Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng...
Theo Luật sư Nguyễn Chí Thiện (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều điểm mới, trong đó, cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là một trong những nội dung mới quan trọng.
Lần đầu tiên, khái niệm người tiêu dùng dễ bị tổn thương đã được quy định. Theo đó, người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (khoản 1 Điều 8).
Người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm 7 nhóm người, trong đó, có người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo...
Luật sư Thiện cho rằng, nhóm người tiêu dùng này vốn đã rất khó khăn trong việc giao dịch cho nhu cầu sinh hoạt bình thường, vì rất khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết, họ sẽ là đối tượng dễ bị lừa gạt bởi những thành phần xấu khác.
Vì vậy, so với người tiêu dùng thông thường, nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương được ưu tiên bảo vệ quyền lợi trong một số trường hợp. Cụ thể như khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu thì phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan.
Luật sư Nguyễn Đức Quang (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, quy định riêng về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, phù hợp với tinh thần bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt mà nguyên tắc chung đã đề ra. Nhóm đối tượng này là những người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Các luật sư đặt ra vấn đề bảo mật thông tin người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Theo luật sư Thiện, hiện nay việc sử dụng thông tin của khách hàng khi chưa được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận đang diễn ra rất phổ biến.
Ví dụ như số điện thoại của người tiêu dùng đang bị khai thác một cách bất hợp pháp, nhiều tổ chức, cá nhân có được thông tin này liên tục gọi điện giới thiệu sản phẩm, cung cấp những thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo khách hàng.
Trong những tình thế này, những người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ em, người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn...khả năng nhận thức và cơ hội được tiếp cận những thông tin tuyên truyền rất thấp. Việc các đối tượng tư vấn dụ dỗ qua điện thoại hoặc các tính năng khác có thể dẫn đến rủi ro chính những chủ thể này. Do đó, cần nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương”, luật sư Thiện đề xuất.
Cũng liên quan đến bảo vệ thông tin người tiêu dùng, luật sư Nguyễn Đức Quang, điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 tổ chức, cá nhân kinh doanh không còn là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm tính toàn vẹn và bí mật của dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng mà trách nhiệm này trong một số trường hợp có thể thuộc về “bên thứ ba”.
Tuy nhiên, “bên thứ ba” chỉ có thể trở thành chủ thể của hoạt động thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật hoặc hủy bỏ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi đáp ứng nhiều điều kiện. Trong đó, phải có sự đồng ý của người tiêu dùng với việc ủy quyền hoặc thuê của tổ chức, cá nhân kinh doanh...
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 không quy định một cách minh thị “sự đồng ý của người tiêu dùng” phải được thể hiện dưới hình thức nào và khi nào sẽ phát sinh hiệu lực.
Trong khi đó, Nghị định s13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định “sự đồng ý của chủ thể dữ liệu” phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này.
Và “sự đồng ý của chủ thể dữ liệu” phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được...Vì vậy, theo ThS Bình, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 nên có những quy định tương tự và đồng bộ với nghị định trên.
Nguyễn Hoàng/VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/du-lieu-ca-nhan-duoc-luat-bao-ve-nguoi-tieu-dung-2023-bao-ve-the-nao-post1061215.vov