Thực hiện Kế hoạch đối ngoại năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã cử đoàn cán bộ - thành viên Ban Điều hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm 06 đồng chí do PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Ủy viên Thường trực Ban điều hành Đề án làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại Liên Bang Thụy Sĩ, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Đan Mạch, từ ngày 22/11/2019 đến ngày 03/12/2019.
Trong các buổi tiếp và làm việc tại ba quốc gia này, PGS.TS Tường Duy Kiên đã thay mặt Đoàn trao đổi và giới thiệu về các thành tựu trong giáo dục quyền con người tại Việt Nam trong thời gian qua, nhất là từ sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành; giới thiệu nội dung cơ bản của Đề án đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân; trao đổi tiềm năng hợp tác về giáo dục, đào tạo trên lĩnh vực quyền con người.
Tại các buổi làm việc, các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học đều đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án quốc gia về giáo dục quyền con người; cho rằng thực hiện thành công Đề án sẽ có tác dụng rất lớn đến việc phát triển nhân cách con người, nhất là hình thành văn hóa tôn trọng quyền con người trong thế hệ trẻ, xây dựng lối sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và gia đình, cũng như chính bản thân.
Tại buổi làm việc với Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Đại sứ Dương Chí Dũng đã trao đổi, giới thiệu đóng góp của Phái đoànvào hoạt động của Liên hợp quốc để xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam hoà bình, thân thiện, tích cực đóng góp vào phát triển một thế giới văn minh, bình đẳng và phát triển. Đối với công tác liên quan đến quyền con người, Phái đoàn tham gia nhóm nòng cốt của Liên hợp quốc xây dựng Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền trẻ em; phối hợp và tham gia các phiên đối thoại UPR (tham gia về mặt nội dung và vận động các nước có đánh giá đúng về những tiến bộ của Việt Nam, đảm bảm cho sự thành công của các phiên đối thoại); tổ chức thành công nhiều hoạt động bên lề như diễn đàn; xử lý các báo cáo của các báo cáo viên đặc biệt và của các NGOs về quyền con người...
Ảnh: Đoàn công tác làm việc với Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc,
Đại sứ hoan nghênh những đóng góp lớn của Viện Quyền con người với công tác giáo dục quyền con người nói chung và đặc biệt tư vấn, triển khai Đề án 1309 giáo dục quyền con người nói riêng. Đại sứ đã đề xuất và hai Bên nhất trí thiết lập mối quan hệ hợp tác trong việc cung cấp thông tin cho Phái đoàn về các kết quả nghiên cứu trên lĩnh vực quyền con người, những thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở trong nước và cung cấp những diễn biến, thông tin về quyền con người tại các diễn đàn Liên hợp quốc cho Viện để cập nhật trong nghiên cứu và giảng dạy, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho cả hai Bên.
Làm việc với bà Mrs Elena Ippoliti, đại diện của Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về quyền con người (Office of the High Commissioner for Human Rights - OHCHR), Đoàn đã được nghe giới thiệu về phương pháp giảng dạy, đào tạo, chuyển giao kiến thức, phát triển kỹ năng, khuyến khích hành vi nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Nghiên cứu về công thức giáo dục quyền con người:
+ Lấy người học làm trung tâm (learner - centred)
+ Người dạy cùng đồng hành với người học (participatory)
+ Là cơ hội chia sẻ với người học (experiential/action-oriented)
Đại diện OHCHR cũng giới thiệu về Chương trình thế giới giáo dục quyền con người (2005-ongoing), trong đó đưa ra phương pháp cụ thể trong giáo dục quyền con người.
Nhằm hỗ trợ Đề án về nguồn tài liệu, Đại diện OHCHR đã cung cấp cơ sở dữ liệu nguồn của Văn phòng tại địa chỉ: www.ohchr.org. Văn phòng cũng sẵn sàng phối hợp để đẩy mạnh các chương trình hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy giáo dục quyền con người thông qua Văn phòng đại diện tại Bangkok (Thái Lan). Đại diện Văn phòng Cao ủy đáng giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân, và gợi ý Việt Nam có thể gửi tài liệu giáo dục được xây dựng bằng tiếng Việt đến thư viện của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, làm tài liệu tham khảo.
Trao đổi với Viện nhân quyền Geneva (The Geneva human rights platform), ông Felix Kirchmeier, Giám đốc điều hành cho biết Viện là cơ quan cung cấp một diễn đàn năng động ở Geneva cho tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực nhân quyền - chuyên gia, học viên, nhà ngoại giao và xã hội dân sự - để thảo luận và tranh luận về các vấn đề và thách thức mang tính thời sự.
