàn cá nhân, trật tự cộng đồng và bảo đảm quyền dân chủ; (iii) Quan điểm và định hướng cho việc bảo đảm an ninh con người với các mục tiêu tổng quát và cụ thể; (iv) Hệ thống các giải pháp và lộ trình thực hiện để bảo đảm an ninh con người trong ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt, trong Chiến lược đó cần xây dựng và lên kịch bản ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh thông tin, an ninh dân số, đặc biệt là dịch bệnh, không chỉ là dịch bệnh COVID-19 mà còn là các loại dịch bệnh khác có thể xuất hiện trong tương lai nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh con người. Từ việc triển khai các biện pháp ứng phó dịch bệnh trên cả nước, cần tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của một số địa phương, bằng các công cụ đánh giá cụ thể, từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa và thích ứng với các loại dịch bệnh, biến cố thiên tai hay những xung đột xã hội có thể xảy ra trong tương lai. Để có thể làm được điều này cần huy động “chất xám” từ cộng đồng các nhà khoa học, các cuộc thử nghiệm, và các báo cáo tổng kết từ những gì đã thực hiện, từ đó đưa ra các dự báo và xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể.

Để bảo đảm đúng hướng và có hiệu quả các biện pháp cơ bản đó, cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, của mọi cấp, mọi ngành, của cộng đồng doanh nghiệp…, trong đó vai trò của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lời nhắn gửi đầy tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố phía Nam ngày 4-7-2021, càng củng cố niềm tin cho nhân dân trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh nói riêng và bảo đảm an ninh con người nói chung: “Nhân dân đang trông chờ chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau bàn bạc, thảo luận hết sức khách quan, nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm với nhân dân, với công việc, chỉ rõ những hạn chế, bất cập để khắc phục, tất cả vì sức khỏe cộng đồng, vì bình an của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”. Đó là cách thức thực hiện và bảo đảm an ninh con người một cách cụ thể nhất, rõ ràng nhất, xuất phát từ chính bản chất ưu việt của chế độ ta, từ tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì con người, cho con người. Đây là không chỉ là bản chất tốt đẹp của chế độ ta, là mục tiêu của Đảng ta mà còn là khát vọng của toàn dân tộc ta, hướng đến một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, mỗi người dân được phát triển toàn diện và luôn được đặt ở vị trí trung tâm của mọi chính sách.

“Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn. Thực hiện đồng bộ giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. (Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII).

Anh Minh

Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2021/15926/An-ninh-con-nguoi-Muc-tieu-cua-phat-trien-tiep-va.aspx