Xuất hiện lần đầu từ cuối năm 2019, chưa đầy 2 năm qua, đại dịch COVID-19 như cơn sóng thần quét qua mọi quốc gia trên thế giới. Từ nước giàu đến nước nghèo, COVID-19 đều trở thành thử thách nghiêm trọng của tiến trình phát triển bền vững, trong đó có thử thách về bảo đảm quyền con người. Nhiều chuyên gia đã ví tác động và tổn thất về con người của COVID-19 là cuộc “chiến tranh thế giới lần thứ 3”. Vậy Việt Nam đã xử lý đại dịch ra sao, từ góc độ hoạt động lãnh đạo của Đảng cầm quyền?
Bài 1: TỪ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII ĐẾN THẾ HỆ CÁN BỘ “7 DÁM”
Trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước mới là điều kiện cần; yếu tố “đủ” để chống dịch thành công thuộc về đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu.
Những chủ trương, biện pháp mang tính lịch sử
Ngay từ khi mới thành lập (3-2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định mục tiêu chính trị của mình nhằm thực hiện “3 giải phóng” (giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người) trong chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Hơn 91 năm qua, từ khi còn là đảng cách mạng chưa nắm chính quyền cho đến khi trở thành đảng cầm quyền, trải qua nhiều thử thách sống còn của các cuộc chiến tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ bản chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức trong sáng của một đảng cách mạng, trong mọi hoàn cảnh đều giữ vững ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, xét đến cùng là vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
“Cơn sóng thần” mang tên COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trên toàn thế giới. Và chính trong cuộc khủng hoảng sâu sắc lần này, nhiều chế độ cầm quyền đã không thể đứng vững trong cuộc “thử lửa”, nhiều nguyên thủ quốc ra phải từ chức hoặc mất chỗ đứng trên chính trường vì chống dịch không hiệu quả. Đại dịch COVID-19 trở thành một “phép thử” để đánh giá sự vững mạnh, bền vững của từng thể chế chính trị. Và Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự vững vàng của một chính đảng Mác-xít, luôn hoạt động vì con người, không bao giờ che giấu mục đích rằng mục tiêu cao nhất của mình là vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, đã thể hiện một cách xuất sắc vai trò lãnh đạo, trước hết bằng những chủ trương, biện pháp đúng đắn. Các chuyên gia trên thế giới nhận xét rằng, chính bản chất nhân văn, vì con người của hệ thống chính trị ở Việt Nam là điểm khác biệt trong thành công bước đầu của Việt Nam ngăn chặn đại dịch COVID-19 năm 2020.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có vị trí, ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, Đại hội XIII xây dựng tầm nhìn, với mục tiêu tổng quát đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, mục tiêu tổng quát này tiếp tục khẳng định sự tiếp nối mục tiêu “3 giải phóng” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra từ ngày đầu thành lập.
Trong một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng như vậy, nhưng với tinh thần tất cả vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, Đại hội XIII đã dành thời gian thỏa đáng thảo luận, đánh giá về công tác phòng, chống COVID-19, vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Đại hội nhận định: “Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế-xã hội; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta”[1].
Đến trước Đại hội XIII, Việt Nam là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ) đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015, được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của LHQ. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng. “Trong khi thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới”. Tạp chí The Economist tháng 8-2020 xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Trang liberationnews.org (Mỹ) kết luận: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 “không đơn giản là một phép màu”, mà đó là “kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế”.
Với những kết quả đạt được trong bảo vệ quyền con người, cùng với môi trường tự nhiên tươi đẹp, chế độ chính trị văn minh, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, năm 2019, Việt Nam đã vinh dự lọt vào tốp 10 danh sách những quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới. Để có những kết quả tốt đẹp đó, cần thấy rõ quyết tâm chính trị và những chủ trương, chính sách nhạy bén, vì dân của Đảng. Ngày 31-1-2020, (mồng bảy Tết Canh Tý), ngay sau khi có thông tin về COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc, đang trong kỳ nghỉ Tết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, hệ thống chính trị đã vận hành thông suốt, đem lại kết quả được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhưng cũng chính thực tiễn chống COVID-19 của năm 2020 đã đưa lại cho các đại biểu dự Đại hội XIII cái nhìn tỉnh táo, không vì thành tích bước đầu của công cuộc chống dịch mà chủ quan, tự mãn, dừng lại. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin COVID-19 cho cộng đồng”[2] là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ đại hội XIII.
Năm 2021, tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường hơnrất nhiều do các biến chủng của vi-rút SARS-CoV-2. Thực tế ấy đã chứng minh rằng, việc Đại hội XIII xác định việc tiêm chủng đại trà vắc-xin COVID-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là chủ trương vô cùng sáng suốt. Chính chủ trương đó, khi đi vào thực tế cuộc sống, đã trở thành chiến lược "5K+vắc-xin" của Chính phủ. Trải qua nhiều đợt bùng phát và được ngăn chặn kịp thời, đợt dịch mới đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, ngày 29-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra “Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19”. Lời kêu gọi là lời hịch non sông, đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ: “nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”. Tiếp theo đó, ngày 14-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, nhấn mạnh: Huy động sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các tầng lớn nhân dân, các ngành, các cấp tham gia phòng, chống dịch; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, ngay trong thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ vẫn kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa tìm cách phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới. Đó là con đường đầy khó khăn, nhưng là con đường thực sự bảo đảm các mục tiêu chiến lược về phát triển con người, phù hợp với tấm nhìn chiến lược của Đại hội XIII đến năm 2045.