Viện tập trung đào tạo thạc sĩ quyền con người trong đó nhấn mạnh đào tạo về phương pháp giáo dục trong đó có chương trình thạc sĩ nhân quyền dành cho các học viên chuyên ngành đối ngoại. Đối tượng học viên chủ yếu đã có nền tảng pháp luật. Học viện chủ yếu cung cấp các kiến thức, kỹ năng liên quan đến luật nhân quyền quốc tế. Ngoài ra, Học viện còn triển khai một số chương trình đào tạo cung cấp cho cán bộ của Liên hợp quốc dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Các học viên đến từ các quốc gia chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới.
Ảnh: PGS.TS Tường Duy Kiên chủ trì làm việc với ông Felix Kirchmeier, Giám đốc điều hành Viện Nhân quyền Geneva
Đối với triển vọng hợp tác giữa hai bên, Viện đề xuất trao đổi giảng viên giảng dạy về luật nhân quyền quốc tế trong các chương trình đào tạo thạc sĩ.
Tại Vương Quốc Bỉ, tìm hiểu về vấn đề giáo dục quyền con người tại bậc phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, Đoàn đã có buổi trao đổi chuyên sâu với các giảng viên của Trường Đại học Antwerpen (Bỉ). Giáo dục quyền con người ở Bỉ cũng được đưa vào các trường phổ thông, đặc biệt từ cấp 2 trở lên. Các giá trị nhân quyền được lồng ghép vào môn Lịch sử hoặc Giáo dục công dân, giáo dục đạo đức. Chú trọng giáo dục Luật Nhân quyền của châu Âu, có sự điều chỉnh để tránh xung đột giữa hiến pháp, luật của Bỉ và Châu Âu. Về đào tạo giáo dục quyền cho các em nhỏ, Trường Antwerpen và các cơ sở giáo dục khác thường Tổ chức tuần giáo dục nhân quyền vào khoảng tháng 4 hằng năm, tại đây các trường mở cửa cho phụ huynh và các em nhỏ từ 8 đến 16 tuổi đến để tham gia các buổi giảng về các kiến thức quyền con người. Hoạt động này thu hút khá đông phụ huynh và học sinh đến tham gia. Nội dung giáo dục nhân quyền cho trẻ em cũng rất đơn giản, ví dụ Công ước về quyền trẻ em được thể hiện qua các tài liệu dễ hiểu. Kiến thức được lồng ghép vào tình huống thực tiễn, chú trọng vào giáo dục hành vi ứng xử cho học sinh.
Ảnh: Đoàn công tác tới làm việc với các giảng viên của Trường Đại học Antwerpen (Vương quốc Bỉ)
Đối với giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề thì quyền con người được giảng dạy trong khoa luật hoặc khoa học xã hội với mục tiêu giáo dục kỹ năng. Phối hợp với các cơ quan như văn phòng Luật sư, cảnh sát,…cung cấp cho người học các quyền liên quan đến lĩnh vực công tác chuyên môn. Hiện nay, việc lồng ghép giảng dạy nhân quyền chưa được đưa vào giảng dạy riêng thành môn học vì nhân quyền thường gắn với những vấn đề nhạy cảm, vấn đề chính trị.
Để nghiên cứu, khảo sát về giáo dục quyền con người tại bậc đại học và sau đại học, Đoàn đã có các buổi trao đổi tại Đại học Antwerpen, Đại học Kent (University of Kent) và Trường Đại học VUB (VUB University Brussel).
Ảnh: Đoàn công tác trao đổi chuyên môn với Lãnh đạo Trường Đại học Kent (Vương quốc Bỉ)
Điểm chung của chương trình học quyền con người ở tại bậc đại học của các trường nói trên là phần lớn sinh viên đến từ nước ngoài. Đại học Antwerpen có chương trình giảng nhân quyền bậc đại học hoặc sau đại học.Thời gian học trung bình bậc đại học là 3 năm và cao học là 2 năm. Vấn đề quyền con người được lồng ghép trong các môn học. Khi học đến cao học sinh viên học các môn luật nhân quyền quốc tế hoặc luật nhân quyền Châu Âu. Sang năm thứ 2, sinh viên được lựa chọn đi sâu vào nghiên cứu Luật nhân quyền quốc tế hoặc Luật Nhân quyền châu Âu. Đối với đào tạo bậc tiến sĩ, sinh viên phải có bằng thạc sĩ Luật của bất cứ quốc gia nào. Chương trình học không chỉ riêng các môn học về Luật mà có thể học thêm các môn khoa học xã hội khác, nghiên cứu cả sự tác động qua lại giữa môn luật với các môn học khác.
