Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này vẫn diễn ra với nhiều phương thức thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Các nạn nhân của chuyên án GL622 được lực lượng chức năng bàn giao cho gia đình. |
Tháng 8/2022, ông Trần Thanh H., trú xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu có đơn đề nghị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bạc Liêu giải cứu con mình là T. V. H đang bị cưỡng bức lao động tại Campuchia. Lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP và BĐBP tỉnh đã phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đã phát hiện đường dây chuyên lừa đảo các lao động còn trẻ bằng thủ đoạn môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia để bóc lột, cưỡng bức lao động. Ngày 11/9/2022, BĐBP tỉnh phối hợp với Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền nam và Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang (Campuchia) và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công nạn nhân T. V. H, đưa em về với gia đình. Cơ quan chức năng xác định các đối tượng trong đường dây mua bán em H. gồm: Bùi Thị Tuyết Nhanh, Phan Văn Hòa và Tài, trú ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Các đối tượng này đều cư trú ngoài địa bàn, thường xuyên vắng mặt tại địa phương, luôn thay đổi vị trí chỗ ở, liên tục đổi số điện thoại, nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra của Ban chuyên án. Chúng liên kết chặt chẽ, tổ chức thành đường dây đưa đón khép kín. Ngày 9/10/2022, phát hiện Nhanh và Hòa đang lẩn trốn tại số D1/5A1 khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt giữ và đưa các đối tượng về trụ sở công an địa phương làm việc, lấy lời khai ban đầu. Ngày 12/10/2022, BĐBP tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Bùi Thị Tuyết Nhanh (SN 2003), trú xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu và Phan Văn Hòa (SN 2000), trú tỉnh An Giang để điều tra, làm rõ hành vi mua bán người.
Trước đó, đầu tháng 6/2022, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng biên phòng tỉnh Gia Lai phát hiện tại làng Kloong, xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có một số công dân vắng mặt với dấu hiệu bất thường. Ngày 23/6/2022, Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP tỉnh Gia Lai nhận được tin báo của chị Puih Niêng, trú tại làng Kloong về việc em trai mình là Puih Đại (SN 1998) cùng 6 người trong làng bị lôi kéo, dụ dỗ đi làm việc tại các tỉnh phía nam, sau đó bị lừa bán sang Campuchia. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Những người này muốn trở về nước phải bỏ ra 120-150 triệu đồng chuộc thân. Xét tính chất vụ việc phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy Gia Lai, Cục PCMT&TP (Bộ Tư lệnh BĐBP). Đầu tháng 7/2022, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lập Chuyên án GL622. Cục PCMT&TP trực tiếp chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai, Tây Ninh và các lực lượng khác xác định địa chỉ của các nạn nhân tại Campuchia. Ngày 6/7/2022, lực lượng biên phòng giải cứu thành công bảy nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia. Qua thu thập chứng cứ, lực lượng biên phòng xác định đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001) trú xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) là "mắt xích" quan trọng trong đường dây mua bán người.
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục PCMT&TP (Bộ Tư lệnh BĐBP) cho biết, hiện tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã có cả nam giới; chúng mua bán cả trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng, rồi cả nạn đẻ thuê... Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Các đối tượng tội phạm sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Telegram… để kết nối, dụ dỗ nạn nhân. Chúng thường hứa hẹn rủ đi làm ăn xa, hợp tác làm ăn; giả vờ làm quen, yêu đương rồi đem bán; môi giới hôn nhân giả, hứa hẹn gả chồng giàu có, cho con nuôi, đi du lịch, du học… Các đối tượng lập các trang mạng xã hội để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán; hoặc bằng thủ đoạn trên để tìm kiếm những người bị bệnh phải ghép tạng, môi giới cho những người muốn bán tạng để thực hiện việc mua bán mô, bộ phận cơ thể.
Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt đấu tranh phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này. Lực lượng BĐBP tiếp tục triển khai chương trình và các biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này. Các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn...
Thanh Hồng và Kim Oanh
Nguồn: https://nhandan.vn/dau-tranh-ngan-chan-thu-doan-moi-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-post739325.html