Thế hệ cán bộ cấp cao “7 dám”
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và để đất nước phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng thế hệ cán bộ “7 dám” để đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”[3].
Vì sức khỏe, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, “không để ai bị tụt lại phía sau”, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò đi đầu, nêu gương của mình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ dân tộc trong thời kỳ mới, đã thực sự là trung tâm đoàn kết, chỗ dựa, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến chống COVID-19. Hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sâu sát cơ sở, gặp gỡ trí thức, “ngoại giao con thoi” để chỉ đạo, điều hành công cuộc chống dịch, tạo sự thấu cảm sâu sắc trong quần chúng.
Ở cấp địa phương, thực tiễn các đợt dịch diễn ra cho thấy, ở địa bàn nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà bản lĩnh “7 dám” vững vàng thì hiệu quả mang lại rất tốt. Đơn cử là tỉnh Bắc Giang. Từ chỗ là tâm dịch lớn nhất của cả nước, tỉnh Bắc Giang đã khống chế thành công dịch bệnh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội đã trở lại bình thường trong tình hình mới.
Trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái bằng nhiều hành động quyết liệt, đã thể hiện bản lĩnh của một người cán bộ “7 dám”. Từ trước đến nay, trong cuộc chiến với COVID-19, "mục tiêu kép" vừa bảo đảm công tác chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế luôn là bài toán phải hài hòa. Tuy nhiên, vào thời khắc quyết định, đồng chí Dương Văn Thái đã “dám” cương quyết đặt vấn đề phòng chống dịch lên đầu, dám vì lợi ích chung. Quyết định này hết sức khó khăn bởi đi kèm với đó, Bắc Giang phải cho 4 khu công nghiệp tạm dừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với hơn 200 doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, 140.000 công nhân không có việc làm, địa phương bị ảnh hưởng rất lớn ở tất cả mọi mặt từ an sinh - xã hội, kinh tế, chính trị rồi cả uy tín với nhân dân, với nhà đầu tư. Ngay giữa cuộc họp với doanh nghiệp, có đến hơn 80% doanh nghiệp không đồng ý dừng hoạt động.
Đi kèm với quyết định dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải ngay lập tức, lên được phương án lo cho 18.000 trường hợp F1 cách ly, và hơn 60.000 công nhân là người dân của 61 tỉnh, thành phố đang làm việc trong các KCN. Đó là việc thể hiện bản lĩnh “dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” của người đứng đầu.
Quyết định giữ hơn 60.000 công nhân ở lại tỉnh của Tỉnh ủy Bắc Giang, mà người trực tiếp chỉ đạo cũng là Bí thư Tỉnh Dương Văn Thái. Một lần nữa, những quyết định ấy lại thể hiện rõ bản lĩnh của người cán bộ “7 dám” trước những vấn đề thực tiễn đặt ra. Những hành động quyết liệt, kịp thời đã giúp tỉnh có được sự tin tưởng và chia sẻ từ các doanh nghiệp cho mọi quyết định, chỉ đạo.
Một ví dụ khác là Quảng Ninh, một tỉnh có những kết quả phòng, chống dịch tốt, đã ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh thời gian vừa qua. Hiện nay, Quảng Ninh là địa bàn an toàn, giữ vững được "vùng xanh" sạch dịch, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận định, nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn vẫn hiện hữu. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã yêu cầu tất cả các địa phương trong tỉnh đều phải ban hành quyết định thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã. Các cấp phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động, phân công rõ ràng, trách nhiệm cá nhân; cử người ứng trực 24 giờ trong ngày cả ở 3 cấp để đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả, bổ sung sức mạnh tổng hợp giữa Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy.
Trong đợt dịch phức tạp tại các tỉnh phía Nam hiện nay, một tỉnh cũng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đó là Long An. Là địa bàn kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long, do vậy, công tác phòng, chống dịch có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý, giám sát người di chuyển qua địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị toàn tỉnh, số ca mắc của tỉnh những ngày gần đây có xu hướng đi ngang và đi xuống. Đó là kết quả của sự nỗ lực, những bước đi rất sớm trong việc “giữ vùng xanh, khoanh vùng đỏ”, chấn chỉnh hoạt động tại các khu cách ly F0 tập trung, thiết lập các hệ thống ô-xy tập trung ngay tại các bệnh viện tuyến huyện để điều trị từ sớm cho bệnh nhân COVID-19 mới bắt đầu có dấu hiệu chuyển nặng, điều chỉnh công tác xét nghiệm…Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, thành quả bước đầu có được là nhờ sự mạnh mẽ, quyết liệt của đội ngũ cán bộ “7 dám” từ cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước mới là điều kiện cần; yếu tố “đủ” để chống dịch thành công thuộc về đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu.
(Còn nữa)
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.78.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.200.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187.