Tại Trường Đại học Kent, các chương trình cho sinh viên quốc tế được thiết kế đặc thù và thích hợp với tất cả sinh viên từ các nước đến học tập. Các chương trình đào tạo mang tính liên ngành và đa ngành, chương trình thạc sĩ về quyền con người được kết hợp cùng với một số chuyên ngành khác. Trong đó môn chính về nhân quyền chiếm 12 buổi học, sinh viên được hướng dẫn để nghiên cứu thêm một số môn luật khác như Luật xung đột vũ trang… điều đó rất hữu ích đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp vì ngoài chuyên ngành về Luật nhân quyền, sinh viên còn có thêm hiểu biết về các ngành khác nữa, điều này tạo thêm ưu thế cho sinh viên khi tìm việc. Các chương trình học quyền con người tại Kent lấy luật nhân quyền quốc tế làm trọng tâm. chương trình này thiết kế phù hợp với tất cả sinh viên, kể cả sinh viên không có chuyên ngành Luật.
Đối với yêu cầu kiến thức nền tảng để học cao học về quyền con người, hệ thống giáo dục một số nước có đòi hỏi khá khắt khe, phải có bằng cử nhân Luật mới đủ điều kiện học cao học Luật. Nhưng tại Đại học Kent, sinh viên có thể lựa chọn các ngành đào tạo khác bằng cử nhân (khác với Đại học Antwerpen). Hình thức đánh giá kết quả môn học là làm bài luận khoảng 5000 từ và có thể trao đổi với giảng viên khi làm bài luận. Sinh viên được khuyến khích vận dụng lý thuyết vào các vấn để thực tiễn để lý giải. Đây là phương pháp đánh giá mới, giúp sinh viên làm quen với việc nghiên cứu. Sinh viên được tham gia các buổi học về phương pháp và các buổi hội thảo để dễ dàng tiếp cận và làm quen với việc viết các bài luận.
Việc lựa chọn chủ đề viết bài luận kết thúc môn học: Các chủ đề được quan tâm khi chọn đề tài về quyền con người trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: trong 5 năm trở lại đây một số chủ đề mới “bản địa hoá nhân quyền” (localize human rights) và một số vấn đề nữa thường được gọi là “Quyền con người +…” (quyền con người gắn với một vấn đề cụ thể như quyền con người trong lĩnh vực thuế, môi trường, an sinh xã hội...)
Tại Vương Quốc Đan Mạch, Đoàn đến thăm và làm việc với Viện Nhân quyền Đan Mạch. Tìm hiểu nhận thức về giáo dục quyền con người trong trường phổ thông tại Đan Mạch, Viện Nhân quyền Đan Mạch cho biết: sau khi tiến hành các cuộc khảo sát thì kết quả cho thấy 87% các giáo viên tích hợp được kiến thức quyền con người một cách tự giác trong các bài giảng mà không cần phải qua đào tạo. Điều này cũng gần như một thực tế diễn ra tại Thụy Sĩ, ở bậc giáo dục phổ thông không đưa thành kế hoạch, chương trình giáo dục quyền con người vào giảng dạy vì quan điểm chung của các trường, cũng như mọi người dân trong xã hộiđã tự ý thức về những vấn đề liên quan đến quyền con người – coi đó là đương nhiên. Xã hội Thuỵ Sĩ hiện nay đã tự cảm nhận là bảo đảm đầy đủ quyền con người cho mọi người dân. Người dân và Chính phủ thường chỉ quan tâm đến vấn đề nhân quyền, nhân đạo quốc tế và việc đấu tranh nhằm bảo đảm quyền con người ở những nơi, những quốc gia còn nhiều hạn chế trong vấn đề bảo đảm quyền con người.
Ảnh: Đoàn đến thăm và làm việc với Viện Nhân quyền Đan Mạch
Đoàn đã hoàn thành và kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc với các cơ sở giáo dục, đào tạo tại ba nước: Liên bang Thụy Sĩ, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Đan Mạch. Qua trao đổi, các bên đã thống nhất và bàn bạc tìm kiếm khả năng hợp tác, để mở ra các cơ hội mới trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trao đổi chuyên gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo về quyền con người và giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân./.
Tin, ảnh: Thu Hà