Nhiều đại biểu đề nghị không thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và mức đền bù cần sát thị trường, xứng đáng với giá trị mảnh đất.
Thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 3/11, PGS Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM) cho biết, từ khi xây dựng Luật Đất đai năm 2013, bà và nhiều đại biểu đã nêu quan điểm Nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh. "Thực tế chứng minh đa số vụ khiếu kiện, ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội, làm mất niềm tin của người dân đều do thu hồi đất làm kinh tế xã hội", bà Lan nói.
Trong đó, khiếu kiện của người dân bị thu hồi đất có nguyên nhân từ giá đất tăng nhanh. Những năm 1970, người ta có thể cho nhau cái nhà mà không tiếc, nhưng bây giờ giá nhà tăng nhiều lần. Nhà nước thu hồi đất thì đền bù giá thấp, khi dự án xây xong, giá đất khu đó lại lên rất cao. Người bị thu hồi đất chắc chắn sẽ rất xót xa.
Từ thực tế đó, bà Lan một lần nữa đề nghị Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Nếu liệt kê dự án thu hồi đất làm kinh tế - xã hội như dự thảo thì rất khó, bởi không thể hết. Nhà nước chỉ nên quy định theo hướng thuận mua vừa bán giữa doanh nghiệp và người dân.
Với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cần đền bù theo giá thị trường để người dân thấy thỏa mãn, tránh phát sinh các vấn đề về sau. "Nếu tiền đền bù thu hồi đất không xứng đáng với giá trị mảnh đất thì sự thịnh vượng khi đất nước phát triển không được chia sẻ với người dân", bà Lan nói, nhấn mạnh dự luật cần thiết kế để tiến tới một xã hội công bằng, người dân bị mất mát ít nhất.
Chia sẻ quan điểm của bà Lan, PGS Trần Hoàng Ngân (thư ký Bí thư Thành ủy TP HCM) cũng đề nghị Nhà nước hạn chế tối đa thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội, thay bằng cơ chế doanh nghiệp thương lượng với người dân. Ban soạn thảo cần rà soát, quy định cụ thể tiêu chí các trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và Nghị quyết 18 Trung ương.
Theo ông Ngân, rất khó làm rõ khái niệm thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự luật liệt kê hàng loạt dự án được thu hồi đất như xây khu đô thị, nhà ở thương mại, cải tạo chung cư cũ..., nhưng sẽ có nhiều khó khăn khi thực thi.
Theo dự thảo, khi Nhà nước thu hồi đất phải bồi thường đảm bảo người dân có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng quy định này rất khó thực hiện. "Người dân khi đi mua nhà đã phải xem tới xem lui, khảo sát thận trọng. Vậy làm cách nào để bồi thường cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ?", ông Ngân băn khoăn.
Vì vậy, PGS Ngân cho rằng nếu cần thiết phải thu hồi đất với các dự án kinh tế - xã hội thì chỉ xem xét với đất nông nghiệp, hạn chế thu hồi đất phi nông nghiệp, đất ở của dân.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Phó đoàn Khánh Hòa) đề nghị quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. "Luật hiện hành chưa quy định tiêu chí thu hồi đất nên địa phương lạm dụng, nhất là với đất nông nghiệp, ảnh hưởng tới nông dân", ông Trí nói.
Theo ông, giá đất bồi thường luôn thấp, chưa đảm bảo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất; chưa quan tâm tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho họ. Người dân bị thu hồi đất thường mất việc làm, nhưng lại không có cơ hội, điều kiện tìm việc làm mới. Thực tế còn phát sinh nhiều khiếu kiện do chủ đầu tư thu được địa tô chênh lệch từ các dự án trên đất nông nghiệp bị thu hồi, trong khi nông dân vừa mất tư liệu sản xuất, giá đền bù lại thấp.
"Các nhà đầu tư làm giàu được từ đất của nông dân. Nếu xem quyền sử dụng đất là tài sản của nông dân thì đáng ra họ phải giàu", ông Trí nói, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chính sách xác định giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi sát giá thị trường, tính đúng, tính đủ.
Đồng tình các quan điểm trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thu hồi đất để làm nhà ở thương mại vì mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Nếu quy định như trong dự thảo thì có nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu kiện.
Theo ông Tuấn, cần quy định theo hướng tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp. Các dự án có nguồn vốn tư nhân phải đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bảo minh bạch, tránh lạm dụng, gây bức xúc.
Đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị dự luật quy định rõ điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đất nước, tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh, nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, phố nằm trong chợ.
Khác với quan điểm của các đại biểu nêu trên, GS Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, hiện có hai cách là Nhà nước thu hồi và doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân, Nhà nước ra quyết định công nhận. Nếu để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận, "nghe chừng rất dân chủ, đảm bảo lợi ích người dân, nhưng khi đặt cạnh nhau sẽ thấy bất cập".
"Trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh thì giá đất bình thường, nhưng bên cạnh đó là dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận thì trả giá cao, gây bất bình đẳng", ông phân tích, cho rằng đất đai là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu để thực hiện quyền quản lý. Vì vậy, khi chuyển đất đai từ người này sang người khác cần đưa vào diện Nhà nước thu hồi, không nên giao cho chủ đầu tư tự thỏa thuận.
Giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, rất khó lượng hóa cụ thể các tiêu chí thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ông mong muốn đại biểu hiến kế cho ban soạn thảo. "Có quan điểm mở rộng hay thu hẹp tối đa Nhà nước thu hồi đất. Chúng tôi cho rằng chỉ thu hồi đất khi chứng minh được đó là dự án công, quốc phòng an ninh, kinh tế xã hội vì mục đích quốc gia công cộng", ông Hà nói.
Theo ông, cách hiểu "lợi ích quốc gia công cộng" là người dân sẽ trực tiếp đánh giá xem có tạo ra lợi ích hay không, có tạo khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng không. Trường hợp người dân không đồng ý thì sẽ không thực hiện.
Dự án luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Ngày 14/11, dự luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hội trường.
Viết Tuân - Hoài Thu - Sơn Hà
Nguồn: https://vnexpress.net/de-nghi-den-bu-xung-dang-cho-nguoi-bi-thu-hoi-dat-4531414.html