LTS: Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế đi đôi với thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, được cộng đồng khu vực và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài 3 kỳ để làm rõ hơn vấn đề này.

Bài 1: Con thuyền vững chãi vượt sóng gió

"Ngọn hải đăng về kinh tế trong khu vực” hay "Con hổ mới ở châu Á" là những nhận định của báo chí nước ngoài về thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều tờ báo lớn phương Tây lại đưa ra đánh giá như vậy.

Một ngoại lệ

Trong bức tranh kinh tế thế giới với đầy gam màu xám dưới tác động của đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng nhanh hơn dự đoán. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra hồi tháng 4.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam khác hoàn toàn với xu hướng chững lại ở những quốc gia châu Á khác. Với lạm phát được kiểm soát, Việt Nam được coi là một ngoại lệ so với quy luật chung trong khu vực.

Dấu ấn của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
 Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm lớn về kinh tế của Việt Nam. Ảnh: The Diplomat

Sự nổi bật của Việt Nam cũng được thể hiện trong báo cáo vừa đưa ra hồi tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, ADB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á trong năm 2022 và 2023.

Nhưng riêng với Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023 đều được ADB giữ nguyên trong 3 báo cáo triển vọng phát triển châu Á gần nhất. Theo đó, định chế có trụ sở ở Manila, Philippines dự báo tổng sản phẩm nội địa (GDP) Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm tới. Với mức dự báo như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.

Bài học về phát triển thành công

Nếu không theo dõi chặng đường dài mà Việt Nam đã trải qua để đạt được những thành công như hiện nay, hẳn sẽ có người thắc mắc: “Điều gì đã khiến một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh chuyển mình thành một quốc gia được xếp vào hàng ngũ các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới?”. Hay một số có cái nhìn khắt khe hơn thì mặc định: “Phải chăng, Việt Nam đã đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế phát triển nhanh như vậy?”.

Trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể nhìn ngay từ thực tế những gì mà Việt Nam đã làm khi đối mặt với đại dịch Covid-19. Ngay khi dịch tràn vào Việt Nam, Đảng, Chính phủ và toàn dân đã nỗ lực ứng phó, đẩy mạnh triển khai nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người khi dịch Covid-19 lan rộng.

Phát triển vì con người là mô hình được Đảng và Nhà nước Việt Nam lựa chọn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả phải gắn với việc phát triển con người.

Trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng vậy. Với quan điểm: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam nhiều lần khẳng định.

Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá khả năng kiểm soát dịch Covid-19 và ổn định chính trị đã tạo điều kiện cho Việt Nam nhanh chóng bắt tay vào quá trình phục hồi kinh tế. Họ cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra những chính sách đúng đắn cho phát triển. Chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình, kiều bào Việt Nam tại Mỹ cho rằng, nếu nói tới lý do khiến Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế đáng tự hào như vậy, trước tiên phải đề cập tới chính sách ngoại giao đa phương và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính điều này đã giúp Việt Nam tranh thủ được sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và những quốc gia bạn bè thông qua chương trình viện trợ kinh tế và viện trợ không hoàn lại. Bên cạnh đó cũng phải kể tới những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, nhất là sang các nước Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Những chính sách ưu đãi đầu tư, tinh lọc đội ngũ cán bộ làm giảm bớt sự nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp cũng là những yếu tố tăng cường nội lực cho nền kinh tế.

Trong khi đó, theo The Diplomat, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm qua, điều này khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tạp chí quốc tế này nhận định Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế cơ sở hạ tầng phát triển và những chính sách tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhờ vị trí chiến lược cũng như nhờ lợi thế về giao hàng, nhân công có sức cạnh tranh và chi phí sản xuất của Việt Nam. Một lợi thế lớn nữa là các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi đáng kể từ 13 hiệp định thương mại tự do.  

Không chủ quan, thỏa mãn

Từ một quốc gia thuần nông, đại đa số người dân sống ở nông thôn, trình độ phát triển thấp, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì giúp Việt Nam chủ động hơn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững.

Đây là minh chứng cho chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam, như nhận định của The Diplomat: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc luôn chảy trong trái tim của các thế hệ người Việt. Nhìn lại những chặng đường đã qua giúp chúng ta tự tin hơn, đồng thời cũng giúp chúng ta rút được kinh nghiệm để không thỏa mãn, không chủ quan. Lấy dân là gốc, dựa vào dân, tin vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là cơ sở tạo nên sức mạnh đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đây cũng là tiền đề để con thuyền Việt Nam vững vàng vượt mọi sóng gió.

(còn nữa)

NGỌC THƯ

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/dau-an-cua-viet-nam-trong-thuc-day-va-bao-ve-quyen-con-nguoi-707594