Trong khuôn khổ hợp tác song phương với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của Úc và đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trong và ngoài nước.
Thời gian qua, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế triển khai hoàn thiện một số nghiên cứu về kinh nghiệm của Úc trong các lĩnh vực: (i) thu hồi sản phẩm có khuyết tật; (ii) hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực viễn thông; (iii) quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ về một số vấn đề thực thi pháp luật khác trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, đối với vấn đề thu hồi sản phẩm có khuyết tật tại Việt Nam, đại diện nhóm nguyên cứu đã trình bày những điểm tóm lược về quy định pháp luật, thực trạng công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bài học kinh nghiệm từ Úc và một số kiến nghị, đề xuất cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong giới nghiên cứu học thuật cũng như đại diện một số nhóm ngành doanh nghiệp cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh chủ đề này.
Theo đó, đa số đều nhận định các quy định liên quan đến thu hồi hàng hóa có khuyết tật ở Việt Nam cần chi tiết và cụ thể hơn, đồng thời kiến nghị việc điều chỉnh một số quy định liên quan đến chính sách pháp luật cũng như cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với vấn đề hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC) trong lĩnh vực viễn thông, đại diện nhóm nghiên cứu cũng đã trình bày tóm lược về các quy định pháp luật về kiểm soát HĐTM, ĐKGDC, cơ chế thực hiện, phạm vi và cách thức kiểm soát cũng như một số kinh nghiệm cụ thể trong hoạt động kiểm soát HĐTM, ĐKGDC trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam và kinh nghiệm thực thi của Úc. Từ đó, có thể nhận thấy những bài học mà Việt Nam có thể học tập từ kinh nghiệm của Úc bao gồm các khái niệm pháp lý, tính minh bạch và cơ chế kiểm soát HĐTM, ĐKGDC.
Ngoài ra, đối với vấn đề về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, đây là một vấn đề mới, thu hút được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu đến từ các Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh chia sẻ về khuôn khổ pháp lý và thực trạng công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam, bài phát biểu về kinh nghiệm của Úc trong công tác thực thi pháp luật về bán hàng theo mô hình kim tự tháp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Tại Hội thảo này, Cục CT&BVNTD đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện các nghiên cứu và là tài liệu phục vụ cho công tác sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Huyền My
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/de-xuat-hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-viet-nam-va-kinh-nghiem-tu-uc-86115.htm?fbclid=IwAR1Jl5sjplQ5e0AokCWd3YVXvIw7vMCMl1qlDjsXJKaf4nQ0qn6s8az_JQk