Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, nếu chỉ tính riêng tín đồ các tôn giáo đã chiếm tới 27% dân số cả nước. Đồng bào tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người là chính sách nhất quán của Việt Nam, là hạt nhân để đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đất nước Việt Nam bền vững từ bên trong.
Bên cạnh quan điểm nhất quán và xuyên suốt về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam còn từng bước nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam. Quan điểm trên được thể hiện trong suốt hơn 30 năm kể từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới công tác tôn giáo và được ghi dấu bằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16/10/1990 về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25/NQ/2003/TW, ngày 12/3/2003 (Nghị quyết hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX) về công tác tôn giáo; tiếp tục nâng cao, hoàn thiện các quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo của Nghị quyết số 24. Khẳng định rõ ràng, nhất quán về 3 quan điểm, đó là: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (không chỉ còn lực lượng cách mạng đơn thuần mà còn là khối quần chúng không thể thiếu, không tách rời của dân tộc Việt Nam); Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và Nhân dân (từ việc nhìn nhận giá trị đạo đức đến việc phải giữ gìn và phát huy những giá trị đó).
Sau 15 năm ban hành Nghị quyết số 25, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung của Chỉ thị không chỉ tiếp tục khẳng định giá trị các quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong Nghị quyết số 25 mà còn nâng lên một bước nhận thức về giá trị của tôn giáo, đó là: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”. Với quan điểm này, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục quan tâm, nhận thức thấu đáo hơn về tôn giáo trong bối cảnh hiện nay.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, bao trùm lên các thời kỳ phát triển đất nước, Việt Nam luôn đề ra chính sách nhất quán về tôn giáo là “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, đồng thời luôn nhận thức và đặt vai trò của tôn giáo ở những vị trí thích hợp theo một lộ trình từ: “Nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo” đến “Giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo”, cũng như nâng lên một tầm cao mới: “Nhìn nhận tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước”. Riêng quan điểm coi “tôn giáo là nguồn lực” không chỉ vừa mới, mà còn là bước đột phá tiếp theo của Việt Nam trên con đường đổi mới nhận thức về tôn giáo trong tình hình mới.
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và cần thiết phải điều chỉnh pháp luật về tôn giáo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tình hình tôn giáo tiếp tục có những biến động, mở rộng không chỉ hoạt động tôn giáo mà cả các hoạt động xã hội, ngày 18/11/2016, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã đánh dấu son cho quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc và các tổ chức tôn giáo. Đồng thời, thông qua đó cũng khẳng định với quốc tế, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét nhất để chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền dân chủ nhân quyền tôn giáo.
Người có đạo ở Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước |
Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam tiếp tục công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho các tổ chức tôn giáo, nâng tổng số lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được công nhận đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và gắn bó với dân tộc. Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo hướng dẫn tín đồ tu tập và thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là công tác hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho tôn giáo tổ chức thành công các đại hội nhiệm kỳ và lựa chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội, tổ chức các hoạt động tôn giáo và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có gần 60.000 chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, đáp ứng ngày một tốt nhu cầu tôn giáo của tín đồ.
Tại Việt Nam, nhiều hoạt động tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ về nhiều mặt để các sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp, tạo được dấu ấn, tiếng vang lớn đối với tín đồ các tôn giáo trên toàn thế giới. Phật giáo đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc; Công giáo tổ chức thành công Năm Thánh 2010, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X; Tin lành tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam, 500 năm cải chánh Tin Lành; Cộng đồng tôn giáo Baha’i tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Giáng sinh Giáo chủ Baha’u’llah ...Những sự kiện quan trọng này không chỉ thu hút các chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia của các học giả, chính khách nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công các sự kiện tôn giáo quốc tế không chỉ khẳng định chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn của Việt Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam đủ tài lực đăng cai các sự kiện tôn giáo quốc tế, khẳng định môi trường an ninh tốt, môi trường văn hóa - tâm linh lành mạnh là điểm đến hấp dẫn trong cả đầu tư và du lịch tâm linh.
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại của Đảng, Chính phủ và Ban Tôn giáo Chính phủ trong lĩnh vực tôn giáo đã góp phần quan trọng trong công tác tôn giáo và nhân quyền. Như: duy trì quan hệ đối thoại với Mỹ, một số nước phương Tây; khối Ả Rập về công tác đối với Hồi giáo; thúc đẩy quan hệ hợp tác với Lào và Campuchia; Phát triển quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican ... Thông qua những mối quan hệ này, để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của một số chức sắc, tu sĩ cực đoan, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình tôn giáo tại Việt Nam.
Không chỉ thành công ở lĩnh vực đối ngoại, công tác vận động, tranh thủ các chức sắc đã được thể hiện trong việc các tổ chức tôn giáo xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Tạo lập mỗi quan hệ gắn bó giữa nhà nước và các tổ chức tổ chức tôn giáo, tạo sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách xã hội. Xử lý nghiêm minh các hoạt động tôn giáo mang màu sắc mê tín, trục lợi và đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết tôn giao, dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thông qua các tôn giáo, các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước về tôn giáo đã vận động cá nhân, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào cuộc vận động yêu nước ở địa phương, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng chính quyền chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn, giảm tải gánh nặng cho đất nước. Bên cạnh đó, chức sắc, nhà tu hành đã chủ động tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động tín đồ đồng thuận trong việc xử lý các vụ việc phức tạp liên quan như: ô nhiễm môi trường biển miền Trung, khiếu kiện đất đai, xây dựng; hoạt động tôn giáo lệch chuẩn, trục lợi, hoạt động lợi dụng tôn giáo tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
LAM ANH
(Nguồn: http://baolamdong.vn/hosotulieu/202102/dam-bao-quyen-tu-do-ton-giao-tin-nguong-la-hat-nhan-trong-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-bai-1-3045084/)